Nghề dệt tơ lụa Mã Châu “thoát hiểm”

Thứ tư, 02/05/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Tưởng chừng không thể cứu vãn trước cảnh lụi tàn, bằng hướng đi mới táo bạo, Hợp tác xã (HTX) tơ lụa Mã Châu đã cứu được nghề truyền thống hơn 500 năm tuổi.

Vượt qua “cửa tư ã”

Làng nghề dệt lụa Mã Châu (TT Nam Phước, H. Duy Xuyên, Quảng Nam) có lịch sử hơn 500 năm. Thời cực thịnh của làng nghề, có đến hơn 2.000 ha dâu tằm được trồng để cung cấp kén tơ tằm cho cả huyện sản xuất lụa. Hàng sản xuất ra được sử dụng trong cung đình, dành cho vua chúa và quan lại, hoặc xuất khẩu đi nước ngoài. Tuy nhiên, đó là hào quang quá khứ. Những năm 2006 – 2009 là giai đoạn khó khăn nhất đối với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa của làng nghề Mã Châu. Lúc này, cả H. Duy Xuyên có chưa đến trăm hộ bám trụ với nghề, diện tích trồng dâu chưa đến chục héc-ta, đời sống của người dân theo nghề bấp bênh, nhiều hộ dân chuyển đổi nghề sang dệt vải sợi tổng hợp để kiếm sống, số khác chuyển sang trồng màu khiến diện tích dâu tằm ngày càng thu hẹp, có lúc tưởng chừng như nghề tơ lụa Mã Châu đi vào ngõ cụt.

Trước tình cảnh mai một của làng nghề, HTX tơ lụa Mã Châu tiến hành cải tổ với hy vọng cứu vãn nghề tơ lụa nức tiếng một thời. “Lúc này, mọi sự rất khó khăn, khó nhất là nguồn vốn. Các xã viên phải nộp tiền để HTX trả nợ. Thậm chí, HTX còn phải bán máy móc để trả nợ”, anh Trần Hữu Nghĩa, Trưởng Ban quản trị HTX tơ lụa Mã Châu cho biết. Đến cuối năm 2010, HTX cải tổ theo hướng đi mới với 16 xã viên. Lúc này, HTX thiếu vốn hoạt động, xã viên phải cầm cố sổ đỏ cá nhân để góp vốn sản xuất. Với việc phát triển mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm và đảm bảo tơ lụa 100%, nghề tơ lụa Mã Châu đã dần lấy lại chỗ đứng trên thị trường. Đến nay, HTX có hơn  400 mẫu hàng mới như lụa hoa văn, satin, tuyxoa, đũi, the, voan, habutai... Không chỉ thế, giá cả lụa cũng hợp lý, với nhiều phân đoạn thị trường như hàng thông thường, hàng thời trang, hàng cao cấp.

Trong năm 2011, HTX sản xuất được 40.000m lụa, doanh thu lên đến 4,2 tỷ đồng. HTX tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động với mức thu nhập trung bình từ 3 – 5 triệu đồng/tháng. “Chúng tôi chỉ đáp ứng được tầm 5 – 10% nhu cầu của thị trường. Có nhiều đơn đặt hàng rất lớn nhưng do năng lực chưa đáp ứng được nên HTX đành phải từ chối”, anh Nghĩa cho biết. Đơn cử, doanh nghiệp ở Ấn Độ đặt hàng 50.000m lụa/tháng, hay một công ty ở Lào đặt hàng 20.000m lụa/tháng... nhưng HTX Mã Châu phải tiếc nuối từ chối.

 Một góc xưởng sản xuất tơ lụa ở HTX tơ lụa Mã Châu.

Kết hợp nghề truyền thống với du lịch

Đến nay, HTX tơ lụa Mã Châu đã đi vào hoạt động ổn định với mẫu mã sản phẩm đa dạng, đầu ra ổn định và dần khôi phục được nghề. HTX đã trồng được 10 ha dâu tằm, và dự kiến tháng 5-2012 sẽ nuôi tằm ươm tơ để tự chủ động được một phần nguyên liệu đầu vào. Với sự kiện này, HTX tơ lụa Mã Châu trở thành nơi duy nhất trong nước sản xuất tơ lụa với quy trình khép kín, từ trồng dâu nuôi tằm ươm tơ cho đến dệt lụa và phân phối đến tay người tiêu dùng.

Anh Trần Hữu Nghĩa cho biết, năm 2012, HTX phát triển hướng đi mới, kết hợp làng nghề với du lịch để đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Dự kiến, tháng 5 và 6-2012, HTX sẽ mở 4 khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm, gồm: Khu gian hàng tại làng nghề ở Duy Xuyên, khu văn hóa lụa Mã Châu ở Hội An, 2 khu trưng bày và kinh doanh sản phẩm ở Mỹ Sơn và Tam Kỳ. Thời gian dài hơi, HTX hình thành tour du lịch, trong đó du khách được tham quan tất cả các khâu của quy trình sản xuất tơ lụa, từ trồng dâu ươm tằm cho đến xe sợi, dệt lụa. Khách du lịch cũng có thể trực tiếp tham gia tất cả các khâu trên để hiểu thêm về văn hóa dệt lụa. Dự kiến, năm 2013, mô hình này sẽ bắt đầu triển khai hoạt động.

Anh Trần Hữu Nghĩa nói: “Mong ước của chúng tôi là khôi phục làng nghề, với sự tham gia của mọi người trong huyện. Ước tính, để cung cấp đủ số lượng tơ nguyên liệu cho HTX sản xuất phải cần một diện tích trồng dâu tằm lên đến 300 ha. Do đó, HTX tạo điều kiện hết sức để người dân quay trở lại nghề tơ tằm với việc cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá trần cố định, đồng thời hỗ trợ người dân diện tích đất để trồng dâu tằm”. Tuy vậy, theo anh Nghĩa, muốn khôi phục làng nghề thì cần có sự vào cuộc của Nhà nước, bằng các chính sách ưu đãi vừa để khuyến khích người dân, vừa phải tạo được lòng tin cho người dân về tương lai của nghề, bên cạnh đó phải có quy hoạch phát triển nghề tơ lụa lâu dài.

Hoàng Táo