Nếm thử mỳ cay "cấp độ 7"

Thứ bảy, 29/10/2016 11:05

(Cadn.com.vn) - Trên hầu khắp các diễn đàn, món "mỳ cay 7 cấp độ" xuất xứ từ Hàn Quốc được khá nhiều bạn trẻ quan tâm, chia sẻ. Để rõ thực hư, tôi đã đến quán Saga trên đường Nguyễn Văn Linh, TP Đà Nẵng, nếm thử món ăn đang "làm mưa làm gió" này.

Cảm giác đầu tiên khi bước vào quán là mùi ớt thoang thoảng. Ngay khi tôi gọi món, anh Tuệ, chủ quán Saga, giới thiệu: Món ăn Hàn Quốc bình thường đã có vị cay nhẹ. Còn mỳ cay thì tính từ cấp độ 1 đến cấp độ 7, tùy theo thương hiệu. Thông thường, với người ăn cay, dùng món mỳ "cấp độ 2" hoặc "cấp độ 3" cũng đã "vừa" lắm rồi, còn dùng món "cấp độ 7" thì thực sự là rất... rất cay! Anh Tuệ khuyên tôi không nên dùng món "cấp độ 7". Mặc dù vậy, tôi vẫn quyết định nếm thử món ăn được bàn tán quá nhiều này với cấp độ cao nhất, một phần vì tò mò, phần khác là khá tự tin vào khả năng ăn cay của chính mình (thời sinh viên, ở Huế, tôi và đám bạn từng uống rượu gạo nhâm nhi với... ớt; còn khi ăn bánh canh cá lóc thì không ngần ngại nêm thêm một vài thìa ớt bột).

Món mỳ cay tôi gọi, cảm nhận đầu tiên, nhìn có vẻ không cay lắm, chí ít là không "thách thức" thị giác như các món ốc hút, bánh canh, cháo bột, thậm chí là bún bò Huế. Một thố mỳ có hai con tôm, ít mực tươi, chả cá viên, bắp cải tím và nước dùng màu nửa đỏ nửa vàng, hơi sánh. Vị ớt tuy có sốc một chút nhưng chưa đến nỗi "lắc đầu lè lưỡi". Tuy nhiên, đừng để vẻ bên ngoài của nó đánh lừa! Ngay khi tôi nếm thử một muỗng nước dùng, vị cay đã choán toàn khoang miệng. Đây là một kiểu cay hơi khác với các loại tiêu, ớt, riềng, mù tạt... mà tôi từng biết. Dù rất cay, tôi chưa muốn đầu hàng, lại nếm thêm một nửa chén mỳ và các loại hải sản. Lúc này vị cay dội vào tận chân răng, môi nóng rát, tai ù, nước mắt chảy, mồ hôi vã ra. Tôi phải uống liền mấy ngụm nước suối để làm mát miệng và cơ thể nhưng vẫn không thể đẩy vị cay đi đâu được. Chờ một lúc lâu, khi lấy lại cảm giác bình thường, tôi quyết định nếm thử lần thứ ba. Vị cay bây giờ không còn chỉ là cay và nóng nữa mà còn có cả cồn cào, không khác nào người đói bụng uống một chén nước ớt đậm đặc. Mắt tôi mờ đi một lúc. Tôi chính thức đầu hàng! Anh Tuệ cho biết, anh đã mở mấy quán mỳ cay, nhượng quyền thương hiệu của Saga. Riêng quán trên đường Nguyễn Văn Linh đã mở được 4 tháng. Thế nhưng, anh chưa bao giờ nhìn thấy vị khách nào có thể ăn hết một tô mỳ "cấp độ 7". Hiếm hoi lắm mới có người ăn hết mỳ, còn nước dùng thì 100% thực khách đều để lại.

Món mỳ cay "cấp độ 7". Ảnh: N.L

Theo một bài viết trên Vnexpress, hai thương hiệu mì cay đang tung hoành ở Việt Nam là Sasin và Naga, cũng chính là tên 2 loại ớt được quảng cáo "cay nhất thế giới". Thứ ớt dùng trong mì cay Sasin là Carolina Reaper (Sasin là phát âm tiếng Hàn), loại gia vị được ví cay hơn bình xịt hơi cay của cảnh sát Mỹ. Theo thang đo độ cay Scoville, loại ớt này có độ cay từ 1,5 triệu đến 2,2 triệu Scoville, trong khi bình xịt hơi cay ở mức 2 triệu. Còn loại ớt Naga Viper được lai tạo từ 3 loại ớt cực cay.

Còn cảm nhận của riêng tôi, sự khác biệt về khẩu vị thật khó tưởng tượng! Cho đến khi rời quán, tôi vẫn không nhớ đã thưởng thức được gì ngoài vị cay "cấp độ 7" khủng khiếp. Theo cảm nhận của riêng tôi, nếu nói về công phu, sự tinh tế và cả cảm giác ngon thì có lẽ món mỳ cay của xứ sở Kim Chi "không cùng đẳng cấp" với các món ăn thuần Việt, như bún, phở, mỳ quảng,  hủ tiếu...; ngược lại, về cách thức bán hàng, xây dựng thương hiệu, bài trí không gian thì món mỳ cay nhìn chung vượt trội với hầu hết các hàng ăn thuần Việt. Với tôi, ăn mỳ cay "cấp độ 7" rõ ràng là một trải nghiệm để thỏa mãn trí tò mò chứ khó có thể trở thành một thói quen hay nhu cầu thiết yếu. Vả lại, nếu có lần nào đó quay lại với món ăn này, tôi chắc chắn sẽ để tâm đến lời khuyên của người bán hàng!

Nguyên An