Nga chuyển hướng khí đốt sang châu Á

Thứ bảy, 17/12/2022 12:28
Ngày 15-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này sẽ mở rộng hợp tác thương mại với các đối tác mới, trong đó có dịch chuyển dòng chảy khí đốt sang các nước láng giềng phía Đông nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Xây dựng dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Trung - Nga tại tỉnh Giang Tô tháng 3-2022. Ảnh: CNBC
Xây dựng dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Trung - Nga tại tỉnh Giang Tô tháng 3-2022. Ảnh: CNBC

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Phát triển Chiến lược và Dự án Quốc gia ngày 15-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga sẽ tiếp tục tăng và có thể đạt gần 90 tỷ mét khối vào cuối thập kỷ này. Nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng phát triển cơ sở hạ tầng cảng và đường ống ở phía nam cũng như phía đông sẽ là một bước quan trọng để giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt, các hành động thù địch khác của phương Tây nhằm vào Nga. "Việc triển khai các dự án như mỏ Kovyktinskoe, Power of Siberia 2 và tuyến đường Viễn Đông sẽ giúp tăng nguồn cung cấp khí đốt cho phía đông lên 48 tỷ mét khối vào đầu năm 2025 và 88 tỷ mét khối vào năm 2030", Tổng thống Putin tuyên bố.

Ông chủ Điện Kremlin lưu ý con số 88 tỷ mét khối tương đương hơn 60% nguồn cung cấp khí đốt cho phương Tây trong năm 2021. Bên cạnh đó, các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới ở vùng Yamal của Nga sẽ giúp tăng sản lượng LNG của nước này thêm 70 tỷ mét khối, từ đó cho phép đa dạng hóa các điểm đến xuất khẩu.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ phát triển quan hệ kinh tế với các đối tác ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh để ngăn chặn những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập nước này về kinh tế. "Chúng tôi sẽ loại bỏ các hạn chế đối với chuỗi cung ứng và tài chính. Bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt, các nước phương Tây đang tìm cách đẩy Nga ra rìa thế giới đang phát triển. Chúng tôi sẽ không bao giờ đi theo con đường tự cô lập chính mình. Ngược lại, chúng tôi mở rộng hợp tác với tất cả những ai quan tâm", ông Putin nói.

Tổng thống Putin nhấn mạnh sẽ tăng hoạt động bán khí đốt cho khu vực phía Đông, và tái khẳng định kế hoạch xây dựng một "trung tâm khí đốt" mới ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Putin cho biết thêm Nga đã đạt tiến triển tích cực trong chủ trương sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch với "các quốc gia thân thiện", trong khi đang phát triển các cơ chế thanh toán mới để loại bỏ rủi ro chính trị khi sử dụng các đồng tiền của "các quốc gia không thân thiện". Nhà lãnh đạo Nga đồng thời cho biết, trong 9 tháng năm nay, xuất khẩu dầu sang các nước đối tác đã tăng gần 1/4.

Nga bắt đầu bán khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc từ cuối năm 2019 thông qua đường ống dẫn khí Power of Siberia, cung cấp cho nước này khoảng 10 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên vào năm 2021, và dự kiến đạt hết công suất 38 tỷ mét khối vào năm 2025. Nga hiện là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn đứng thứ 3 của Trung Quốc. Vào tháng 2, Tổng thống Putin đã đạt được thỏa thuận bán 10 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc từ vùng Viễn Đông của Nga. Nga cũng có kế hoạch xây dựng một đường ống mới, Power of Siberia 2, qua Mông Cổ với hy vọng bán thêm 50 tỷ mét khối/năm.

Tuyên bố của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh châu Âu, vốn là khách hàng năng lượng lớn nhất của Nga, thời gian gần đây đã có loạt động thái nhằm "cai nghiện" hoàn toàn khí đốt của nước này. Ở động thái mới nhất, theo một thỏa thuận chính trị đạt được ngày 14-12, Liên minh châu Âu (EU) sẽ huy động thêm 20 tỷ EUR từ thị trường của mình cho kế hoạch REPowerEU nhằm nhanh chóng chấm dứt sự phụ thuộc của khối này vào khí đốt Nga. Kế hoạch REPowerEU được đề xuất vào trung tuần tháng 5 vừa qua, đặt ra mục tiêu tiết kiệm năng lượng lên 13%, so với mức cũ là 9%. Tiết kiệm năng lượng được coi là công cụ quan trọng trong các chính sách tái thiết nền kinh tế năng lượng EU, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu của Nga và đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu. Khoản tiền 20 tỷ EUR này sẽ được đầu tư vào các lĩnh vực như sản xuất năng lượng tái tạo, đổi mới tiết kiệm năng lượng và các dự án giúp ngành công nghiệp nặng loại bỏ cacbon. Các quốc gia thành viên EU và Nghị viện châu Âu sẽ phải chính thức thông qua thỏa thuận này trước khi nó có hiệu lực vào đầu năm tới.

AN BÌNH