Nga là "vị cứu tinh" cho khủng hoảng khí đốt Châu Âu?

Thứ hai, 18/10/2021 09:51

Giá khí đốt đã tăng kỷ lục trên thị trường thế giới nói chung, Liên minh Châu Âu (EU) nói riêng những ngày gần đây. Và Tổng thống Nga Putin đang thấy một cơ hội lớn phía sau cuộc khủng hoảng khí đốt ở Châu Âu.

Nga dự kiến hoàn tất việc bổ sung khí đốt cho các kho dự trữ nội địa vào cuối tháng 10 này. Ảnh: Reuters

EU khủng hoảng năng lượng

EU là nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi giá khí đốt tăng cao. Khối này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng manh nha từ mùa Đông 2020 khi thời tiết giá lạnh bất thường khiến nhu cầu sưởi ấm tăng vọt, làm giảm nghiêm trọng lượng khí đốt dự trữ xuống mức đáng lo ngại. Hồi tháng 3, lượng khí đốt dự trữ xuống mức đáng lo ngại là 30%. Sau đó, nhờ chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19, hoạt động kinh doanh và tiêu dùng tại Châu Âu tăng trở lại, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Nhu cầu tiếp tục gia tăng trong mùa hè vừa qua, khi thời tiết nóng bức khiến người dân sử dụng điều hòa và các hệ thống làm mát nhiều hơn.

Theo dữ liệu của Cơ quan tình báo hàng hóa độc lập (ICIS) có trụ sở London, giá khí đốt giao tháng 11-2021 tại Châu Âu tăng 23% lên 117 EUR/MWh, so với chỉ 15 EUR cách đây 6 tháng. Với đợt tăng giá mới nhất này, khí đốt tự nhiên hiện đang giao dịch ở mức tương đương hơn 200USD/thùng dầu, tăng hơn 130% kể từ đầu tháng 9 và cao hơn gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Francis Perrin, Giám đốc nghiên cứu Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS), hiện tượng tăng giá này là do có liên quan đến tình hình cung-cầu và nguồn dự trữ tại nhiều nước trên thế giới. Sau một thời gian dài gián đoạn vì đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới đột ngột khởi động mạnh mẽ trở lại, thúc đẩy tăng trưởng dẫn đến tình trạng tăng mức tiêu thụ năng lượng nhiều hơn trong năm nay so với năm 2020. Trong khi đó, một số nguồn cung ứng lại gặp khó khăn. Tại Mỹ, quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới, sản lượng bị giảm và chưa thể hồi phục sau trận bão Ida tràn qua vịnh Mexico.

Giá điện tại các nước EU cũng đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm nay, trong khi giá khí đốt tự nhiên tăng gần 800%, làm dấy lên lo ngại giá cả leo thang có thể gây bất ổn cho nền kinh tế khu vực. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8 tại các nước Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) tăng 3% - mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, kèm theo lạm phát tăng. Tình trạng thiếu khí đốt đã khiến 10 công ty cung cấp năng lượng ở Anh phá sản kể từ đầu tháng 8. Cuộc khủng hoảng khí đốt cũng khiến nhiều doanh nghiệp sử dụng năng lượng lao đao khi phải đóng cửa nhà máy hoặc hạn chế sản lượng. Điều này có nguy cơ khiến chi phí sản xuất cũng tăng theo, làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát toàn cầu.

Để bảo vệ người tiêu dùng trước giá cả nhiên liệu tăng vọt khi mùa đông năm nay đến gần, các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ "bật đèn xanh" cho các biện pháp khẩn cấp của các nước thành viên, trong đó có việc quy định giá trần và trợ cấp tại hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào tuần tới.

"Cơ hội vàng" cho Nga?

Phát biểu trên được đưa ra trong hội nghị Tuần lễ Năng lượng Nga ngày 13-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga sẵn sàng cung cấp khí đốt cho Châu Âu theo nhu cầu và sẵn sàng đối thoại với EU về bình ổn thị trường. Ông Putin nói: "Chúng tôi luôn thỏa hiệp với đối tác và sẵn sàng bàn bạc các động thái tiếp theo. Các dự án năng lượng của Nga gồm Nord Stream 2 nhằm đảm bảo nguồn cung khí đốt ổn định và có thể dự báo về khối lượng mà các nước Châu Âu cần trong những năm tới".

Theo các chuyên gia, Tổng thống Putin đã có bước can thiệp tính toán để làm hạ nhiệt thị trường khi nói rằng Tập đoàn Gazprom của Nga có thể tăng nguồn cung để giải quyết tình trạng thiếu hụt hiện nay. Ông Andrei Kortunov, Giám đốc Hội đồng Vấn đề Quốc tế Nga, nhận định: "Tổng thống Putin thấy cơ hội trong khủng hoảng. Nga muốn ngăn chặn EU trì hoãn cấp phép cho Nord Stream 2 và bắt đầu đàm phán về mức giá khí đốt ổn định lâu dài".

Nga từ lâu đã phản đối để thị trường giao ngay tác động tới việc định giá mà thích hình thức hợp đồng dài hạn ít biến động giá cả hơn. Tuy nhiên, tình trạng tự do hóa thị trường khí đốt ở EU đã buộc Gazprom phải điều chỉnh công thức định giá khí đốt. Tổng thống Putin cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay giới chức và các cố vấn EU phải chịu trách nhiệm một phần, khi họ thúc đẩy chuyển đổi sang định giá khí đốt giao ngay và không muốn lắng nghe điều gì khác. Nga muốn khôi phục mối liên kết với giá dầu trong các hợp đồng khí đốt, bỏ cách định giá giao ngay của EU. Nga cũng muốn giới chức châu Âu cho phép đường ống khí đốt Nord Streams 2 hoạt động càng sớm càng tốt.

Trong tuyên bố ngày 16-10, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết trong năm nay, lượng khí đốt tiêu thụ tại Nga đã tăng lên mức kỷ lục mà nguyên nhân là nhu cầu tăng cao phục vụ quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh điều này không ảnh hưởng đến việc Nga cung cấp bổ sung khí đốt cho Châu Âu nếu Mocow nhận được đề nghị hỗ trợ.

AN BÌNH