Nghề giậm... hết thâm

Thứ hai, 13/10/2014 08:21

(Cadn.com.vn) - Cái nghề bắt tôm tép ngâm nửa người dưới nước thì hết “thâm” răng được?

- Ý Bề Tui nói “thâm như... thằng đánh giậm”? Chuyện đó “xưa rồi Diễm”!

- Bộ bây chừ nghề đánh giậm không còn ngâm mình giậm oàm oạp dưới nước nữa hả?

- He he, thì cũng “cải cách” phương thức sản xuất đi chớ. Không lẽ bắt mấy anh đánh giậm phải “thâm...” miết răng được.

- Thế cánh “đánh giậm”dạo ni mần ăn kiểu răng?

- Nhanh, gọn, lẹ... dùng thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu) đổ xuống hồ để bắt tôm, tép.

- Làm rứa khác nào đầu độc môi trường sinh thái, tận diệt nguồn lợi thủy sản, nghiêm trọng hơn gây hại  đến sức khỏe người tiêu dùng.

- Họ đâu có màng tới an nguy của người khác, miễn sao vét đầy túi mình thôi. Theo phản ánh của người dân gần khu vực hồ Hạ (TT Ea Súp, H. Ea Súp, Đắc Lắc) cứ tầm 19-20 giờ hàng ngày, nhiều người hành nghề “đánh giậm” thả các loại thuốc trừ sâu với nồng độ cao xuống mặt nước. Tôm, tép bị say trôi theo dòng nước vào các dụng cụ đặt sẵn dưới lòng hồ. Với cách đánh bắt hủy diệt này, mỗi đêm, mỗi đối tượng cũng thu được từ 5-10kg tôm, tép.

- Nói vậy, với cách “đánh giậm” đầu độc này thì mỗi đêm họ thu về khoảng 400-800 ngàn đồng.

- Thì đó, người tiêu dùng biết đó là tôm, tép tự nhiên nên sẵn sàng bỏ ra từ 60-80 ngàn đồng mua 1kg, nhưng có ngờ đâu mua phải loại thủy sản bị đầu độc.

- Theo Bề Tui được biết, ngoài việc điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, hồ Hạ còn là nơi phục vụ nguồn nước sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc ở TT Ea Súp và các xã lân cận. Do vậy, việc đổ thuốc bảo vệ thực vật xuống hồ để đánh bắt thủy sản còn gây ra những hệ lụy khôn lường đến sức khỏe người sử dụng nguồn nước. Vì vậy, các ngành chức năng H. Ea Súp cần sớm có biện pháp ngăn chặn, xử lý thích đáng, kịp thời các đối tượng trên nhằm bảo vệ môi trường nước, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ sức khỏe của người dân.

Những người đánh giậm theo phương thức truyền thống.

Bề Tui