Nghe giọt mưa đêm nhớ mẹ hiền

Thứ tư, 19/10/2022 19:50
Tháng mười, nằm đếm tiếng mưa gõ nhịp trên mái tôn, tôi bồi hồi nhớ đến một bài thơ mình đọc được cách đây mấy năm của Nguyễn Quang Thiều. Thi phẩm có tên thật giản dị là “Mưa thu”. Tháng mười, thời điểm đáng nhớ của mọi người con khi nghĩ về mẹ của mình và đây cũng là những tháng ngày cuối cùng của mẹ tôi trước khi người từ giã cõi đời. Đọc bài thơ của thi sĩ Nguyễn Quang Thiều, tôi thấy tâm trạng mình ở đó.
Bóng mẹ trong mưa.
Bóng mẹ trong mưa.

“Khẽ khàng tỉnh giấc trong đêm/Mưa thu trải lạnh trên thềm/ Hoa ngâu/Âm thầm nở cuối đêm sâu/Mùi hương thanh tiết về đâu hỡi người/Tôi đi qua khóc, qua cười/Mang theo cả một tháng Mười mẹ tôi”... Một nét thu, dáng thu rất nông thôn Bắc Bộ, hiện lên thật đủ đầy chỉ qua vài câu thơ đầu: mưa rơi, không khí se lạnh, hoa ngâu nở hương âm thầm trong đêm sâu. Nhà thơ cảm nhận được bước chân của thời gian đang trôi thật khẽ, thật chậm vì sợ làm tan vỡ không gian se sắt tràn ngập mùi hương thanh khiết của chùm ngâu đang nở bên thềm nhà. Câu thơ ngắt ngang bằng dấu chấm báo hiệu một phát hiện mới của một người đang thức giữa đêm sâu, lắng nghe hơi thở của vạn vật bằng tất cả những giác quan. Giữa màn đêm thu tĩnh vắng, có những giọt mưa rơi thật khẽ cùng hương mùi thoang thoảng của đám hoa ngâu vừa nở. Biết bao loài hoa rực rỡ khoe hương sắc dâng đời giữa mùa xuân náo nức, riêng hoa ngâu khiêm tốn nở lặng thầm trong đêm thu và chỉ người có cảm quan tinh nhạy mới thưởng thức được mùi hương đậm sâu ấy. Từ hương ngâu trong cảm nhận thực tại, thi sĩ nghĩ về một mùi hương tâm tưởng - hương từ sự lặng thầm hy sinh của đời mẹ.

Người con trong đêm mưa thao thức không chỉ bởi tiếng mưa hay hương thơm của bụi ngâu bên thềm mà đang thao thức vì nhớ mẹ. Cũng tháng mười cách đây 5 năm, mẹ đã xa anh mãi mãi. Người con đã đi qua bao hạnh phúc rồi khổ đau, chặng đường anh qua luôn có hình bóng mẹ trong tâm tưởng. Cặp từ trái nghĩa: “khóc - cười” đã hiển hiện tất cả những buồn - vui - đau khổ-sung sướng mà đời người ai cũng từng nếm trải và trong tim mỗi người con, mẹ mình vẫn còn đó, vẫn dõi theo mỗi bước con đi. Chế Lan Viên đã từng viết: “Con dẫu lớn vẫn là con của mẹ/ đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con” là vậy!

