Ngày họp thứ 7, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII: Lấy ý kiến toàn dân về sửa đổi Hiến pháp

Thứ ba, 30/10/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Sáng 29-10, QH làm việc tại Hội trường để nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra 5 dự án luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; Luật Hòa giải cơ sở; Luật Giáo dục quốc QP-AN; Luật Phòng, chống khủng bố; QH nghe Tờ trình về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Theo Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong mối quan hệ với hành pháp, dự thảo đã bổ sung thẩm quyền của Chủ tịch nước bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ trái với lệnh, quyết định của Chủ tịch nước để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thể hiện rõ hơn mối quan hệ của Chủ tịch nước với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong hoạt động lập pháp; đồng thời phát huy tốt hơn cơ chế kiểm tra, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về việc thực hiện vai trò thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, dự thảo đã bổ sung thẩm quyền quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp tướng, đô đốc, phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân trong các lực lượng vũ trang nhân dân, bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam cho Chủ tịch nước. Một điểm mới nữa là dự thảo đã bổ sung quy định Chủ tịch nước được quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề thuộc nhiệm vụ của Chủ tịch nước.

Việc bổ sung quy định này, theo Ủy ban, là nhằm thực hiện nguyên tắc “kiểm soát” quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đồng thời phù hợp với vị trí, vai trò và thẩm quyền của Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước; người đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng Chính phủ, và căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức phó thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác.

 ĐB Huỳnh Nghĩa phát biểu tại phiên họp tổ. Ảnh: Hữu Hoa

Ủy ban Pháp luật đề nghị QH ban hành Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đối tượng lấy ý kiến bao gồm tất cả các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức ở T.Ư và ở địa phương. Việc lấy ý kiến nhân dân được thực hiện thông qua các hình thức: Góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức phù hợp khác. Ủy ban Pháp luật đề nghị QH cho tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong thời gian 3 tháng, bắt đầu từ ngày 2-1-2013 và kết thúc vào ngày 31-3- 2013.

Chiều 29-10, QH thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Chủ trì thảo luận, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đề nghị các vị đại biểu QH các Đoàn Đà Nẵng, Gia Lai, Vĩnh Phúc và Hưng Yên tập trung cho ý kiến các nội dung cơ bản như thẩm quyền và phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm, căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm, thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, quy trình lấy phiếu tín nhiệm, quy trình bỏ phiếu tín nhiệm và vấn đề xử lý kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP  Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa nhận định, trong tình hình hiện nay việc ban hành nghị quyết này không chỉ là cần thiết mà còn mang tính cấp bách. Việc bỏ phiếu tín nhiệm đã được quy định trong Hiến pháp 1992 đến nay mới triển khai thực hiện là quá chậm. ĐB đề nghị nên quy định cụ thể hơn các tiêu chí để làm căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm. ĐB đề nghị bỏ khoản 2 Điều 5 quy định “Hội đồng dân tộc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các Phó Chủ tịch, các ủy viên của Hội đồng dân tộc. Các Ủy ban của QH thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các Phó Chủ nhiệm, các ủy viên của Ủy ban mình” và khoản 4 Điều 5 quy định “Các Ban của Hội đồng nhân dân thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với Phó Trưởng ban và các ủy viên của Ban mình”, vì những đối tượng này không cần thiết phải lấy phiếu tín nhiệm và việc thu hẹp này đảm bảo trong quá trình triển khai mang tính hiệu quả hơn, tránh hình thức.

Về xử lý kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng)  đề nghị nếu người được lấy phiếu tín nhiệm có trên 2/3 tổng số ĐB đánh giá tín nhiệm thấp thì không cần phải qua thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm nữa, mà ngay trong kỳ họp, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn miễn nhiệm đối với người đó.

ĐB Huỳnh Nghĩa, Thân Đức Nam và một số ĐB khác đề nghị chỉ  quy định hai mức độ “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” và công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại phiên họp toàn thể của QH và HĐND. ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) đề nghị nên lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ trong cơ quan Nhà nước, không giới hạn các chức vụ QH, HĐND.

BT-Hữu Hoa