Ngân hàng cho vay kiểu “mẹ bồng con”

Thứ năm, 09/07/2020 09:08

Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp và người dân tại TP Đà Nẵng phản ánh không vừa ý khi vay vốn ngân hàng thì được “mời” mua thêm các sản phẩm, dịch vụ tài chính theo kiểu “bán bia kèm lạc”, “mẹ bồng con”, thậm chí có trường hợp bức xúc khi bị ngân hàng ép phải mua các sản phẩm, dịch vụ đó nếu không sẽ không được ngân hàng giải quyết cho vay vốn.

Khách hàng giao dịch tại điểm giao dịch của Ngân hàng TMCP Á Châu – ACB. Ảnh chỉ có tính chất minh họa.

Đầu tháng 7-2020, trong vai khách hàng, chúng tôi đến Ngân hàng X. để vay vốn mua bất động sản. Sau 3 ngày hoàn thành hồ sơ vay vốn và thẩm định từ phía ngân hàng, chúng tôi được nhân viên ngân hàng này mời đến ký hợp đồng vay vốn với số tiền 1,5 tỷ đồng, thời hạn vay 15 năm, lãi suất 1 năm đầu là 8%/năm, từ năm thứ 2 trở đi lãi suất khoảng 12%/năm và có điều chỉnh tùy tình hình thị trường. Tuy nhiên, trước khi ký hợp đồng vay vốn, nhân viên Ngân hàng X. “mời” chúng tôi mở 1 thẻ tín dụng và mua bảo hiểm món vay đó. Khi chúng tôi hỏi có quy định của Nhà nước phải bắt buộc mở thẻ tín dụng và mua bảo hiểm tiền vay khi vay vốn không thì nhân viên này cho biết là không có. Song, nhân viên đó cũng thông báo nếu không mở thẻ tín dụng và mua bảo hiểm tiền vay thì chúng tôi sẽ không được hưởng mức lãi suất ưu đãi đó, sẽ phải điều chỉnh tăng lãi suất thêm từ 2 – 3%. Lấy lý do để suy nghĩ, tính toán thêm, chúng tôi  đề nghị tạm hoãn, chưa ký kết hợp đồng vay vốn.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết thêm nhiều ngân hàng còn “mời” khách hàng mua các sản phẩm, dịch vụ không có liên quan gì đến khoản vay, như: bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm cháy nổ, v.v… Anh Trần Văn A., ở Q.Thanh Khê, kể: tháng trước, anh có đến một ngân hàng để vay 500 triệu đồng mua ô-tô. Sau khi thẩm định hồ sơ, ngân hàng này đồng ý cho anh A. vay nhưng kèm theo đề nghị anh phải mua 1 năm bảo hiểm vật chất chiếc xe đó với số tiền vài chục triệu đồng. Tương tự, như anh A., chị Nguyễn Thị Q., ở Q.Hải Châu, chia sẻ thêm: chị vay 600 triệu đồng để xây dựng nhà ở nhưng được ngân hàng “mời” mua gói bảo hiểm nhân thọ hết 50 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một ngân hàng trên địa bàn TP Đà Nẵng khẳng định không có quy định bắt buộc khách phải mua thêm các sản phẩm, dịch vụ tài chính như đã đơn cử ở trên thì mới được vay. Đây là vấn đề thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng. Các ngân hàng chỉ tư vấn và mang tính chất giới thiệu sản phẩm, khách hàng có quyền quyết định việc mua hay không mua các sản phẩm, dịch vụ này. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay, hầu hết các ngân hàng, nhất là các ngân hàng tư nhân đều dùng “chiêu thức” nói trên để bắt chẹt khách hàng, đặc biệt là hoạt động bancassurance, tức là hợp tác phân phối, đại lý bán bảo hiểm cho một công ty bảo hiểm. Đây là một lĩnh vực kinh doanh dịch vụ mới mang lại lợi nhuận rất lớn cho các ngân hàng. Vì chạy theo lợi nhuận nên trong quá trình giao dịch với khách hàng, đặc biệt là trong lĩnh vực cho vay vốn, nhiều ngân hàng tìm mọi cách để khách hàng mua các sản phẩm, dịch vụ đó, thậm chí có ngân hàng còn “ép” khách hàng phải mua, trường hợp nào chấp nhận mua thì được duyệt hồ sơ cho vay sớm, áp dụng lãi suất ưu đãi, còn nếu không thì không được vay tiền hoặc bị áp lãi suất cao hoặc bị trì hoãn duyệt hồ sơ và giải ngân…

Đem vấn đề này trao đổi với cơ quan quản lý Nhà nước về ngành Ngân hàng trên địa bàn TP, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng, cho biết: Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng cũng đã nhận được phản ánh của doanh nghiệp và người dân về tình trạng một số ngân hàng trên địa bàn TP “bán bia kèm lạc”, “mẹ bồng con”. Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Đà Nẵng sẽ có văn bản gửi các ngân hàng thương mại trên địa bàn chấn chỉnh tình trạng này, tuyệt đối không được ép buộc khách hàng phải mua thêm các sản phẩm, dịch vụ tài chính khác khi làm hồ sơ, thủ tục vay vốn. Nếu ngân hàng nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

PHÚ NAM