Ngày làm việc thứ 5, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII: Có nên thành lập Quỹ nhà ở xã hội?

Thứ bảy, 25/10/2014 08:53

(Cadn.com.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 24-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Còn nhiều tranh luận về Quỹ nhà ở xã hội

Thảo luận về Quỹ phát triển nhà ở xã hội - Điều 74, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) - có hai quan điểm chính: Không tán thành việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội và tán thành với quy định về việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội được thành lập ở trung ương do Bộ Xây dựng quản lý để hỗ trợ cho các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách nhà ở xã hội vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội vay để xây dựng nhà ở xã hội.

Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) tán thành với phương án 1 không thành lập Quỹ phát triển nhà xã hội. Theo đại biểu, nên giao cho Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện công việc này. Đại biểu phân tích, phương án này nếu thực hiện sẽ có những thuận lợi cơ bản.

Một số ý kiến cho rằng nếu theo phương án 2 là thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội, Quỹ này sẽ thực hiện 2 việc chính là huy động các nguồn vốn, trong đó có cả vốn trong dân cư là những người được hưởng chính sách nhà ở xã hội, huy động vốn của tổ chức qua trái phiếu, công trái, tín dụng cho vay đối với các tổ chức, cá nhân.

Các hoạt động huy động vốn và cho vay diễn ra thường xuyên và tiềm ẩn những rủi ro về thanh khoản như đối với tổ chức tín dụng. Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội sẽ gặp phải khó khăn, tốn kém rất lớn từ Trung ương tới cơ sở trong việc đầu tư hạ tầng cơ sở, trang thiết bị, cơ chế vận hành...

Không lựa chọn phương án 1 hay phương án 2, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) có quan điểm cần có chế định Quỹ phát triển nhà ở xã hội nhưng cơ bản theo nguyên tắc khuyến khích các địa phương có điều kiện, Trung ương có nhiệm vụ hỗ trợ để địa phương lập quỹ lo nhà ở cho nhân dân.

Theo đại biểu, trong tương lai khi có Luật chính quyền địa phương thì công cuộc lo nhà ở cho dân chủ yếu là chính quyền địa phương thực hiện; chính quyền Trung ương chỉ hỗ trợ chứ không thể làm thay cho địa phương.

Từ quan điểm này, đại biểu đề nghị thiết kế lại đưa định chế Quỹ nhà ở xã hội trên 3 nguồn: thứ nhất ngân sách hoặc nguồn cấp ngân sách (ví dụ như xổ số kiến thiết); thứ hai là đóng góp của các doanh nghiệp và có chính sách đóng góp trước thuế; thứ ba người mua nhà góp tiền để nhận nhà trong tương lai.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung: quản lý sử dụng nhà chung cư (Chương VII); nhà ở xã hội (Chương IV); phát triển nhà ở...

Kinh doanh bất động sản phải có 20 tỷ đồng?

Chiều 24-10, các đại biểu làm việc tại Hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Về điều kiện của tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bất động sản, các đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng), Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi)... đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc quy định “Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và có vốn pháp định do Chính phủ quy định nhưng không được thấp hơn 20 tỷ đồng”.

Đại biểu Hoàng Thanh Tùng phân tích: Theo Luật Kinh doanh bất động sản và Nghị định số 153/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản quy định: hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập doanh nghiệp có vốn pháp định là 6 tỷ đồng. Đến thời điểm ngày 1-7-2015, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực, việc bổ sung vốn pháp định lên tới 20 tỷ đồng chỉ trong vòng 15 năm nữa sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp nhất là trong điều kiện thị trường bất động sản đang găp nhiều khó khăn hiện nay.

Tán thành với việc dự án luật quy định mức tối thiểu vốn pháp định đối với kinh doanh bất động sản nhằm bảo đảm năng lực tài chính của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, tuy nhiên, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) nêu ý kiến: các dự án bất động sản khác nhau về quy mô, tính chất công năng, mục đích cũng như tổng mức đầu tư.

Vì vậy không thể quy định chung cho các doanh nghiệp, trong khi bản thân các doanh nghiệp mới biết nhu cầu vốn của mình. Đại biểu đề xuất dự án luật nên quy định “tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và có vốn pháp định do Chính phủ quy định, căn cứ vào quy mô, tính chất, số lượng dự án doanh nghiệp thực hiện nhưng không được thấp hơn 20 tỷ đồng”...

Thu Thủy – TTXVN