Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong bảo đảm an toàn giao thông

Thứ sáu, 26/08/2022 12:26
Đây là phát biểu chỉ đạo của Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an tại cuộc họp trực tuyến đánh giá kết quả 2 tháng thực hiện Kế hoạch số 299/KH-BCA-C08 của Bộ Công an về cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) diễn ra ngày 25-8. Đại tá Trần Phòng - Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng chủ trì tại điểm đầu cầu Đà Nẵng…
Tại TP Đà Nẵng, trong 2 tháng thực hiện cao điểm, tình hình TTATGT, trật tự đô thị trên địa bàn được kiểm soát, duy trì ổn định, không xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng, ùn tắc giao thông kéo dài, đua xe, cổ vũ đua xe trái phép. Cùng thời gian, tại Đà Nẵng xảy ra 24 vụ TNGT, làm chết 16 người, bị thương 14 người. Đặc biệt, sau khi triển khai thực hiện Điện 76 của Bộ trưởng Bộ Công an (từ ngày 13-7 đến ngày 23-8), tình hình TNGT có sự chuyển biến rõ rệt, trong đó xảy ra 15 vụ, làm 10 người chết, 8 người bị thương; so với thời gian liền kề giảm 2 vụ, giảm 1 người chết và giảm 4 người bị thương. Lực lượng Công an các cấp đã bố trí gần 4.000 tổ TTKS, qua đó lập biên bản 13.305 trường hợp vi phạm, tạm giữ 1.260 phương tiện giao thông; hiện đã ra quyết định xử phạt hơn 9.000 trường hợp, phạt tiền gần 13 tỷ đồng, tước GPLX, bằng, chứng chỉ chuyên môn 1.726 trường hợp. Đáng chú ý, xử lý 912 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 1.328 trường hợp vi phạm tốc độ; 325 trường hợp vi phạm “cơi nới” thùng xe, chở hàng quá tải, quá khổ.
Đại tá Trần Phòng kiểm tra thực tế tại tuyến đường đèo.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long phát biểu tại hội nghị.

Trật tự an toàn giao thông chuyển biến tích cực

Đánh giá tại hội nghị cho thấy, qua 2 tháng thực hiện cao điểm, Công an các đơn vị, địa phương, nhất là lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) đã khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm quy trình tuần tra kiểm soát (TTKS), xử lý vi phạm; công tác xử lý vi phạm theo các nhóm hành vi trong Kế hoạch 299 được các địa phương quan tâm. Nhờ đó, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) có chuyển biến tích cực, hoạt động vận tải đi vào nề nếp, được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ; tai nạn giao thông (TNGT) giảm về số vụ và số người chết so với cùng thời gian trước khi thực hiện cao điểm. Đáng chú ý, có 13 địa phương TNGT giảm cả 3 mặt.

Theo thống kê, có 1.780 vụ TNGT xảy ra, làm chết 955 người, bị thương 1.278 người (so với thời gian trước liền kề, giảm 118 vụ, giảm 83 người chết, tăng 31 người bị thương). Lực lượng CSGT toàn quốc đã huy động hơn 202.600 lượt tổ công tác với gần 826.000 lượt CBCS tổ chức TTKS, qua đó, phát hiện xử lý 474.775 trường hợp vi phạm, phạt tiền 827 tỷ 499 triệu đồng, tước GPLX, bằng, chứng chỉ chuyên môn 77.722 trường hợp. So với cùng thời gian trước, xử phạt giảm 43.161 trường hợp, tiền phạt tăng 178 tỷ 302 triệu đồng.

Lực lượng Công an cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông ở Trung ương và địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT; vận động 21.737 chủ nhà hàng, quán bar, vũ trường... tuyên truyền, nhắc nhở khách hàng đến ăn uống chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia, không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu, bia; vận động 17.540 doanh nghiệp, 1.607 nhà máy, 3.505 chủ bến bãi, 2.235 xưởng cơ khí, sửa chữa ô-tô, 116.275 cá nhân chấp hành nghiêm chỉnh việc bốc xếp, chở hàng hóa đúng trọng tải thiết kế của xe, không “cơi nới” thùng xe và tự giác tháo, cắt thùng xe trở về đúng với thiết kế đã được phê duyệt…

Đại tá Trần Phòng - Phó Giám đốc Công an TP chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Đồng lòng xây dựng lực lượng CSGT trong sạch, vững mạnh

