Năm Tý, nói chuyện “chà chuột 4.0”

Thứ năm, 06/02/2020 20:58

Cư dân mạng dùng cụm từ “cào phím”, “chà chuột” để chỉ những hành vi tung tin giả, cắt ghép hình ảnh không có thật ngoài đời vào trong thế giới ảo với nhiều mục đích. Có khi đó chỉ là trò đùa quá trớn, có khi để câu view bán hàng, nhưng nhiều lúc cũng nhằm chửi bới, xúc phạm người khác, thậm chí là bịa đặt, xuyên tạc, kích động chống phá những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Rất nhiều hậu quả thật đã xảy ra sau những cú “chà chuột”, “cào phím” trong thế giới ảo.

Nhiều “anh hùng bàn phím” đã gây ra hậu quả thực ngoài đời vì “chém gió” trên mạng.

Ma trận “quăng bom”, Fake News

Nhiều người trong chúng ta đã quen với việc mỗi sáng mở facebook lên là có “chuyện” để kể cho nhau. Trong vô vàn thông tin có thể tiếp cận hàng ngày bằng điện thoại, máy tính,  có những câu chuyện nóng sốt, giật gân được kể lại, lan truyền bất luận đúng sai. Nhiều chuyện bỗng thành nỗi ám ảnh, lo sợ của các bà mẹ bỉm sữa, bà nội trợ, tiểu thương, công chức hoặc cán bộ về hưu... dù nó không có thật. Những câu nói cửa miệng “biết chuyện gì chưa?”, “đọc cái này chưa?”, “ghê hỉ”, “kinh thật”... thường bắt đầu câu chuyện ở quán cà-phê vỉa hè, trong khu dân cư, thậm chí là trong mỗi bữa ăn của nhiều gia đình. Có những thông tin mà những người tỉnh táo, hay suy luận logic không hề biết được!

Một chủ cửa hàng bán máy tính tại Đà Nẵng tạo tin giả về “lễ hội sờ ngực làm từ thiện” để câu view bán hàng.

Có hôm, đi làm về vừa kịp dựng xe thì thấy hàng xóm tôi mặt buồn rầu hỏi: “Chú thấy mặt thằng bé tử vong trong xe ở trường Gateway tội không? Trời ơi nó bụ bẫm! Buổi sáng thấy cô giáo còn dắt tay nó mà. Sao người ta tàn ác thế?”. Ai cũng biết vụ án rúng động này, nhưng quả thật tôi chưa thấy hình ảnh cô giáo dắt tay cháu bé. Tôi hỏi chị thấy hình ảnh ở đâu thì lập tức chị mở điện thoại ra rồi cứ trầm ngâm nhìn bức ảnh mà xót xa. Người có kinh nghiệm biết rõ đây là bức hình của những cú “chà chuột” vụng về khi cắt một phần hình ảnh đời tư của cháu ghép vào đám đông học sinh ngay trước cổng trường. Xem kỹ thông tin mà chị mở ra thì nó xuất phát từ một facebook giả có nhiều người theo dõi. Status liên quan đến hình ảnh giả mạo có tới hàng nghìn lượt thích và bình luận. Tôi mất nhiều thời gian để giải thích cho chị đây là hình ảnh, thông tin kiểu “phong long” chứ không có thật, chị miễn cưỡng gật đầu quay đi kèm theo nhiều điều hoài nghi, kiểu “không có lửa sao có khói”. Bức ảnh mà nhiều người rơi nước mắt này sau đó bị chính cộng đồng mạng “bóc phốt” là sản phẩm photoshop vụng về, dùng “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Đó chỉ là một trong vô vàn những tin vịt liên quan đến một vụ việc gây rúng động dư luận mà thôi. Người dân còn “dính” phải những tin tức bủa vây quanh các vấn đề liên quan đến cuộc sống hàng ngày. Không chỉ trên facebook cá nhân, nhiều kẻ có kiến thức về công nghệ còn tạo ra những trang web như là các tờ báo, trang thông tin điện tử hoặc làm giả giao diện như của một tờ báo mà bạn đọc vẫn xem hàng ngày.

Một Fake News tạo giao diện giống của Báo Tiền phong, biến tít “Thầy Park đắp chăn đi ngủ khi lên máy bay về Việt Nam” thành “Thầy Park nhắm mắt khi ngủ trên chuyến bay về Việt Nam”.

