Nghệ nhân Trần Thu và khúc đồng dao của gỗ

Thứ năm, 10/04/2014 11:50

(Cadn.com.vn) - Từ nhỏ, nghệ nhân Trần Thu (1972, xã Điện Phong, H. Điện Bàn, Quảng Nam) rất mê nặn tượng. Lớn lên thi ngành xây dựng theo ý của gia đình, nhưng tốt nghiệp xong lại mở xưởng mộc bởi không thể từ bỏ giấc mơ “hát đồng dao bằng gỗ”. Thu ra Huế học thêm nghề chạm gỗ nghệ thuật. Năm 2004, anh cùng một người bạn mở trung tâm gỗ nghệ thuật Âu Lạc và lập phòng trưng bày nghệ thuật gỗ admiringly tại phố cổ Hội An. Cùng những giải thưởng: Giải vàng Tinh hoa văn hóa dân tộc năm 2004, Giải Thiết kế sản phẩm du lịch năm 2005, Giải Sáng tạo kiểu dáng năm 2005…tất cả đã khẳng định sự thành công của một phong cách nghệ thuật.

Xưởng điêu khắc gỗ của Trung tâm nghệ thuật gỗ Âu Lạc.

“Nhẹ nhàng - giản đơn - tinh tế, phải chăng chỉ với hình thức biểu hiện ấy mới phù hợp với chủ trương và cũng là slogan của trung tâm Âu Lạc: mang đồng dao vào mộc? Mình thích sự hồn nhiên của một đứa trẻ đang say sưa hát đồng dao. Bởi thế, mình muốn tác phẩm của mình cũng hồn nhiên như một khúc đồng dao”–Thu nói. “Chuyện làng”–tác phẩm điêu khắc gỗ nghệ thuật đầu tiên của Thu đã định hình cho ý niệm này.

Thu không dụng những họa tiết có sẵn; Thu đem máy ảnh chụp những dây bầu bí, khổ qua, hạt đỗ rồi nương theo mẫu tự nhiên đó mà điêu và khắc. Vọng từ tác phẩm là một mầm non đang cựa mình trong chiếc vỏ đỗ, những chiếc tua bầu bí mỏng manh như những cánh tay non nớt trẻ thơ vươn lên đón nắng trời xanh. Rất hồn nhiên nhưng ai bảo không tinh tế. Ý niệm nghệ thuật của Thu nằm trọn trong bộ linh phẩm “Hồn thiêng sông núi”– được Thu trưng bày tại Đại lễ 1.000 năm Thăng Long–Hà Nội. Bộ linh phẩm gồm 9 tác phẩm kể lại chuyện từ buổi đầu lập quốc với những diễn tiến lịch sử qua đạo dưỡng-trị và cứu quốc. Này là tác phẩm Tre Việt thể hiện hình tượng Thánh Gióng bay về trời.

Phá cách truyền thuyết, Thánh Gióng của Thu khi về trời lại biến thành một đứa trẻ lên ba như lúc sinh ra. Thánh Gióng của Thu không cưỡi ngựa sắt về trời mà cưỡi ngựa trời (bọ ngựa), Thu bảo Thánh Gióng không muốn mang dấu tích chiến tranh lên trời; Thánh Gióng của Thu còn giắt theo một nhánh tre–Thu bảo dân tộc ta vốn chuộng hòa bình, Thánh Gióng sẽ mang thông điệp ấy gửi vào thiên thu…Và Thu nói, trong tất cả tác phẩm đều mong muốn thể hiện một thông điệp bình an của một khúc đồng dao như thế. Sự hồn nhiên của trẻ thơ còn cao xa hơn cả những triết luận. Đó là lăng kính nghệ thuật và cũng là lăng kính của Thu khi nhìn đời: bình dị như đồng dao, mộc mạc như gỗ.

Nghệ nhân Trần Thu.

Năm 2010, Thu được phong danh hiệu Nghệ nhân làng nghề. Người hát đồng dao bằng gỗ ấy tiếp tục mang tiếng hát của gỗ phả vào đời. Khi cùng bạn lập Trung tâm gỗ nghệ thuật Âu Lạc, Thu không chủ ý làm giàu, chỉ nguyện tạo điều kiện cho các bạn trẻ “ly nông bất ly hương”. Hiện, số thợ ở trung tâm ngày càng tăng, hầu hết đều là những thanh niên không thành công trên con đường học vấn.

Họ được nhận đào tạo nghề miễn phí và có mức lương ổn định từ 1,5-3 triệu đồng/tháng. Thu còn đào tạo cho những người khuyết tật và những người có hoàn cảnh khó khăn. Tất cả đều coi trung tâm như một đại gia đình. Thu không chỉ đào tạo tay nghề, những người thợ của Thu còn phải học thêm môn tri thức (môn học bày kinh nghiệm sống có xuất xứ từ nước ngoài). Thu đưa 4 giá trị của tri thức vào bài giảng: hòa thuận– khiêm nhường–hợp tác-trung thành. Hòa thuận như anh em một nhà, khiêm nhường để phát triển, hợp tác để gắn kết và trung thành với nhau để tạo nên một sự an lành.

Giờ, Trung tâm Âu Lạc đã đi vào nền nếp, Thu chuyển giao việc kinh doanh cho hai người bạn. Thu bảo không kinh doanh nữa để chuyên tâm điêu khắc, hưởng trọn vẹn một sự bình an. Và, sự bình an ấy là “cát–xê” cho những khúc hát đồng dao của anh.

Mai Thành Dũng