Nếu V.League 2020 không có đội xuống hạng?
Công ty cổ phần Bóng đá Việt Nam (VPF) đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều sau khi đưa ra phương án tổ chức V.League 2020 theo hình thức tập trung tại khu vực phía Bắc trên các sân không khán giả. Đây là một trong những phương án nhằm đối phó với dịch Covid-19, hạn chế việc di chuyển bằng máy bay của các câu lạc bộ, phòng tránh dịch.
Trận đấu giữa SLNA và Bình Dương tại vòng 2 V.League 2020. Ảnh: VPF |
Cũng cần nhấn mạnh rằng, phương án này được đưa ra để lấy ý kiến các câu lạc bộ và mang tính tham khảo khi dịch suy giảm và V.League được phép thi đấu trở lại. Còn ở thời điểm hiện tại, V.League cũng như nhiều giải đấu khác đều phải tạm dừng vì sự bùng phát của dịch. Việc Ban điều hành giải đấu đưa ra giải pháp để tất cả cùng bàn luận vào thời điểm này được xem là khá hợp lý. Bởi dù cho giải đấu đang "đứng im" vì dịch thì người trong cuộc cũng cần chủ động cho mình một phương án hợp lý.
Tuy nhiên, nhiều câu lạc bộ do chưa hiểu rõ vấn đề đã có những phản ứng khá mạnh mẽ. Họ cho rằng, đây là thời điểm cả nước đang chống dịch, không phải lúc để đưa ra bàn luận về chuyện đưa V.League 2020 trở lại. Có nhiều câu lạc bộ ủng hộ phương án của VPF khi V.League 2020 được phép thi đấu khi dịch suy giảm. Nhưng cũng có những đội bóng đưa ra những ý kiến khá tiêu cực là hủy bỏ giải đấu, bắt đầu một mùa giải mới vào năm 2021.
Trong số các ý kiến các câu lạc bộ được đưa ra, hai đại diện của CLB Quảng Nam và SLNA đã đề xuất thêm một phương án gây chú ý là V.League 2020 sẽ không có đội xuống hạng. Như ông Hồ Văn Chiêm - Giám đốc điều hành SLNA thì: "Chúng tôi cũng có đề xuất thêm một ý kiến là V.League 2020 sẽ không có đội xuống hạng. Đây là điều mà cần chia sẻ khó khăn chung cho các đội trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19".
V.League 2020 nếu được thi đấu trở lại theo hình thức tập trung rõ ràng là một giải pháp có tính khả thi. Bởi điều này không chỉ giải quyết bài toán kinh tế cho các câu lạc bộ mà còn cả lợi ích của đội tuyển quốc gia vào dịp cuối năm khi phải tham dự AFF Cup và Vòng loại World Cup. Thế nhưng, việc thi đấu mà không có đội xuống hạng sẽ để lại nhiều hệ lụy.
Thứ nhất, V.League sẽ thiếu tính cạnh tranh ở nhóm cuối mà chỉ có ý nghĩa với nhóm đua vô địch. Điều này cũng sẽ làm giảm động lực thi đấu của các đội bóng được xem là có quan hệ, hoặc những đội bóng "anh em". Việc dồn điểm để một đội giành chức vô địch sẽ là vấn đề cần được kiểm soát, nếu không sẽ loạn giải.
Thứ hai, nếu V.League 2020 không có đội xuống hạng, điều này đồng nghĩa với việc Giải hạng Nhất Quốc gia sẽ không có đội lên hạng. Điều này ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các đội bóng đang có tham vọng lên chơi ở V.League 2021 như Phố Hiến, Khánh Hòa hay Long An. Đó là điều khó có thể nhận được sự đồng thuận cao.
Nhìn vào ý kiến của các đội bóng đề xuất V.League 2020 không có đội xuống hạng có một điểm chung đó đều là những câu lạc bộ không đặt nhiều tham vọng cho mùa giải mới. Quảng Nam sau chức vô địch 2017 đã không còn là chính mình khi phải thường xuyên cạnh tranh suất trụ hạng.
SLNA thì đang gặp khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất lẫn kinh tế. Sân Vinh đang là một vấn đề nổi cộm khi mặt cỏ xuống cấp nghiêm trọng. Mới đây, VPF đã phải có công văn nhắc nhở, đề nghị SLNA cải tạo mặt cỏ sân Vinh trong quãng thời gian giải đấu tạm nghỉ vì dịch Covid-19. Nếu không có giải pháp cụ thể, SLNA có thể sẽ phải đá trên sân trung lập.
V.League 2020 có đội vô địch thì sẽ không thể không có đội xuống hạng dù diễn ra với bất kỳ hình thức nào. VPF đang có những phương án của riêng mình để khi giải trở lại không rơi vào thế bị động. Còn với các câu lạc bộ cũng cần có kế hoạch cụ thể cho những tình huống khác nhau.
Hưng Hà