Mới đây Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 10 triệu đồng đối với bà Trịnh Thị Huế (trú thành phố Bảo Lộc) về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên trang facebook cá nhân, gây hoang mang dư luận. Bà Huế đã lấy hình ảnh thịt lợn nhiễm sán trên mạng xã hội rồi đăng tải trên trang facebook của mình, đồng thời khẳng định số thịt này mua tại chợ ở địa phương. Cơn gió độc tả lợn Châu Phi quét qua nhiều tỉnh thành mang theo cả ma trận thông tin tiêu cực trên mạng xã hội. Khi người dân đang vật vã chống chọi thì các trang fanpage, facebook cá nhân như: “Đầm Bầu Thời Trang Mami”; “Trang Thao Mandy”... đã đưa thông tin, hình ảnh sai sự thật về việc chế biến, bày bán lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi ở khắp nơi. Những tài khoản kiểu này còn kêu gọi người tiêu dùng tẩy chay thịt lợn, sản phẩm chế biến từ thịt lợn vì có thể lây sang người. Đến khi xác minh, cơ quan chức năng làm rõ những hình ảnh này là của những đàn lợn bị bệnh  sán tại Bình Phước từ... năm trước!

Cách đây vài tháng, một nam thanh niên ở H. Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) đã bị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh này xử phạt hành chính 10 triệu đồng về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận. Người này trước đó đã đăng lên Facebook cá nhân thông tin về “một vụ chặt đầu dã man” để... “giỡn chơi”. Tại Gia Lai, cơ quan chức năng cũng đã xử lý không ít trường hợp đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Hồi đầu năm, một thanh niên ở H. Phú Thiện đã bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng do đưa thông tin không đúng sự thật nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của lực lượng CAH Ia Pa. Và mới đầu tháng 12 này, một thanh niên ở xã Trà Đa (TP Pleiku) chỉ nghe người khác nói lại, không kiểm chứng đã vội vã đăng lên facebook về vụ “nổ súng”  cướp tài sản của người đi đường ở địa phương. Khi cơ quan Công an vào cuộc xác minh thì đây là thông tin hoàn toàn bịa đặt.

Công an Quảng Bình xử lý một chủ tài khoản facebook tung tin thất thiệt về vi khuẩn ăn thịt người. 

Sớm muộn cũng “lòi đuôi chuột”

Thế giới ảo lắm lúc đã biến thành con dao nguy hiểm được các thế lực thù địch tận dụng triệt để nhằm xuyên tạc những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, lôi kéo, xúi giục, kích động một bộ phận người dân nhẹ dạ, cả tin, gây mất ANTT. Người tỉnh táo sẽ không khó để nhận diện những kẻ “chơi dao” trong các chiêu bài “bảo vệ môi trường”, “chủ quyền biển đảo”, “dân chủ, tự do”, “xã hội dân sự”. Những hình ảnh, thông tin được những gương mặt liên quan đến các tổ chức phản động đưa lên mạng xã hội thường là những hình ảnh đã được “phẫu thuật” hoặc là những bức ảnh, video clip của một vụ việc đẩu đâu chèn vào câu chuyện đang sốt hòng dắt mũi đám đông.

Nếu như trước đây, pháp luật Việt Nam chưa có những hành lang pháp lý cụ thể để quy định những hành vi bị cấm trên mạng xã hội thì hiện nay Luật An ninh mạng ra đời góp phần khắc phục được những hạn chế này. Cụ thể, Khoản 5, Điều 16 Luật An ninh mạng 2018 quy định: Tổ chức, cá nhân soạn thảo, đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác... phải gỡ bỏ thông tin khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Theo cơ quan công an, về xử phạt hành chính trong lĩnh vực này cũng đã có quy định rất cụ thể tại Nghị định 174 ban hành ngày 13-11-2013 của Chính phủ. Đối với các hành vi cung cấp và đưa các thông tin sai sự thật trên mạng Internet sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Điều 5, Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực ANTT, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, PCCC và phòng, chống bạo lực gia đình cũng quy định, phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với các hành vi như viết, phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân. Về mặt hình sự, Các hành vi tung tin sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị xử lý về tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống. Theo quy định tại Luật dân sự, tùy theo tính chất, mức độ, hành vi và lỗi vô ý hay cố ý sẽ phải bồi thường nếu có thiệt hại gây ra.

Mạng xã hội như con dao, không làm chủ được nó sẽ có ngày đứt tay. Những kẻ “chà chuột”, “cào phím”, dù tiêu khiển hay có chủ đích, sớm muộn cũng sẽ “lòi đuôi chuột” và hái hết những gì mình đã gieo!

NAM UYÊN