Nâng chất lượng đô thị

Thứ tư, 04/12/2019 08:28

Môi trường và trật tự đô thị là hai vấn đề trọng tâm, đặt ra nhiều thách thức với sự phát triển bền vững của Đà Nẵng hiện nay. Đây cũng là chủ  đề của năm 2020 mà Đà Nẵng sẽ tập trung nguồn lực, đưa ra các giải pháp hữu hiệu để cải thiện.

Từ năm 2014 đến nay, mỗi năm Đà Nẵng chọn ra một chủ đề cấp thiết để giải quyết. 2 năm qua, chủ đề đẩy mạnh thu hút đầu tư đã thu được kết quả khả quan nhờ quá trình triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp từ chuẩn bị hạ tầng, cải cách hành chính, tạo cơ chế, môi trường đầu tư thông thoáng. Hiện nay, đô thị Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ, đặt ra nhiều áp lực lên hạ tầng từ môi trường, giao thông, trật tự xây dựng, cấp thoát nước... Việc quá tải hạ tầng đang đe dọa tới sự phát triển bền vững cần cấp bách có giải pháp tổng thể, quyết liệt, cũng như tập trung tối đa nguồn lực để tháo gỡ.

Nếu so sánh với các tỉnh miền Trung, Đà Nẵng luôn tự hào có hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại được đầu tư khá sớm để đón đầu phát triển, đặc biệt hạ tầng giao thông. Tuy nhiên quá trình đô thị hóa quá nhanh đã tạo áp lực quá tải lên hạ tầng giao thông. Hiện nay, khu vực trung tâm hay dọc biển phía Đông, nơi tập trung dày đặc hạ tầng du lịch (nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng) đang phải đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông mỗi lúc một nghiêm trọng. Số phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt ô-tô tăng chóng mặt, trong  khi quỹ đất trung tâm dành đầu tư bãi đậu đỗ xe hạn chế, thiếu các nút giao thông khác mức, phương tiện giao thông công cộng ít người tham gia, hành lang giao thông bị lấn chiếm... Cũng trong quá trình đô thị hóa  nhanh dẫn tới tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn biến phức tạp. Nhiều công trình, khu vực trở thành điểm nóng xây dựng trái phép.  Mặc dù Ban thường vụ Thành ủy đã có chỉ thị 21 về tăng cường sự lãnh đạo, quản lý trật tự xây dựng, an toàn lao động, tuy nhiên tình hình xây dựng trái phép, lấp chiếm trên đất nông nghiệp, xây dựng không phép, sai phép diễn ra ở nhiều nơi. Nổi bật như công trình ở K108 Nguyễn Chánh (Liên Chiểu), Mường Thanh, công trình tại đường Lê Quang Định (Cẩm Lệ), tòa nhà Mường Thanh (Ngũ Hành Sơn)…Do vậy, việc tập trung giải pháp quyết liệt để lập lại trật tự đô thị hiện nay trở nên cấp bách. Hơn nữa, việc thiết lập trật tự đô thị có vai trò đặc biệt trong việc hình thành văn minh đô thị, là cơ sở để phát triển đô thị bền vững. Đây cũng là tiêu chí để xây dựng thành công hình ảnh một thành phố đáng sống, là điểm đến của du khách, nơi sinh sống và làm việc hấp dẫn của các nhà đầu tư, các chuyên gia, làm tiền đề để đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Áp lực về môi trường đang trở nên bức thiết với Đà Nẵng hơn bao giờ. Mỗi ngày đô thị Đà Nẵng thải ra hơn 1.100 tấn rác thải rắn, trong khi bãi rác Khánh Sơn sắp lấp đầy, dự án khu liên hiệp xử lý rác thải rắn vẫn chưa được đầu tư. Ở vệt ven biển phía Đông trọng tâm phát triển du lịch của Đà Nẵng dự án phát triển bền vững đang dang dở, trời mưa lớn nước thải sinh hoạt quá tải không được thu gom hết vẫn tràn ra biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch. Rõ ràng áp lực về môi trường đang rất lớn. Đà Nẵng đặt mục tiêu tới năm 2025 là TP môi trường, 2045 là TP sinh thái, do vậy việc chọn chủ đề môi trường cho năm 2020 để sớm tập trung nguồn lực, giải pháp cho vấn đề này thực sự cần thiết. Từ chủ đề này, Đà Nẵng cần xây dựng nhiều kế hoạch hành động để bổ trợ cho chiến lược phát triển TP môi trường như thu gom hiệu quả rác thải, giảm rác thải nhựa, tái chế rác thải, kiểm soát tốt các điểm nóng có thể gây ô nhiễm, chuyển đổi công nghệ sản xuất, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư...Bên cạnh đó, TP cũng cần tính đến việc cải tạo bổ sung thêm các không gian xanh, không gian mở tự nhiên cho đô thị, nghiên cứu các giải pháp tái thiết đô thị khu vực trung tâm để ưu tiên phát triển không gian xanh...

Rõ ràng vấn đề môi trường và trật tự đô thị đang là thách thức lớn với sự phát triển bền vững của Đà Nẵng. Chọn chủ đề này để tập trung nguồn lực, giải pháp cải thiện trong năm 2020 là cần thiết và phù hợp.

HẢI QUỲNH