Nghệ nhân Nguyễn Việt Minh: Người mở lối cho nghề đá Non Nước

Thứ bảy, 18/07/2015 09:00

(Cadn.com.vn) - Hơn một lần tôi mê mẩn ngắm quần thể tượng sống động, phi phàm ở chùa Linh Ứng trên núi Sơn Trà. Vẫn thầm hỏi, ai làm nên tuyệt tác ấy? Rồi một cơ duyên chợt đến, tôi gặp được tác giả những pho tượng: Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Việt Minh ở làng đá Non Nước (P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng).

"Các cụ tổ nhà tôi chủ yếu làm nông. Thời trước, chế tác đá là công việc lúc nông nhàn. Cụ tổ làng đá đến nay thực vẫn chưa rõ là ai, chỉ biết được truyền từ Thanh Hóa vào trong dòng người di cư thời các chúa nhà Nguyễn. Có người bảo rằng, khi người Pháp đến Đà Nẵng vào thế kỷ XIX họ đã thấy những người đàn ông An Nam lom khom ở Ngũ Hành Sơn đục đẽo đá rồi. Riêng nhà tôi đã được 5 đời. Tôi vào nghề từ nhỏ, ban đầu phụ giúp cha, sau học hỏi tự làm" - nghệ nhân Nguyễn Việt Minh kể.

Nghệ nhân Nguyễn Việt Minh (trái) và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ở giữa là bức tượng Thủ tướng do nghệ nhân tạc. Ảnh: Pham An Duong

Pho tượng Bác Hồ

Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, vùng Hòa Hải - Ngũ Hành Sơn là căn cứ cách mạng. Chiến tranh loạn lạc, nghề đá hàng trăm năm truyền lại đã mai một đi nhiều. Trai tráng trong vùng phần nhiều đều tham gia kháng chiến. Nghệ nhân Nguyễn Việt Minh cũng nằm trong số đó. Ông là người tham gia cánh quân từ bến Đò Xu đánh vào cơ quan đầu não địch ở Đà Nẵng trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Chẳng may, bị địch bắt, ông bị kết án rồi đày ra nhà lao Phú Quốc, mãi đến khi gần giải phóng mới được trả về.

Nghệ nhân Nguyễn Việt Minh kể: "Hồi ra tù, tôi chỉ còn hai mấy ký. Mắt mờ, chân xiêu, điều trị, nghỉ dưỡng hai năm sau mới lại sức. Vừa lúc giải phóng, tôi ra tham gia chính quyền. Nghề đá lúc bấy giờ gần như tàn lụi. May sao, trong lúc suy vi ấy, quãng năm 1976, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ghé thăm làng đá. Thủ tướng hỏi tôi: "Nghề này giờ ra sao?". "Dạ, bỏ rồi bác ơi!". Nghe vậy, Thủ tướng không hài lòng, dặn ngay: Giải phóng rồi ta xây dựng đất nước. Dân ta sẽ giàu lên, cần trang trí nhiều hơn, đẹp hơn. Do đó, phải duy trì nghề chế tác đá...". Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm nghệ nhân Nguyễn Sang, bấy giờ đang tạc tượng Bác Hồ, nhưng không giống, vì chỉ nhìn ảnh để tạc chứ không có mẫu. Thời gian sau, Thủ tướng gửi vào tặng làng đá một bức tượng Bác Hồ để các nghệ nhân tham khảo. Từ đây, làng đá tạc tượng Bác Hồ bằng đá. Tượng Bác Hồ được tạc bởi những đôi tay tài hoa của làng đá Non Nước trở thành món quà lưu niệm quý giá để lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Quân khu 5 tặng địa phương, đơn vị tỉnh bạn. Năm 1977, HTX điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước ra đời, với khoảng 100 xã viên, trong đó có 30 thợ điêu khắc, do ông Nguyễn Việt Minh làm chủ nhiệm. Nghề đá Non Nước hồi sinh!

Nghệ nhân Nguyễn Việt Minh

Mở đường cho đá

Những tháng ngày sôi động của làng đá Non Nước sau chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không kéo dài. Cái đói, cái thiếu của thời bao cấp chẳng mấy chốc bao trùm lên cả làng nghề. Thêm vào đó, đá Ngũ Hành Sơn cũng dần cạn kiệt, tỉnh ra lệnh cấm khai thác. Làng nghề một lần nữa lao đao. Những người thợ đá chuyển sang nghề nấu vôi. Năm 1985, HTX đá mỹ nghệ Non Nước giải thể. Chính vào lúc này, nghệ nhân Nguyễn Việt Minh, một lần nữa mở đường cho đá.

