Nghị định 67 khi triển khai: Sẽ là “bà đỡ” thực sự của ngư dân

Thứ năm, 21/08/2014 08:25

(Cadn.com.vn) - Chính phủ đã ban hành Nghị định 67 ngày 7-7-2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 25-8-2014) về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có những chính sách ưu đãi đối với ngư dân như về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, thuế, hỗ trợ đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới... Đây được coi là động lực mạnh mẽ đối với sự phát triển của ngành thủy sản mà trọng tâm là phát triển đội tàu đánh cá xa bờ. Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó GĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP  Đà Nẵng về Nghị định này.

Ông Nguyễn Đỗ Tám.

P.V: Xin ông cho biết những điểm chính trong Nghị định 67? Nghị định có điểm gì khác đối với chương trình 7068 của TP đã và đang triển khai?

Ông Nguyễn Đỗ Tám: Về căn bản, Nghị định 67 hỗ trợ khá tốt đối với các ngư dân. Có thể hiểu như thế này: Chương trình 7068 của TP Đà Nẵng hỗ trợ, dành cho ngư dân, người dân có điều kiện, đặc biệt là có quyết tâm vươn khơi, hỗ trợ phí, lệ phí đăng kiểm (khoảng 10 triệu đồng) và phải có hộ khẩu tại Đà Nẵng. Và, tiền hỗ trợ này (với tàu 400-600CV hỗ trợ 500 triệu đồng, 600- 800CV hỗ trợ 600 triệu đồng, trên 800CV được hỗ trợ 800 triệu đồng) sẽ được giải ngân sau khi ngư dân đã đóng mới hoàn toàn tàu, cho hạ thủy. Trong khi đó, với Nghị định 67, ngư dân sẽ được vay đến 95% giá trị con tàu. Số tiền vay được hưởng ưu đãi ngân hàng với lãi suất là 7%/năm nhưng ngư dân chỉ trả 1%/năm còn 6% còn lại được hỗ trợ.

Cụ thể: đối với tàu dịch vụ và tàu khai thác có công suất trên 800CV sẽ được hưởng chính sách như trên; đối với tàu sắt từ 400-600CV được vay 90%, trả lãi 2%/năm và nhà nước hỗ trợ 5%; đối với tàu gỗ và tàu cải hoàn nâng cấp thì cho vay 70% giá trị con tàu và lãi suất là 3%/năm, ngân sách bù thêm 4%. Như vậy, có thể nói chính sách ưu đãi quy định tại Nghị định 67 cao hơn so với chương trình 7068. Dự kiến trong thời gian đến, Đà Nẵng sẽ triển khai song song hai chương trình này và ngư dân chỉ được chọn 1 để tham gia.

Đã có 75 hồ sơ đăng ký đóng tàu sắt tại Đà Nẵng.

P.V: Hiện nay đã có bao nhiêu hồ sơ đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ ngư dân theo Nghị định 67 lẫn chương trình 7068?. Hiệu  quả và tồn tại?

Ông Nguyễn Đỗ Tám: Hiện nay đã có 150 hồ sơ đăng ký tham gia chương trình Nghị định 67 của Chính phủ, trong đó có khoảng 75 hồ sơ đăng ký đóng tàu sắt, chủ yếu là các doanh nghiệp. Như vậy, xem ra chương trình NĐ 67 đã thu hút và hỗ trợ tốt cho người dân trong việc đóng mới tàu. Tuy nhiên, chỉ còn mấy ngày nữa là đến ngày triển khai Nghị định (25-8) nhưng chúng tôi vẫn chưa có bất kỳ một văn bản hướng dẫn nào. Đây thực sự là vướng mắc lớn nhất của chúng tôi trong công tác triển khai. Còn đối với chương trình 7068 thì đã triển khai từ đầu năm 2012. Đây được xem là chương trình hỗ trợ rất lớn từ nguồn ngân sách TP trong việc cùng ngư dân vươn khơi bám biển, tuy nhiên số lượng được đóng mới rất thấp. Tính đến nay, mới được 20 chiếc tàu được đóng mới.

Theo như chúng tôi được biết, nguyên nhân chủ yếu là do người dân không đủ tiền để đóng mới tàu, rồi chạy thử từ 4-6 tháng, rồi mới làm được thủ tục giải ngân. Đơn cử như đóng một con tàu khai thác chưa bao gồm trang thiết bị có độ dài khoảng 30m thì khoảng chừng 6-7 tỷ đồng. Sau khi đã tiến hành chạy thử, dựa vào công suất, ngư dân mới tiến hành lập hồ sơ rồi ngân sách TP mới tiến hành giải ngân. Như vậy, phải bỏ ra số tiền lớn như vậy để có thể trường vốn được là một điều rất khó. Chính vì vậy, Nghị  định 67 thực sự là khi đi vào triển khai trên diện rộng sẽ hỗ trợ cho ngư dân Việt Nam nói chung và ngư dân Đà Nẵng nói riêng rất nhiều trong khâu vốn.

P.V: Vâng! Xin cảm ơn ông về buổi trao đổi này!

Lê Anh Tuấn