Nâng cao ý thức chữa cháy tại chỗ trong khu dân cư

Thứ bảy, 21/11/2015 09:56

(Cadn.com.vn) - Thượng tá Phan Văn Thịnh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2 đã đưa ra đánh giá như trên khi đề cập đến công tác PCCC trên địa bàn Q.Thanh Khê trong năm 2015.

Để minh họa thêm cho nhận định này, số liệu chuyên môn của đơn vị này cho thấy, trong năm 2015, trên địa bàn xảy ra 29 vụ cháy thì lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã xuất xe đến hiện trường chữa cháy và đã trực tiếp tổ chức dập tắt 16 vụ cháy, còn 13 lượt đến hiện trường nhưng không tổ chức cứu chữa do đám cháy đã được lực lượng cơ sở và nhân dân tại chỗ kịp thời dập tắt, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn.

Vụ cháy nhà dân hồi tháng 9-2015 xảy ra tại kiệt nhỏ 96/106 đường Điện Biên Phủ (Đà Nẵng) do xe chữa cháy vào không được nên khi vừa phát hiện cháy, lực lượng chữa cháy cơ sở và nhân dân trong khu dân cư đã sử dụng 12 bình chữa cháy xách tay do mỗi gia đình tự trang bị để dập tắt đám cháy. Hoặc như vụ cháy trụ điện trên đường Lê Duẩn, thuộc địa bàn P. Tân Chính cũng được người dân địa phương dùng hết 13 bình và một vụ cháy khác xảy ra trong khu dân cư trên đường Hải Phòng được phát hiện sớm và bà con tại đây đã chủ động sử dụng 11 bình để dập tắt.

Thực tập chữa cháy trong KDC.

Mới đây, khi tham dự "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc" tại khu dân cư số 2 Chính Trạch, P.Tân Chính, chứng kiến việc trao 24 bình chữa cháy cho các hộ dân nơi đây, người viết được bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết "Những hộ này đã sử dụng bình chữa cháy phục vụ cho việc dập tắt 2 đám cháy xảy ra trong khu dân cư thời gian gần đây. Lần này, Phòng Cảnh sát PCCC số 2 đã tổ chức trao tặng để giảm chi phí sắm lại cho các hộ".

Đại tá Võ Văn Sỹ, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2 cho biết thêm, đối với tất cả các hộ tự trang bị bình chữa cháy nếu dùng vào mục đích dập tắt đám cháy tại chỗ, Q. Thanh Khê đều trích kinh phí mua sắm để trang bị lại cho bà con. Cách làm này đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân và cũng là một trong những nguyên nhân chính để nhân dân 10 phường trên địa bàn đã tự trang bị bình chữa cháy xách tay được 36.169 bình, đạt 100% số hộ. Đây chính là kết quả vượt trội từ công tác xây dựng "Cụm dân cư an toàn PCCC".

Theo số liệu thống kê, tính đến nay, toàn Q. Thanh Khê đã xây dựng được 223 "Cụm dân cư an toàn PCCC". Việc tuyên truyền PCCC cũng được Phòng Cảnh sát PCCC số 2 tổ chức 25 đợt  đến từng hộ dân thông qua nhiều hình thức tuyên truyền miệng, tuyên truyền lưu động; mở 12 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở gắn với thực tập phương án chữa cháy tại 32 cơ sở.

Ngoài ra, đơn vị còn ký quy chế phối hợp với Điện lực Thanh Khê, Kho bạc Nhà nước quận; tổ chức ký kết quy chế phối hợp trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ vùng giáp ranh với Phòng Cảnh sát PCCC số 1, BQL Chợ Cồn, Cty CP Đức Mạnh, Siêu thị Big C, Cty Pakrson; UBND các phường Hải Châu 2, Thạch Thang (Q.Hải Châu) với UBND P.Tân Chính, Vĩnh Trung (Q.Thanh Khê). Trên cơ sở quản lý về PCCC hơn 600 cơ sở, đơn vị đã xây dựng 9 kế hoạch kiểm tra chuyên đề, định kỳ, đột xuất và đã phát hiện 81 cơ sở vi phạm về an toàn PCCC, trong đó phát hiện một cơ sở kinh doanh hàng mã ở P.Chính Gián nằm trong KDC, không đảm bảo về an toàn PCCC đã tham mưu cho chính quyền di dời đi nơi khác.

Trao đổi với người viết về hiệu quả của mô hình "Cụm dân cư an toàn PCCC" cũng như hoạt động của Phòng Cảnh sát PCCC số 2, ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Q.Thanh Khê nhìn nhận: "Nhờ làm tốt công tác tham mưu, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp và sự vào cuộc quyết liệt của Phòng Cảnh sát PCCC số 2, công tác PCCC đã có chuyển biến tích cực; phong trào toàn dân tham gia PCCC được đẩy mạnh và phát triển sâu rộng, hiệu quả quản lý nhà nước được tăng cường... Những kết quả đó thể hiện bằng số vụ cháy xảy ra trên địa bàn quận trong thời gian vừa qua đã giảm về số vụ và thiệt hại. Lực lượng chữa cháy tại chỗ cùng nhân dân địa phương dập tắt 13 vụ khi mới phát sinh cháy, không để cháy lan, cháy lớn; góp phần đảm bảo TTATXH, phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn".

Phương Kiếm