“Mẹ tôi giờ đã chân trời/Gửi vầng mây tía về trôi qua làng/Mùa thu gieo những hạt vàng/Trong tôi nở một mùa màng nhớ thương/Năm năm là mấy đêm trường/Đứa con mất mẹ lạc đường gió mây?... Trong trái tim người con, mẹ bây giờ đang phiêu diêu miền mây trắng; để lại trong anh niềm nhớ thương nỗi ngậm ngùi: “Mẹ tôi giờ đã chân trời/Gửi vầng mây tía về trôi qua làng”. Mẹ đã đi thật xa, thật lâu đã hóa thành chân trời thăm thẳm mà đôi chân con nhỏ bé quá không đi cùng tận. Cách nói: “Mẹ tôi giờ đã chân trời” chân thật, gần gụi mà diễn tả được khoảng cách âm-dương xa vời vợi của mẹ và con. Và trong con, mẹ đã hóa thành “vầng mây tía về trôi qua làng”; mẹ mãi là ánh hào quang lộng lẫy của đời con. Dẫu mẹ-con cách biệt nhưng mẹ là kết tinh của những gì đẹp nhất, lung linh nhất trong con. Dù thương nhớ mẹ vô vàn nhưng người con vẫn cầu mong mẹ mình nơi xa ấy được an nhiên bởi mẹ đã sống cả một quãng đời cơ cực, nhọc nhằn vì con cháu; bây giờ là thời điểm người được thanh thản, an yên nơi tiên giới. Chỉ riêng người con đang đối diện với mình để gặt cả “một mùa màng nhớ thương”; một cách diễn đạt lạ để lại trong tôi bao ám ảnh. “Mùa thu gieo những hạt vàng/ trong tôi nở một mùa màng nhớ thương”; thu của đất trời đem bao cảm hứng cho thơ ca nghệ thuật, còn với người con mùa thu gợi nhớ gợi thương bởi đây là khoảng thời gian anh xa mẹ mãi mãi. Mẹ luôn là ngôi sao Hôm dẫn đường soi lối, mẹ mất đi người con mất đi vầng sáng của đời mình. 5 năm mẹ đi xa, có biết bao đêm trường người con không ngủ, và có thức đêm mới biết đêm dài, mới hiểu được nỗi cơ cực của đời mẹ: “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ/ Năm canh chày thức đủ vừa năm” (Hát ru). Một người con đầy trách nhiệm, biết yêu thương và thấu hiểu mẹ sẽ không bao giờ “lạc đường gió mây”, xin hãy yên tâm, mẹ nhé!

Bài thơ khép lại bằng bước chân thời gian trôi đi vội vã như cơn mưa đổ ào ở mùa thu xứ Bắc: “Vườn xưa hoa cũ còn đây/Người xưa bóng vẫn héo gầy cuối thu/Một ngày mắt đổ sương mù/Và tôi thành một tử tù trong mưa”.

Hoa tàn rồi hoa nở chỉ có người đã mất không bao giờ trở lại, đó là quy luật của muôn đời. Ý niệm về thời gian được tác giả khắc họa qua hàng loạt thi ảnh: hoa cũ, người xưa, cuối thu, mắt đổ sương mù... cho thấy bụi thời gian có thể xóa nhòa đi tất cả nhưng sẽ chẳng bao giờ khỏa lấp được hình ảnh mẹ hiền trong kí ức của con. Con càng già đi, tóc càng bạc, “mắt đổ sương mù” thì mẹ càng gần hơn và thường trực hơn trong nỗi nhớ của con. Thời gian đời con đang lần về ga cuối thì tiếng lòng con trong đêm dài càng quặn thắt hơn: “Và tôi thành một tử tù trong mưa”.

Chỉ với 16 câu lục bát, gieo vần mềm mại, cách gợi hứng từ những giọt mưa cuối thu, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều gửi gắm niềm thương nhớ về hình bóng của người mẹ đã vắng xa biền biệt, từ đó suy ngẫm về quy luật của thời gian, cuộc đời. Đời người như những cơn mưa vội vã, tất cả rồi sẽ tan nhanh như khói sương... Vì vậy, hãy trân quý những điều giản dị, hãy sống như loài hoa ngâu nở âm thầm dâng hương thơm cho đời; và hãy sống “Như người mẹ suốt đời gánh nặng/ Nhẫn nại nuôi con suốt đời im lặng/ Biết hy sinh nhưng chẳng nhiều lời” (Tố Hữu).“Mưa thu” là bài thơ gần gũi nhưng sâu lắng; thi sĩ không hề có ý thức cách tân nhưng những câu lục bát giàu nhịp điệu cứ ngân rung như tiếng lòng của người con dành cho mẹ kính yêu. Thi phẩm làm xao động trái tim của bao độc giả từ những điều chân chất, mộc mạc ấy!

Nguyễn Thị Thu Thủy

(Nhân đọc bài thơ “Mưa thu” của Nguyễn Quang Thiều)