Nghệ An: Đề thi môn Văn hay nhưng khó đạt điểm cao
Trước kỳ thi năm nay, Nghệ An có một số điều chỉnh tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, trong đó cho phép thí sinh được đổi nguyện vọng (NV) sau khi làm bài thi và trước khi biết điểm thi.
Thầy Đặng Văn Kỳ - Hiệu trưởng, Chủ tịch HĐT Trường THPT Nghi Lộc 5, H. Nghi Lộc cho biết, năm nay trường có gần 400 thí sinh đăng ký dự thi tại 17 phòng thi, trong khi đó chỉ tiêu là 387 học sinh. Về khách quan, tỷ lệ trúng tuyển năm nay rất cao, trên 90%. Tuy nhiên, vì năm nay, Sở GD-ĐT chủ trương cho thí sinh thay đổi NV sau khi thi xong nên rất khó dự đoán chính xác. Có thể, sau khi hoàn thành bài thi vào lớp 10, sẽ có thêm nhiều thí sinh ở các hội đồng thi khác chuyển NV về trường và như vậy, tỷ lệ trúng tuyển sẽ có sự thay đổi.
Đánh giá về đề thi môn Văn năm nay, em Nguyễn Kiến Bảo – lớp 9 Trường THCS Trung Đô, đăng ký dự thi vào lớp 10 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho biết, đề thi có cấu trúc quen thuộc và kiến thức không nằm ngoài phạm vi ôn tập. Tuy nhiên, ở phần nghị luận xã hội dù câu hỏi nói về việc “phát huy giá trị bản thân” rất hay nhưng với em là khá mới, khó đạt điểm cao. Theo Bảo, đây là câu hỏi mở, thực tế, học sinh có thể liên hệ bản thân để làm bài. “Giá trị của bản thân được đánh giá ở nhiều yếu tố, quan trọng là mình phải hiểu được chính con người của mình trước, sau đó sẽ suy xét thêm các giá trị cộng đồng. Từ đó lựa chọn giá trị thích hợp, điều chỉnh bản thân để có thể đóng góp được cho cộng đồng. Em thấy câu hỏi nghị luận hay, thú vị nên viết khá “phiêu” và chỉ còn khoảng 50 phút để làm câu làm văn"- Kiến Bảo chia sẻ thêm.
Còn em Lê Thảo Nhi – lớp 9 Trường THCS Đặng Thai Mai, cũng đăng ký dự thi vào lớp 10 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng thì cho rằng, đề Văn khá dài, nhưng nếu biết cân đối thời gian thì vẫn có thể hoàn thành bài thi. Với đề thi này, em dành hơn 60 phút cho bài nghị luận văn học. Còn lại, em dành thời gian cho câu 1, 2 và đây không phải là câu hỏi khó với em vì em đã được học và đọc. Riêng câu nghị luận xã hội về phát huy giá trị bản thân, em cho rằng để phát triển bản thân thì trước tiên phải hiểu được giá trị của mình, biết được điểm mạnh, điểm yếu để hoàn thiện bản thân. Điều đó giúp mình tự tin vào bản thân để thành công, không so sánh mình với người khác.
Trong ngày thi đầu tiên, tại Trường THPT Đặng Thúc Hứa (H.Thanh Chương) có một thí sinh đặc biệt. Đó là em Nguyễn Thị Hiền – lớp 9 Trường THCS Võ Liệt, bị căn bệnh xương thủy tinh từ khi lọt lòng. Căn bệnh này khiến 2 chân của em không thể đi được. Tuy nhiên, với nỗ lực trong học tập, em luôn là học sinh giỏi, học sinh gương mẫu của trường.Sau khi rà soát các thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt, tàn tật để lên phương án hỗ trợ, anh Nguyễn Văn Hoàng - Bí thư Đoàn xã Võ Liệt đã nắm được trường hợp của em Nguyễn Thị Hiền và trực tiếp hỗ trợ, cõng em đến điểm thi.
Dương Hóa