Năm 1986, nghệ nhân Nguyễn Việt Minh mở lớp dạy nghề. Đây là điều chưa có tiền lệ. Bởi, truyền thống của làng chỉ có cha truyền con nối, tuyệt đối không truyền cho người ngoài. Nghệ nhân Nguyễn Việt Minh kể: "Khi tôi mở lớp, đứng ngay sân, thậm chí ngoài đường dạy học viên, nhiều người trong làng, nhất là những vị cao niên không hài lòng. Đôi khi, trong giờ học, thầy trò nghe chửi là chuyện bình thường! Thế nhưng tôi vẫn làm. Bởi lẽ, nếu cứ giữ kín nghề thì không thể nào phát triển được. Lứa đầu có 20 em, trong số này có Nguyễn Hùng, hiện là chủ doanh nghiệp lớn chế tác, kinh doanh đá mỹ nghệ lớn nhất Ngũ Hành Sơn".

Rồi thời cơ cũng đến. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đất nước mở cửa, du khách các nơi ùa về, mang theo làn gió mới! Lúc này, những người từ Đài Loan, Hồng Kông, Lào, Campuchia… tìm đến Ngũ Hành Sơn. Họ đem theo mẫu đặt hàng để chở về nước. Cơ sở dạy nghề của nghệ nhân Nguyễn Việt Minh trở nên nhộn nhịp, học viên, khách hàng khắp nơi tìm đến. Người thợ đá Ngũ Hành Sơn được tín nhiệm mời điêu khắc, tạc tượng, phô diễn tài năng ở những công trình lớn trong và ngoài nước. Đây chính là thời điểm "bùng nổ" để có một làng đá Non Nước vang danh hiện nay.

Giữ gìn bản sắc

Có lần, một đoàn khách Ý, vốn là bậc thầy về điêu khắc đá, quê hương của những pho tượng Phục Hưng bất hủ - chiêm ngưỡng tượng lân ở Hội An. Họ tấm tắc khen nghệ nhân Ngũ Hành Sơn giỏi, bởi bỏ được viên ngọc vào miệng lân mà không ai có thể tùy tiện lấy ra được. Theo nghệ nhân Nguyễn Việt Minh, đó không chỉ là tài nghệ mà còn là công phu nghề đá Ngũ Hành Sơn. Viên ngọc ấy vốn dĩ là khối đá liền, nghệ nhân tỉ mỉ đục đẽo, mài giũa cho đến khi thành hình và ở nguyên trong miệng rồng, chứ không ai có thể đưa vào được. Thời chưa có máy móc hỗ trợ, để tạc được một viên ngọc, có khi nghệ nhân mất hàng tháng trời công phu.

Lại nói về ngày trước, nghệ nhân Nguyễn Việt Minh nhớ lại: "Hồi mới học nghề, tôi suốt ngày phải mài mũi ve, mài đến khi sắc như cạo mới đạt. Còn chế tác được một bức tượng cao tầm 60cm thì kỳ công lắm, mất hai, ba năm trời. Kỹ thuật thời trước cũng chưa làm tượng to được. Để tạc tượng, trước tiên phải chọn đá. Phiến đá tìm thấy, gõ vào tiếng trong như tiếng chuông mới đạt"...

Năm nay đã 73 tuổi, từng kinh qua những thăng trầm của của làng đá, một đôi lần nghệ nhân Nguyễn Việt Minh tỏ ra băn khoăn. Ông sợ rằng, máy móc hiện đại và kinh tế thị trường liệu có làm hư tay người thợ đá, đến một lúc nào đó họ lại phải loay hoay đi tìm bản sắc và kỹ năng truyền lại tự bao đời... Bất giác, tôi nhớ câu "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Chẳng dám lạm bàn, ấy vậy, tôi thấy hình như có điều chi gò bó quá? Với nghệ nhân Nguyễn Việt Minh, "nghệ tinh" thì rõ, "thân vinh" cũng có rồi, nhưng hẳn phải có điều chi khác nữa, vượt xa khỏi cái "vinh" của một cá nhân. Phải chăng, đó chính là trách nhiệm của một truyền nhân?

Nguyễn Lê

Dấu ấn nghệ nhân

Ông Nguyễn Việt Minh là 1 trong 3 nghệ nhân của làng đá Non Nước, tác giả của nhiều công trình lớn, trong đó phải kể đến: Tượng đúc bổn sư lộ thiên cao 27m tại chùa Linh Ứng - Bà Nà; Bộ Thập bát La hán tại tu viện Nguyên Thiều - Bình Định; bức phù điêu 9m2 và 4 tượng chiến sỹ giao bưu tại Bảo tàng Bưu điện Đà Nẵng; bức phù điêu 9m2 Bác cùng chúng cháu hành quân tại TPHCM;  Tượng Bác Hồ, tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng tại nhà tưởng niệm Rạch Chiếc - TPHCM; tượng các nhà lãnh đạo Trần Phú, Võ Văn Kiệt... Tác phẩm của ông còn có mặt ở những không gian ở San Prancisco, California, New York, Atlanta (Hoa Kỳ), Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia... Riêng ở Hoa Kỳ, có một khu vườn tượng, người ta đặt ở đó tấm biển "Thank you Nguyen Viet Minh" (cảm ơn Nguyễn Việt Minh) để bày tỏ niềm hân hoan và ngưỡng mộ đối với người thợ đá bậc thầy của đất Ngũ Hành Sơn.