Ngành thủy sản Việt Nam có thể vượt mốc xuất khẩu trên 10 tỷ USD

Thứ hai, 05/09/2022 16:06
Sau khi tăng nóng tới trên 60% thì những tháng gần đây xuất khẩu thủy sản đã có dấu hiệu hạ nhiệt và tăng trưởng chậm lại. Ngành nông nghiệp đang kỳ vọng xuất khẩu thủy sản năm 2022 sẽ có sự bứt phá và lập kỷ lục mới với kim ngạch 10 tỷ USD, tăng khoảng 12-15% so với năm 2021. Theo các doanh nghiệp, để đến với mục tiêu trên ngành hàng này sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là những biến động từ thị trường.

Mặc dù xuất khẩu cá tra trong tháng 7 vẫn tăng 47% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đây lại là mức xuất khẩu thấp nhất trong 7 tháng qua. Xu hướng tăng trưởng chậm lại thể hiện ở cả 2 thị trường nhập khẩu cá tra lớn của Việt Nam là Trung Quốc và Mỹ.

Tháng 6 cũng là tháng đầu tiên trong năm nay, ngành hàng tôm ghi nhận tăng trưởng âm, sau khi liên tục tăng trưởng dương 2 con số trong 5 tháng trước đó. Tuy nhiên, lũy kế 7 tháng, xuất khẩu tôm đạt 2,7 tỷ USD, tăng trên 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những tháng đầu năm nay, ngành thủy sản Việt Nam đã ghi nhận sự bứt phá tăng kỷ lục lần đầu tiên trong 20 năm qua. Nhờ đó, qua 7 tháng, xuất khẩu thủy sản đã đạt 6,7 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó có những mặt hàng đặc biệt như cá tra - mặt hàng chủ lực của Việt Nam đang chi phối 95% nguồn cá thịt trắng toàn cầu, tăng 80% trong 7 tháng vừa qua. Con số này khích lệ rất nhiều đối với ngành hàng.

Năm nay, dự báo lần đầu tiên ngành thủy sản Việt Nam sẽ vượt mốc xuất khẩu trên 10 tỷ USD và sẽ tăng khoảng 12-15% so với năm 2021. Trong đó sản phẩm nuôi trồng thủy sản là cá tra và tôm sẽ chiếm khoảng 65%, các sản phẩm khai thác biển khoảng 35%.

Tuy nhiên, sự giảm tốc khá mạnh và nhanh trong ngành hàng tôm khiến ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FIMEX VN) nhận định, kim ngạch xuất khẩu tôm năm nay sẽ chỉ tăng nhẹ so với năm 2021. Xuất khẩu tôm giảm do tôm nguyên liệu không như kỳ vọng và sức tiêu thụ trên các thị trường nhập khẩu tôm lớn không mạnh do lạm phát thế giới. Dự báo tình hình này còn kéo dài nên xuất khẩu tôm sẽ khó có sự tăng trưởng tốt vào cuối năm như vừa qua. “Bức tranh xuất khẩu tôm ở 6 tháng cuối năm có vẻ không khởi sắc bằng đầu năm. Tuy nhiên, chúng ta có lòng tin vào sự linh hoạt của người nuôi tôm và chuỗi hợp tác nuôi tôm; sự nhạy bén của doanh nhân với sách lược thị trường uyển chuyển, phù hợp, ngành tôm sẽ vượt qua khó khăn và gặt hái thành công mới,” ông Hồ Quốc Lực cho hay.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, ngành thủy sản đang chịu tác động, hệ lụy của dịch COVID-19, các chuỗi cung ứng quốc tế đứt gãy đến nay chưa khôi phục hoàn toàn. Đặc biệt, lạm phát tăng cao làm giảm sức mua tại các thị trường đang tiêu dùng thủy sản. Bên cạnh đó là sự tăng giá hàng hóa đối với lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là tăng giá thức ăn chăn nuôi thủy sản sẽ khiến cho giá thành sản phẩm tăng và nguy cơ sẽ giảm khả năng cạnh tranh. Khó khăn của ngành này tăng lên khi chi phí vận tải biển và nhân công tăng trong 2 năm qua và hiện nay vẫn đang giữ ở mức cao.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết, thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam lớn như: Trung Quốc, Mỹ, CPTPP, EU... có giảm, nhưng nhìn chung các thị trường từ nay đến cuối năm vẫn tiếp tục đặt hàng. Dự báo, nguồn nguyên liệu cũng đảm bảo bởi sự liên kết trong sản xuất cá tra khá chủ động chiếm đến 80-90% tổng diện tích nuôi cá tra. Theo ông Dương Nghĩa Quốc, sản lượng xuất khẩu cá tra đã tăng 83% so với cùng kỳ. Hiện xuất khẩu có giảm, nhưng giá bắt đầu có sự tăng. Giá thu mua nguyên liệu cũng tăng. Nhu cầu thực phẩm sau COVID-19 nhiều, đặc biệt là sản phẩm cá thịt trắng nên cá tra Việt Nam có lợi thế. Các doanh nghiệp cũng dự báo được tình hình nên có sự chuẩn bị nguyên liệu tương đối tốt. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, từ nay đến cuối năm vẫn có những tín hiệu tốt cho xuất khẩu cá tra. Xuất khẩu cá tra dự kiến có khả năng đạt 2,5 tỷ USD, ông Dương Nghĩa Quốc cho hay.

T.T