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long biểu dương kết quả công tác mà Cục CSGT và Công an các đơn vị, địa phương đã đạt được trong 2 tháng thực hiện Kế hoạch cao điểm. Thứ trưởng cho rằng, nhiệm vụ đầu tiên của CSGT là tuyên truyền, giáo dục giúp người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Chính vì vậy, Công an các địa phương cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tham gia bảo đảm ATGT, để cán bộ, công chức gương mẫu, không vi phạm. “Công tác đảm bảo ATGT phải thực chất, không được làm theo kiểu phong trào. Lực lượng Công an có đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để thực hiện nhiệm vụ. Chúng ta phải xác định đây là trách nhiệm và phải đổi mới tư duy nhận thức của CSGT. Phải xác định chủ thể phục vụ của chúng ta là người dân; người dân là trung tâm và động lực, nguồn lực. Nhiệm vụ của CSGT là bảo đảm các quyền lợi cho người dân. Làm được vậy, Đảng ủy Cục CSGT và Công an các địa phương phải quyết tâm, đồng lòng xây dựng lực lượng CSGT thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy tinh nhuệ, hiện đại; phát huy hiệu quả, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo đảm an toàn giao thông”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long lưu ý.

Về công tác thời gian đến, Thứ trưởng đề nghị Công an các địa phương tiếp tục làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình các tuyến, địa bàn phức tạp về TTATGT; bố trí lực lượng CSGT tuần tra khép kín, không co cụm, không bỏ trống địa bàn, trước mắt là bảo đảm an toàn các hoạt động kỷ niệm Quốc khánh 2-9, lễ khai giảng năm học mới 2022 và “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường - Tháng 9” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền pháp luật về ATGT, nhất là trong các trường học để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Các đơn vị, địa phương phải sử dụng hiệu quả các phương tiện nghiệp vụ mà Bộ Công an đã trang bị, không được để lãng phí; chuẩn bị điều kiện phân cấp đăng ký xe mô-tô cho Công an xã; sớm hoàn thành dữ liệu xe chính chủ; nghiên cứu tạo điều kiện để người dân rút hồ sơ đăng ký chính chủ thuận lợi nhất; giao Cục CSGT tiếp tục nghiên cứu bộ quy tắc ứng xử của CSGT để thực hiện trong toàn lực lượng…

* Chiều 25-8, Đại tá Trần Phòng đã có buổi làm việc với các đội nghiệp vụ CAQ Liên Chiểu và Trạm CSGT cửa ô Hòa Hiệp nhằm đánh giá công tác đảm bảo TTATGT tại đèo Hải Vân.

Đại tá Trần Phòng kiểm tra thực tế tại tuyến đường đèo.

Theo Trung tá Nguyễn Ngọc Rạng - Trạm trưởng CSGT cửa Hòa Hiệp, sau đại dịch COVID- 19, người dân có xu hướng tham quan du lịch Đà Nẵng nhiều, trong đó đỉnh đèo Hải Vân là điểm đến có lượng người đông nhất là ngày cuối tuần. Trong khi đó số lượng hàng quán chiếm dụng lòng, lề đường làm nơi đỗ xe cho khách gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng không nhỏ đến TTATGT trên tuyến. Đáng chú ý, thanh niên có độ tuổi từ 18 đến 21 đa số là người ngoại tỉnh sử dụng mô-tô và mô-tô phân khối lớn lạng lách, nằm trên xe điều khiển, điều khiển xe hai bánh bằng một bánh,... gây mất TTATGT dễ dẫn đến TNGT. Trước những diễn biến phức tạp trên tuyến, Ban chỉ huy Trạm đã phân công lực lượng, phối hợp với Công an địa phương thường xuyên TTKS, hóa trang, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và tổ chức cho các các hàng quán trên tuyến đèo viết cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ… Trạm cũng phân công tổ công tác thường xuyên xác minh, xử lý nhiều vụ việc vi phạm giao thông. Từ đầu năm đến nay, đã xử lý 255 trường hợp.

Trạm CSGT cửa ô Hòa Hiệp và Công an địa phương cũng đề xuất nhiều giải pháp như: Lắp camera tại Km 905+300; lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông ở đường Nguyễn Tất Thành nối dài và đường vào thôn Hòa Liên 5…

Sau khi nghe báo cáo, Đại tá Trần Phòng đã có chuyến thực tế trên tuyến đèo, đồng thời yêu cầu CAQ Liên Chiểu và CSGT cửa ô Hòa Hiệp tăng cường các giải pháp cũng như công tác TTKS, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông trên tuyến đèo. “Lưu ý những gì thuộc thẩm quyền của lực lượng Công an mà còn tồn tại thì phải nhanh chóng giải quyết ngay. Vấn đề gì thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương, hoặc thành phố thì báo cáo đề xuất để có sự chỉ đạo các lực lượng vào cuộc, thậm chí cả công tác phối hợp với tỉnh Thừa Thiên - Huế. Riêng tình trạng sinh viên, thanh niên lên tuyến đèo cổ vũ điều khiển xe lạng lách, đi hàng ngang, điều khiển xe nằm dài trên xe... gây bức xúc cho người dân, cần nghiêm túc xử lý để tránh nhờn luật”, Đại tá Trần Phòng chỉ đạo.

C.H

Công Hạnh