Nâng cao kỹ năng trong công tác quản lý chất thải rắn

Thứ tư, 13/11/2024 07:25

Ngày 11-11, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành phố Đà Nẵng kết hợp Chương trình Thành phố Sạch, Đại dương Xanh (CCBO) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ tổ chức hội thảo Tập huấn các công cụ quản lý chất thải rắn nhằm nâng cao kỹ năng trong công tác quản lý chất thải rắn cho các cán bộ thuộc các cơ quan chức năng ngành tài nguyên và môi trường đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ông Rene Acosta, Giám đốc CCBO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với bài giảng "Hướng dẫn đánh giá Chỉ số năng lực Quản lý chất thải rắn cho địa phương (SCIL)" tại hội thảo.
Các đại biểu tham gia buổi hội thảo tập huấn.

Đến tham dự buổi tập huấn có bà Nguyễn Mỹ Hằng, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ TN&MT; ông Phạm Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Trung và Tây Nguyên; ông Rene Acosta, Giám đốc CCBO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; bà Gaelle Le Pottier - Giám đốc Dự án Giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa tại Việt Nam cùng các chuyên gia quốc tế, các đại diện từ các sở ban ngành, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà, Ban quản lý Âu thuyền Thọ Quang, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, đại diện Sở TN&MT nhiều địa phương trong cả nước.

Bà Nguyễn Thị Bích Hiền, Giám đốc Quốc gia Chương trình Thành phố Sạch, Đại dương Xanh (CCBO) tại Việt Nam cho biết: Chương trình CCBO do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ được thực hiện từ năm 2019 tại 10 quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhằm nâng cao năng lực quản lý Chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) bền vững cho các thành phố, giúp góp phần giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đại dương với các mục tiêu cụ thể như: Tăng cường thực hành giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế (3R); Thúc đẩy thay đổi hành vi và xã hội đối với 3R và quản lý chất thải rắn bền vững; Nâng cao năng lực và quản trị hiệu quả hệ thống quản lý chất thải rắn bền vững; Hỗ trợ các diễn đàn quốc tế, quan hệ hợp tác công tư (PPP) và các liên minh đa bên. Chương trình Thành phố Sạch, Đại dương Xanh (CCBO) là chương trình của USAID nhằm chống ô nhiễm nhựa đại dương, triển khai trong 5 năm (2019 - 2024). Chương trình hoạt động trên phạm vi toàn cầu, nhằm giảm thiểu các nguồn rác thải nhựa trực tiếp đổ vào đại dương, tập trung vào các khu vực đô thị hóa nhanh chóng.

Ông Rene Acosta, Giám đốc CCBO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với bài giảng "Hướng dẫn đánh giá Chỉ số năng lực Quản lý chất thải rắn cho địa phương (SCIL)" tại hội thảo.

Tại Việt Nam, Chương trình CCBO được khởi động và bắt đầu thực hiện từ năm 2022 tới nay tại 4 thành phố: Đà Nẵng, Huế, Biên Hòa và Phú Quốc với 5 hoạt động chính: Hỗ trợ phát triển, điều chỉnh Kế hoạch Quản lý Chất thải rắn, bao gồm hỗ trợ đánh giá và tổ chức hội thảo liên quan đến Chất thải rắn; thúc đẩy môi trường thuận lợi cho các hoạt động 3Rs (Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế), thí điểm thông qua các đơn vị đối tác nhận tài trợ; hỗ trợ chính thống hóa cho đối tượng thu gom rác không chính thức nhằm tăng thu gom, hiệu quả và sinh kế; hỗ trợ phụ nữ trong lĩnh vực thu gom rác không chính thống, doanh nghiệp do phụ nữ quản lý và các dự án về tái chế/tái sử dụng; hỗ trợ Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Tại hội thảo, với bài giảng "Hướng dẫn đánh giá Chỉ số năng lực Quản lý chất thải rắn cho địa phương (SCIL)", ông Rene Acosta, Giám đốc Chương trình CCBO vùng châu Á, Thái Bình Dương đã giới thiệu công cụ SCIL dùng để đánh giá, đo lường khả năng của địa phương để xây dựng và duy trì hệ thống quản lý chất thải rắn bền vững và hệ thống tái chế.

Công cụ SCIL là cụm từ viết tắt của: "Solid Waste Capacity Index for Local Goverments", đây là công cụ được thiết kế để xác định năng lực quản lý chất thải rắn của địa phương trong sáu hợp phần quan trọng là: Kế hoạch, Chính sách và quy định pháp luật, Quản lý tài chính, Cung cấp dịch vụ, Nguồn lực con người, Kết nối cộng đồng.

Với công cụ SCIL sẽ giúp các cơ quan chức năng quản lý về chất thải rắn tại địa phương có thước đo để đánh giá việc quản lý chất thải rắn trở nên hiệu quả hơn từ các tiêu chí đánh giá là các hợp phần của công cụ, đồng thời giảm thiểu sự phức tạp trong việc quản lý chất thải rắn. Việc thực hiện công cụ SCIL đã được thực hiện tại 10 quốc gia, làm tăng cường năng lực về 3R, quản lý chất thải rắn cho các nhân viên, cơ quan chức năng làm công tác quản lý chất thải rắn tại địa phương.

Hồng Sơn