Nga - Mỹ vẫn “hục hặc” về vấn đề vũ khí

Thứ bảy, 18/04/2020 08:12

Quân đội Mỹ hôm 16-4 cáo buộc Nga vừa tiến hành vụ thử tên lửa diệt vệ tinh, cho rằng đây là bằng chứng điển hình cho thấy vũ khí vũ trụ của Nga đe dọa các vệ tinh Mỹ.

Tên lửa Soyuz 2.1v phóng một vệ tinh quân sự vào quỹ đạo từ Sân bay vũ trụ Plesetsk ở miền bắc nước Nga hồi tháng 11-2019.   Ảnh: Roscosmos

Những cáo buộc của Mỹ

Thông tin ban đầu cho thấy Nga có thể đã thử vũ khí diệt vệ tinh vào sáng 15-4. Dựa trên dữ liệu vệ tinh, giới phân tích cho rằng cuộc thử hệ thống tên lửa di động không nhằm vào vệ tinh nào. Các chuyên gia cho rằng Nga thử nghiệm hệ thống tên lửa diệt vệ tinh Nudol phóng từ sân bay vũ trụ Plesetsk cách Moscow khoảng 800 km về phía bắc.

Tướng John Raymond, người đứng đầu Bộ Chỉ huy không gian SpaceCom, cho rằng vụ thử là bằng chứng cho thấy Nga “rõ ràng không có ý định dừng các chương trình vũ khí đối kháng trong không gian”, dù ủng hộ các đề xuất kiểm soát chạy đua vũ trang trong môi trường này. “Vụ thử tên lửa đánh chặn trực tiếp vệ tinh của Nga là ví dụ mới cho thấy những mối đe dọa đối với các hệ thống không gian vũ trụ của Mỹ và của các đồng minh là thực tế, nghiêm túc và ngày càng gia tăng”.  Trong thông báo cùng ngày, Bộ Chỉ huy không gian SpaceCom Mỹ cho biết vụ phóng thử nghiệm cho thấy các tên lửa của Nga có khả năng tiêu diệt các vệ tinh bay trên quỹ đạo thấp gần Trái Đất. Thông báo lưu ý rằng “Mỹ sẵn sàng và cam kết răn đe hành vi gây hấn, bảo vệ tổ quốc, các đồng minh và lợi ích của Mỹ trước các hành động thù địch trong không gian”.

Trước đó, Hạm đội 6 Hải quân Mỹ đã ra thông cáo báo chí cho biết máy bay Su-35 của Nga bay chặn máy bay Mỹ một cách “nguy hiểm” và cho biết, toàn bộ sự việc bay chặn kéo dài khoảng 42 phút. Thông cáo cho biết thêm: “Mặc dù máy bay Nga hoạt động trong không phận quốc tế, nhưng những hành động này là vô trách nhiệm. Chúng tôi hy vọng Nga sẽ hành xử theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế đã được thiết lập để đảm bảo an toàn và ngăn ngừa sự cố” và “những hành động không an toàn làm tăng nguy cơ xảy ra sai lầm và va chạm trên không”. Thông cáo khẳng định rằng chiếc máy bay của Mỹ đã hành động theo đúng luật pháp quốc tế và “không kích động các hành động của Nga”.

