Nepal chạy đua cứu người
(Cadn.com.vn) - Một không khí tan thương và tuyệt vọng bao trùm khắp thủ đô Kathmandu, Nepal khi số người chết sau trận động đất 7,9 độ Richter tấn công nước này hôm 25-4 không ngừng tăng lên.
Ngày 26-4, hàng ngàn người dân cùng lực lượng cứu hộ thậm chí đào bới những đống đổ nát bằng tay không để tìm kiếm cứu những người còn sống sót. Tuy nhiên, hy vọng ngày càng mong manh khi số người chết không ngừng tăng lên trong khi dư chấn liên tiếp xảy ra sau trận động đất mạnh 7,9 độ Richter làm rung chuyển Nepal hôm 25-4.
Theo Cơ quan Thăm dò Địa chất Mỹ (USGS), tâm chấn động đất có độ sâu chỉ 2km, nằm cách Pokhara 80km về phía đông. Đây là trận động đất tồi tệ nhất nhấn chìm quốc gia Nam Á nghèo khó này trong hơn 80 năm qua. Năm 1934, hơn 8.500 người chết trong một trận động đất gần như san phẳng thủ đô Kathmandu của Nepal. Giới phân tích cho rằng, tâm chấn quá cạn như thế này khiến động đất có sức tàn phá hủy diệt. Dư chấn mạnh đến nỗi các nước láng giềng Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan và khu vực của Tây Tạng của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng khiến tổng cộng hơn 60 người chết.
Cảnh đổ nát hoang tàn sau động đất ở thủ đô Kathmandu, Nepal. Ảnh: Reuters |
Sức tàn phá hủy diệt
Tính đến tối 26-4, đã có hơn 2.400 người chết khi động đất tàn phá nặng nề thủ đô Kathmandu và khu vực thung lũng đông dân và thậm chí gây ra vụ sạt lở chết người trên núi Everest.
Các bệnh viện hiện đã quá tải khi số người bị thương (gần 6.000 người) liên tục được đưa về. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh viện đưa bệnh nhân ra ngoài đường để điều trị vì ở trong nhà quá nguy hiểm khi dư chấn mạnh tiếp tục xảy ra. “Không có cách nào để có thể dự báo cường độ của các cơn dư chấn vì vậy mọi người cần phải cảnh giác trong vài ngày tới”, L.S.Rathore, Giám đốc văn phòng thời tiết Ấn Độ cho biết. Người dân cũng đổ ra đường và không muốn về nhà vì lo sợ dư chấn. Một người tên Chitra Thapa cho biết, “mọi người đều sốc vì chưa bao giờ cảm nhận được động đất lại mạnh đến như vậy”.
Hiện các con đường, quảng trường ở thủ đô của hơn 1 triệu dân của Nepal bị bao phủ trong đống đổ nát. Người dân sửng sốt nhìn chằm chằm vào ngôi tháp cổ linh thiêng Dharahara, vốn từng là một phần của cuộc sống của họ, nay đã tan hoang. Một dư chấn lớn giữa Kathmandu và Everest gây ra vụ lở tuyết kinh hoàng nhất trong lịch sử ở dãy Himalaya. Có gần 1.000 nhà leo núi và người dân ở Everest khi lở tuyết xảy ra, con số cao kỷ lục với bất kỳ thảm họa nào trên ngọn núi cao nhất thế giới này. Hôm 26-4, đội cứu hộ tìm thấy thi thể 17 người leo núi bị vùi trong tuyết.
Trực thăng cứu người bị mắc kẹt trên núi Everest. Ảnh: AFP |
Nepal cần trợ giúp khẩn cấp
Bất chấp dư chấn mạnh tiếp tục xảy ra khắp nơi, các hoạt động cứu hộ khẩn trương vẫn tiếp tục diễn ra. Các đội cứu hộ tổ chức phân phát lều bạt và hàng cứu trợ cho người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng, vốn bị mất điện, nước và tắc nghẽn hệ thống thông tin liên lạc.
Nỗ lực cứu người bị thương sau động đất. Ảnh: Getty Images |
“Chúng tôi đưa ra kế hoạch hành động cứu hộ và cứu trợ quy mô lớn và rất nhiều việc cần phải làm”, Bộ trưởng Thông tin Minendra Rijal nói với truyền hình Ấn Độ. “Đất nước chúng ta đang ở thời điểm nguy hiểm của cuộc khủng hoảng và chúng ta sẽ yêu cầu hỗ trợ và viện trợ”, ông nói thêm. Sĩ quan quân đội Santosh Nepal và một nhóm các nhân viên cứu hộ làm việc cả đêm để mở lối đi vào một tòa nhà bị sập ở Kathmandu. “Chúng tôi tin vẫn còn có những người bị mắc kẹt bên trong”, ông nói với Reuters, Vì thiếu nhân lực cứu trợ và cứu hộ, nhiều người sống sót tự nỗ lực đưa người thân bạn bè đến bệnh viện trong những chiếc xe kéo có động cơ, hay ô-tô. Nhiều người dân dùng tay không, xà beng và các công cụ khác để tìm kiếm người thân dưới những đống đổ nát.
Người dân ngủ ngoài đường vì lo sợ dư chấn sau động đất. Ảnh: EPA |
Khi Nepal đang đau đớn vật lộn với thảm họa kinh hoàng, các nhà lãnh đạo thế giới và tổ chức từ thiện trên khắp thế giới nhanh chóng cung cấp viện trợ khẩn cấp. Ấn Độ trợ giúp vật tư y tế và gửi đội cứu trợ đến quốc gia láng giềng. Trung Quốc cũng điều đội cứu hộ khẩn cấp đến Nepal. Pakistan điều 4 máy bay C-130 với bệnh viện dã chiến 30 giường đến tham gia tìm kiếm, cứu hộ và phân phát hàng cứu trợ cho người dân ở Nepal. Mỹ, Anh và các nước Liên minh Châu Âu (EU) cũng đã điều đội cứu trợ đến Nepal và cam kết sẽ nhanh chóng viện trợ cho quốc gia Nam Á.
Khả Anh
Chưa có thông tin người Việt Nam thiệt mạng ở Nepal Ngày 26-4, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình người Việt Nam tại Nepal sau vụ động đất ngày 25-4, và công tác bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Bangladesh cho biết, hiện chưa có thông tin về công dân Việt Nam bị thương vong và đang tiếp tục khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại sở tại và tại Nepal theo dõi sát, tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan đến công dân Việt Nam”. Theo ông Lê Hải Bình, để Bộ Ngoại giao có thể kịp thời hỗ trợ, xin đề nghị các gia đình có người thân đang ở Nepal hoặc những ai có thông tin về công dân Việt Nam có thể là nạn nhân của vụ động đất thông báo ngay theo số điện thoại đường dây nóng phục vụ công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài (+84981848484 và +84462844844) hoặc đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ (+911126879852) và đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh (+88029854052)”. TTXVN |