Ngăn chặn tai nạn giao thông học đường: Cần sự chung tay của phụ huynh
Không khó để bắt gặp tình trạng học sinh đi xe máy có dung tích trên 50cc đến trường, đặc biệt là các quận trung tâm của Đà Nẵng. Ngoài các yếu tố khách quan, một trong những nguyên nhân diễn ra tình trạng ý thức của phụ huynh học sinh khi sẵn sàng giao xe cho con em mình tự điều khiển.
Tại Ngũ Hành Sơn, ngay khi triển khai đợt cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT), trật tự đô thị (TTĐT) trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và các Lễ hội xuân 2023, Công an quận đã tiến hành kiểm tra, làm việc với tất các cơ sở giữ xe xung quanh các trường học, yêu cầu ký cam kết không giữ mô-tô trên 50cc đối với học sinh. Khi chủ cơ sở giữ xe chấp hành, không nhận giữ xe thì học sinh lại để trên vỉa hè. Lực lượng CSGT tiến hành ghi hình và mời phụ huynh các em học sinh có mô-tô vi phạm để làm việc. Tuy nhiên, phụ huynh cũng bao che, cho rằng xe đó là của bản thân dựng để đi uống cà-phê hoặc giải quyết công việc khác. Đến khi CSGT đưa clip, hình ảnh con em mình vi phạm thì phụ huynh mới nhận sai.
Tại hội nghị đánh giá tình hình TTATGT của Công an TP, Thượng tá Đặng Ngọc Việt- Phó trưởng CAQ Ngũ Hành Sơn cho biết, trong thời gian đầu ra quân, CAQ đã phát hiện và nhắc nhở hơn 100 trường hợp học sinh chưa đủ tuổi điều khiển mô-tô trên 50cc đến trường. Ngoài ra, CAQ xác minh, làm rõ cơ sở độ chế, thay đổi kết cấu xe để xử lý, cho ký cam kết. CAQ cũng làm việc với ban giám hiệu các trường và thông báo danh sách các học sinh vi phạm để phối hợp quản lý, giáo dục.
Tại huyện Hòa Vang, địa bàn rộng nhưng chỉ có 3 trường THPT là Phạm Phú Thứ, Ông Ích Khiêm và Phan Thành Tài và 8 trường THCS. Theo lãnh đạo Công an huyện, việc xử lý cũng gặp nhiều khó khăn giữa "cái lý", "cái tình". Lý do vì đa phần phụ huynh làm nông hoặc lao động tự do không có thời gian đưa đón con đi học nên giao xe cho con tự quản lý. Với những gia đình không có điều kiện mua xe máy điện, mô-tô dưới 50cc thì phụ huynh sẽ mua xe trên 50cc "second hand" với giá thành rẻ. Khi phát hiện trường hợp học sinh điều khiển mô-tô trên 50cc đến trường, lực lượng CSGT luôn cương quyết tìm, gặp chủ xe, phụ huynh để làm việc. Bên cạnh việc nhắc nhở là xử lý hành chính để răn đe theo Khoản 5 Điều 30 Mục 6 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP (phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ mô-tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô-tô khi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện).
Để ngăn chặn tình trạng học sinh đi xe máy có dung tích trên 50cc tới trường, bên cạnh việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thì công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cũng được lực lượng chức năng thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao nhận thức cho các em. Theo Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, hiện nay đang triển khai Kế hoạch chuyên đề về đảm bảo TTATGT đối với nhóm đối tượng học sinh, sinh viên các trường học, công nhân các khu công nghiệp và đã tham mưu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng văn bản huy động các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, công nhân. Riêng đối với nhóm học sinh, sinh viên trong năm 2022, lực lượng CSGT toàn TP đã tổ chức tuyên truyền cho 79 trường học, với hơn 40.602 học sinh, sinh viên tham dự. Cũng theo Phòng CSGT, thống kê số liệu xử lý học sinh vi phạm điều khiển xe máy trên 50cc của các đơn vị gửi về thì số liệu gần đây giảm hẳn.
Đã có những vụ tai nạn xảy ra do học sinh điều khiển xe máy phân khối lớn, chạy ẩu, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô-tô, chở quá số người quy định. Đáng chú ý, khi bị lực lượng chức năng phát hiện thì các học sinh này điều khiển xe tăng tốc "thông chốt". Để ngăn chặn tiến tới kéo giảm tình trạng này thì ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng và các nhà trường, các bậc phụ huynh cần cân nhắc khi giao xe cho con em mình khi các em chưa có giấy phép lái xe.
M.VINH