Ngẫm từ chuyến đi câu “về 0”
Qua hơn 10 năm “đi nghề”, có những lúc bội thu, giật mỏi cả tay, cá đầy thùng, thì cũng có những buổi cá ít. Nguyên nhân có thể là do thời tiết, do con nước và cả do kinh nghiệm của người câu và cả may rủi. Thi thoảng có những lần chỉ được chưa đến 10 con, thậm chí có bữa chỉ được đúng… 1 con. Nhưng có lẽ chưa khi nào “ấn tượng” như 2 chuyến “ra khơi” của năm 2022 này, khi mà mà kết quả đều là con số 0 tròn trĩnh, đồng nghĩa với việc không câu được con nào cả! Đó cũng là một hiện tượng lạ mà tôi chưa từng gặp phải, kể cả thời điểm mới bước vào “nghề”.
Nhìn lại những năm tháng “dọc ngang” trên vùng biển xung quanh bán đảo Sơn Trà, có thể nói một cách nghiêm túc là nguồn lợi thủy sản đã giảm đi rất nhiều, cá ngày càng ít, thậm chí có những loại không còn bắt gặp nữa. Ngồi trên thuyền câu nhìn ra xung quanh, không khó bắt gặp hình ảnh những chiếc thuyền “giương càng” hình chữ V với tấm lưới mà mắt lưới nhỏ như lưới chống muỗi ở nhà sục xuống đến tận đáy, quần thảo trong vịnh mà người ta hay gọi là giã cào, đi te, rồi là tình trạng đánh cá bằng thuốc nổ và cả xung điện, thi thoảng vẫn xảy ra. Đó còn là tình trạng ô nhiễm môi trường biển, minh chứng là người ta vứt xuống biển một cách vô tội vạ tất cả những gì đã sử dụng xong trên thuyền, từ lon bia, túi ni-lông, vỏ hộp sữa… nói chung là “thượng vàng hạ cám”, cứ thuận tay là ném xuống biển, không ai cảnh báo, nhắc nhở hay xử phạt gì.
Từ thực trạng trên thiết nghĩ, nếu không có một phương án, kế hoạch để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ít nhất cho vùng vịnh Đà Nẵng thì không lâu nữa, sẽ không có cá để mà ngắm, mà câu. Đã đến lúc cần phải có những biện pháp mạnh, bài bản, căn cơ để bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản cho vùng biển Đà Nẵng, nhất là xung quanh bán đảo Sơn Trà bằng các chủ trương như chấm dứt tình trạng khai thác kiểu tận diệt, tận thu; các cơ quan chức năng cần có trách nhiệm tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động khai thác; nên chăng cấm đánh bắt dưới bất cứ hình thức nào trong một thời gian nhất định trong năm; cấm xả thải các loại rác, nhất là rác nhựa, kim loại xuống biển, triệt để xử lý nghiêm những trường hợp vứt rác xuống biển; thường xuyên thả một số loài cá, tôm xuống biển sau khi nhân nuôi; nghiêm túc thực hiện có hiệu quả Quyết định số 42/2016/QĐ-UBND ngày 14-12-2016 của UBND thành phố Đà Nẵng về Ban hành Quy chế quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Về lâu dài, cần có chiến lược về bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản, các loài thủy sản có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ; gắn với quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản nhằm phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững, đồng thời giữ gìn tính đa dạng sinh học của tài nguyên sinh vật biển khu vực biển của thành phố Đà Nẵng. Có như vậy mới hy vọng biển Đà Nẵng được “giàu tôm lắm cá”, trong lành trở lại như xưa.
Dân Hùng