Nghệ An: Chưa ghi nhận ca nhiễm bệnh bạch hầu mới
Ngày 9-7, thông tin từ Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An cho biết, sau khi xác định 119 người có tiếp xúc gần với nữ sinh tử vong vì bệnh bạch hầu, cơ quan chức năng đã tiến hành cách ly y tế tại nhà và theo dõi sức khỏe hàng ngày để khống chế dịch. Cơ quan chức năng địa phương đang tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Hiện tại tình hình dịch tại Nghệ An đang ổn định, không ghi nhận ca nhiễm mới.
Chưa ghi nhận ca nhiễm mới
Thông tin cho thấy, sau khi xác định có 119 người từng có tiếp xúc gần với nữ sinh mắc bệnh bạch hầu, cơ quan chức năng đã tiến hành cách ly y tế để theo dõi sức khỏe và có hướng xử lý dịch bệnh. Hiện 119 người này đang được cách ly y tế tại nhà trong vòng 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối cùng với ca bệnh. Những người thuộc diện cách ly sẽ được theo dõi và báo cáo sức khỏe hàng ngày.
Ngoài cách ly 119 người tiếp xúc gần với ca bệnh bạch hầu tử vong, cơ quan chức năng địa phương đã tiến hành phun khử khuẩn đồng loạt tại nhà nạn nhân, tại các hộ gia đình tiếp xúc gần với bệnh nhân và bản Phà Khảo (xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn) nơi nạn nhân sinh sống. Tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kỳ Sơn, ký túc xá trung tâm cũng được cơ quan chức năng phun khử khuẩn phòng chống dịch. Tính đến ngày 9-7, tình hình dịch bạch hầu tại huyện Kỳ Sơn đang ổn định, không ghi nhận ca nhiễm mới.
Ông Sầm Văn Hải -Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn cho biết, đơn vị chức năng đang tiến hành rà soát để tiến hành tiêm bù vắc xin cho trẻ em trên địa bàn trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã phát thuốc kháng sinh (Azythromycin 500mg; Azythromycin 250mg) cho những người tiếp xúc gần với ca bệnh để uống và điều trị dự phòng bệnh.
Không nên quá lo lắng
Các chuyên gia y tế cho biết, bệnh Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn Bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên, cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi; đặc biệt, trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Sau thời gian ủ bệnh 2-5 ngày, khởi đầu bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu sẽ xuất hiện các triệu chứng giống như viêm họng như đau họng, ho; một số bệnh nhân nuốt khó, nuốt đau, sốt. Đa số bệnh nhân sau đó dần hồi phục. Một số bệnh nhân có tiến triển bệnh bạch hầu nặng và ác tính. Vì vậy, khi xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu tốt nhất người dân nên đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Biến chứng nghiêm trọng của bệnh bạch hầu đó là giả mạc phát triển nhanh, lan tỏa xuống đường hô hấp gây ra tình trạng bít tắc đường hô hấp. Hoặc những mảnh giả mạc của bạch hầu có thể rụng, khiến người bệnh hít phải gây sặc, tắc đường thở. Nguy cơ biến chứng nguy hiểm hơn đó là viêm cơ tim, bởi độc tố bạch hầu gây tác dụng mạnh đối với cơ tim. Những bệnh nhân bệnh bạch hầu thể ác tính có thể dẫn đến viêm cơ tim, suy tim cấp... Nặng hơn nữa có thể dẫn đến sốc, suy đa tạng, tử vong.
Đây được xem là một bệnh nguy hiểm, đặc biệt với nhóm chưa tiêm chủng đầy đủ hoặc hiệu lực bảo vệ vaccine đã hết, nguy cơ tử vong trong trường hợp này là 10-20%. Tỷ lệ tử vong bệnh bạch hầu cao hơn nhiều so với COVID-19, nhưng nguy cơ lây nhiễm thấp hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng vì bệnh bạch hầu đã có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. "Những trường hợp đã tiếp xúc với ca bệnh vừa qua, chúng ta cũng không nên quá lo lắng. Những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh sẽ được uống thuốc kháng sinh dự phòng để diệt ngay vi khuẩn bạch hầu, vừa không phát bệnh nếu không may nhiễm vi khuẩn và không trở thành nguồn lây bệnh cho người khác"- PGS.TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh.
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, những năm gần đây, số ca mắc bệnh bạch hầu ở nước ta giảm nhiều lần so với trước khi bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng, từ gần 3.500 trường hợp mắc năm 1983 xuống còn khoảng từ 10 đến 50 trường hợp mắc/năm (trong vòng 15 năm trong giai đoạn từ 2004-2019). Bệnh bạch hầu đã được khống chế, chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vaccine phòng bệnh và thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, không tiêm đủ mũi hoặc không được tiêm nhắc lại…
Dương Hóa - B.T