Cáo buộc vi phạm hiệp ước hạt nhân

Cũng trong ngày 15-4, báo cáo thường niên của Bộ ngoại giao gửi lên Quốc hội Mỹ đã thể hiện những lo ngại rằng Nga có thể không tuân thủ đầy đủ cam kết thông báo cho Washington về các thí nghiệm hạt nhân theo Hiệp ước năm 1974 giữa Liên Xô và Mỹ về hạn chế các vụ thử vũ khí hạt nhân ngầm dưới lòng đất. “Theo thông tin hiện có, hoạt động của Nga trong giai đoạn 1995-2019 làm dấy lên lo ngại về việc Nga có tuân thủ cam kết thông báo theo hiệp ước hay không”, báo cáo cho biết. “Mỹ cho rằng Nga đã tiến hành các thí nghiệm liên quan đến hạt nhân gây ra hiện tượng giải phóng năng lượng hạt nhân. Mỹ không biết trong năm 2019 Nga đã tiến hành bao nhiêu thí nghiệm phản ứng dây chuyền tự duy trì hoặc giá trị khối lượng siêu tới hạn, và liệu Nga nói chung có tiến hành những thí nghiệm đó hay không. Theo Mỹ, Nga nên thông báo với Mỹ về các thí nghiệm như vậy để Mỹ có thể tiến hành xác minh theo nghị định thư kèm theo hiệp ước nói trên.

Nga bác bỏ

Bình luận về báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Nga khẳng định, nước này đã không có bất kỳ hành động nào vi phạm nghĩa vụ của mình liên quan đến việc cấm các vụ thử hạt nhân. “Đối với những chỉ trích từ Washington trong hơn nửa năm nay, cáo buộc rằng chúng tôi không tuân thủ đầy đủ lệnh cấm các vụ thử nghiệm hạt nhân, chúng tôi một lần nữa khẳng định chúng tôi không thực hiện bất kỳ bước đi nào có thể có các yếu tố sai lệch khỏi các nghĩa vụ của chúng tôi theo lệnh cấm thử hạt nhân đơn phương của chúng tôi và Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện mà chúng tôi đã phê chuẩn”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga nêu rõ. Nga cũng kêu gọi Mỹ ngừng lan truyền các thông tin mà nước này cho là không chính xác về các vụ thử hạt nhân. “Chúng tôi kêu gọi Mỹ từ bỏ việc cung cấp cho cộng đồng quốc tế những thông tin sai lệch về những diễn biến hiện tại vốn đang ngày càng nhiều”, ông Ryabkov nói.

Trong cuộc phỏng vấn trực tuyến với truyền thông Nga và báo chí nước ngoài hôm 15-4, Ngoại trưởng Nga Vladimir Lavrov tuyên bố Moscow sẵn sàng đối thoại với Washington về kiểm soát vũ khí, bao gồm cả vũ khí siêu thanh. “Chúng tôi sẵn sàng đàm phán về những phát triển mới, bao gồm cả vũ khí siêu thanh, trong bối cảnh Nga muốn nhấn mạnh tất cả các khía cạnh, các yếu tố ảnh hưởng đến sự ổn định chiến lược”, ông Lavrov nói. Theo ông Lavrov, đàm phán sẽ đề cập đến các kế hoạch triển khai vũ khí ngoài vũ trụ, vũ khí chiến lược thông thường, tương lai của Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện và các vấn đề khác. Moscow cũng sẵn sàng thảo luận về việc hợp tác với Washington trong việc sử dụng không gian vũ trụ một cách hòa bình.

Ngoại trưởng Nga cũng tuyên bố tuyên bố ý định tổ chức các cuộc đàm phán qua điện thoại với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.  “Ông Mike Pompeo đã gọi cho tôi vài tuần trước, tôi muốn nói chuyện với ông ấy qua  điện thoại sau vài ngày nữa...”, ông Lavrov cho biết thêm.

Hôm 16-4, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng, nếu Mỹ từ chối thảo luận về vấn đề vũ khí không gian với Nga cho thấy Washington mong muốn tạo ra các hệ thống tấn công quỹ đạo. Ông Ryabkov nhấn mạnh rằng, Mỹ đã bỏ qua tất cả các đề xuất đàm phán của phía Nga nhằm tạo ra một khung pháp lý điều chỉnh về vũ khí không gian. “Nếu Mỹ từ chối lời đề nghị này, kết luận tự nhiên mà chúng tôi rút ra là họ đang hướng tới việc tạo ra các hệ thống tấn công để triển khai ngoài vũ trụ. Không có kết luận hợp lý nào khác từ sự từ chối của họ”, ông Ryabkov nói.

AN BÌNH