Nâng cao hiệu quả công tác tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù
Ngày 18-12, Bộ Công an tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thi hành Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và thực hiện công tác tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù (giai đoạn 2007-2017). Thượng tướng Lê Quý Vương- Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị.
Thứ trưởng Lê Quý Vương và các đại biểu dự Hội nghị. |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và thực hiện công tác tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù (giai đoạn 2007-2017). Theo đó, Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21-11-2007, có hiệu lực ngày 1-7-2008. Sau 10 năm triển khai thi hành, đã góp phần quan trọng trong hợp tác quốc tế về tư pháp hình sự nói chung, công tác dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù nói riêng; từ đó, nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Trên cơ sở các quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, Việt Nam đã ký kết 10 hiệp định song phương về tương trợ tư pháp về hình sự, 12 hiệp định song phương về dẫn độ, 11 hiệp định song phương về chuyển giao người bị kết án phạt tù. Với vai trò là cơ quan Trung ương về dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xử lý 27 yêu cầu dẫn độ ra nước ngoài và 12 yêu cầu chuyển giao phạm nhân về Việt Nam...
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, các quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 cũng bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, làm hạn chế hiệu quả công tác tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù. Trong bối cảnh tình hình tội phạm nói chung và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nói riêng có chiều hướng gia tăng cả về quy mô và tính chất trên phạm vi toàn cầu cũng như tại Việt Nam thì việc tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về tương trợ tư pháp và dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù là yêu cầu cấp thiết, khách quan. Do vậy, kết quả của Hội nghị sẽ là cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quý Vương yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương thời gian tới cần tăng cường tham mưu, đề xuất việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế về dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù và tương trợ tư pháp về hình sự ở Việt Nam. Trong đó, chú trọng nhiệm vụ xây dựng các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành các quy định có liên quan của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015; nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về dẫn độ và Luật về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, bảo đảm sự phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên...
N.L