Nét độc đáo ở những ngôi trường miền Tây xứ Quảng

Thứ tư, 13/06/2018 11:14

Mỗi trường học có một đội cồng chiêng, trống, có một nhà Gươl trong khuôn viên là nét độc đáo của các trường học ở huyện biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Nhưng điều mà chúng tôi ấn tượng hơn ở những ngôi trường này là sự vận dụng, tổ chức linh hoạt các hoạt động giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, phẩm chất đạo đức, lối sống và giá trị văn hóa truyền thống địa phương cho học sinh.

Chính quyền địa phương, các trường học, phụ huynh cùng góp sức tạo dựng môi trường học tập cho con em học sinh.

Tạo không gian học tập lý thú

Ông A Rất Blui – Phó Chủ tịch UBND H. Tây Giang cho hay: Để văn hóa bản địa của người Cơ Tu không bị mai một, chính quyền và ngành GD-ĐT huyện đã quyết định đưa bản sắc văn hóa Cơ Tu vào trường học. Sau những thời gian nỗ lực thực hiện, đến nay, hầu hết các trường học trên địa bàn đã xây dựng được cho mình một đội cồng chiêng, trống và một ngôi nhà Gươl ngay trong khuôn viên. Điều mà chúng cảm thấy phấn khởi là các đội cồng chiêng, trống đều thu hút học sinh tham gia; còn ngôi nhà Gươl trở thành không gian, địa điểm lý thú cho thầy cô giáo, học sinh tổ chức hoạt động học tập, giao lưu văn hóa, văn nghệ.

Đến Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) H. Tây Giang, chúng tôi thực sự ấn tượng, xúc động với không khí buổi chào cờ sáng thứ Hai của thầy trò nhà trường, với trang phục truyền thống như đến dự một lễ hội truyền thống của các buôn làng người Cơ Tu. Nữ sinh rạng rỡ trong chiếc váy xòe với hoa thêu. Còn nam sinh bên ngoài chiếc áo trắng học trò được khoác thêm chiếc áo truyền thống của đồng bào Cơ Tu với hoa văn độc đáo. Sau bài Quốc ca, tiếng trống trường, tiếng trống, tiếng chiêng trầm bổng lay động cả không gian núi rừng. Nằm trên sân trường, mái nhà Gươl truyền thống tô điểm cho ngôi trường một nét thật riêng biệt.

Theo cô giáo Hồ Thị Tâm - Hiệu trưởng Trường PTDTNT H. Tây Giang, tiếng trống, tiếng cồng chiêng và không gian mái nhà Gươl là những giá trị văn hóa, không gian truyền thống và là nét độc đáo, thiêng liêng của cộng đồng người Cơ Tu vùng cao biên giới huyện Tây Giang. Nét độc đáo, thiêng liêng đó đã gắn với quá trình sinh tồn và phát triển từ ngàn đời của người Cơ Tu. Chính vì thế, công tác tuyên truyền giáo dục về giá trị văn hóa cồng chiêng, mái nhà Gươl cho thế hệ trẻ con em học sinh người Cơ Tu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường cũng như của toàn ngành GD-ĐT H. Tây Giang trong thời gian qua.

Điều đáng quan tâm hơn nữa là công tác truyền dạy các điệu múa cồng chiêng, trống cho học sinh đều do già làng, trưởng bản, nghệ nhân địa phương truyền thụ. Còn những mái nhà Gươl được xây dựng theo hình dáng, diện tích, khuôn mẫu truyền thống văn hóa đồng bào người Cơ Tu. Không những vậy, những mái nhà Gươl trong trường học được xây dựng từ sự góp tiền, góp sức của chính quyền địa phương, nhà trường, phụ huynh học sinh. Chính điều đó như càng khẳng định được giá trị việc hình thành, duy trì các đội tuyển cồng chiêng, mái nhà Gươl trong những ngôi trường vùng biên giới xa xôi này.

Những mái nhà Gươl trở thành địa điểm học tập lý thú, hiệu quả cho học sinh Tây Giang. 

Góp sức bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống

Thầy Nguyễn Viết Trường – Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Lý Tự Trọng (xã A Xan, H. Tây Giang) cho biết: Mái nhà Gươl truyền thống người Cơ Tu được đặt tại vị trí trang trọng trong khuôn viên nhà trường. Mái nhà Gươl được xây dựng nguyên mẫu kích thước, hình dáng thực tế theo mái nhà Gươl truyền thống văn hóa người Cơ Tu. Nhà Gươl như tô điểm thêm nét đẹp thân thiện của khuôn viên trường học, vừa thể hiện được lòng tự hào về giá trị văn hóa truyền thống địa phương của học sinh, giáo viên nhà trường.

“Nhà trường, phụ huynh học sinh phải mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc mới có thể dựng được mái nhà Gươl này. Thầy cô góp tiền lương. Phụ huynh góp tranh, tre, nứa, lá và công sức để dựng lên. Chính vì vậy, khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, phục vụ hoạt động dạy học, các em học sinh, thầy cô đều rất tự hào, phấn khởi. Công trình thật sự thể hiện tâm nguyện của lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể địa phương trong việc đẩy mạnh công tác giáo dục lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống cho con em địa phương”, thầy Trường bày tỏ.

Từ ngày có thêm nhà Gươl, những hoạt động giáo dục ngoại khóa của thầy cô giáo, học sinh các trường học trên địa bàn Tây Giang như càng sinh động, hấp dẫn, hiệu quả hơn. Theo thầy Trần Trực – Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú tiểu học Tr’Hy (xã Tr’Hy), địa điểm mái nhà Gươl trở thành nơi diễn ra các hoạt động giáo dục ngoài giờ, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, không gian ngồi đọc sách, học tập của thầy cô, học sinh, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, phẩm chất, lối sống cho HS.

Thầy Trực cho hay: Giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương là một nội dung đã được nhà trường, giáo viên triển khai thực hiện từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, làm thế nào để bài học luôn luôn là tâm điểm thu hút, lôi cuốn học sinh là điều hết sức trăn trở của thầy cô giáo. Việc xây dựng mái nhà Gươl trong khuôn viên trường học thực sự tạo điều kiện thuận lợi, động lực cho giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy. 

Có thể khẳng định rằng, việc truyền dạy các điệu cồng chiêng, trống, đến góp sức xây dựng mái nhà Gươl trong trường học là hình thức tuyên truyền trực quan sinh động, hiệu quả giúp con em học sinh đồng bào dân tộc Cơ Tu cảm nhận sâu sắc về giá trị bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Đồng thời, tạo thêm điều kiện, động lực cho các trường học nâng cao chất lượng dạy học, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho con em học sinh.

Ông Bhlinh Mia – Chủ tịch UBND H. Tây Giang, tâm sự: “Trước cơn lốc của internet, mạng xã hội, lối sống thực dụng và sự giao thoa nhanh chóng các văn hóa vùng miền khiến cho việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy những bản sắc văn hóa truyền thống cực kỳ khó khăn. Việc truyền dạy văn hóa cồng chiêng, phục dựng các mái nhà Gươl trong trường học thời gian qua trên địa bàn huyện biên giới Tây Giang là những nỗ lực, mong muốn của chúng tôi nhằm tạo dựng cho con em học sinh địa phương những vốn văn hóa truyền thống trên con đường lập thân, lập nghiệp”.

KHẢI MINH