Nghỉ làm, nghỉ học, ngừng họp chợ… để phòng chống bão Noru

Thứ ba, 27/09/2022 07:40
Chỉ đạo tại cuộc họp của Đà Nẵng ứng phó với bão Noru hôm 26-9, ông Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng lưu ý tất cả các hồ đập tại Hòa Vang phải được kiểm tra chặt chẽ, có lực lượng ứng trực công tác di dời dân phải khẩn trương các quận phải cho dỡ tất cả các biển quảng cáo, cắt tỉa, chằng, chống cây xanh các tuyến đường...
BĐBP Quảng Trị hỗ trợ ngư dân đưa thuyền lên bờ an toàn.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu chỉ đạo cuộc họp.

Chủ động ứng phó

Bão Noru được dự báo đổ bộ vào khu vực từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi có cường độ cấp 9 cấp 10, gió mạnh, hoàn lưu bão có mưa lớn, gây ngập lụt tại nhiều địa phương vào ngày 28-9-2022. Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT thành phố, hiện nay các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đều có mực nước bình thường. Đã có 769 tàu thuyền vào trú ẩn tại âu thuyền Thọ Quang, Bộ đội Biên phòng và ngành chức năng đang tiếp tục kêu gọi các tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. Dự báo nguy cơ ngập lụt sẽ xảy ra tại huyện Hòa Vang, vì vậy phải có sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng trên địa bàn. Vùng ven biển phải sẵn sàng sơ tán người dân đến nơi an toàn. Ngành giao thông, du lịch bố trí, sắp xếp các tàu du lịch, cảnh báo khách du lịch đến địa bàn Đà Nẵng.

Dự báo tình trạng ngập úng trong đô thị sẽ phức tạp, ngành chức năng cần phải khẩn trương cắm biển báo, cấm đường, nhất là những khu vực có học sinh đi học tập trung… Nạo vét các kênh mương hở ở Cẩm Lệ, Sơn Trà… Sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”. Tạm dừng các cuộc họp không cần thiết vào thời điểm hiện nay để tập trung lực lượng đối phó với bão…

Tại Hòa Vang, qua đánh giá, rà soát sẽ cần phải di dời 28.000 người dân theo phương thức di dời tập trung và di dời tại chỗ, trong đó có 715 công nhân ở Hòa Sơn về nơi an toàn. Có nhiều điểm có nguy cơ sạt lở, như ở khu vực đồi Núi Sọ, Hòa Sơn cần di dời 43 hộ dân 143 nhân khẩu, khu vực đồi Lệ Mỹ, Hòa Liên, 14 hộ dân, khu vực Phú Túc, Hòa Phú 80 hộ, 300 nhân khẩu về nơi an toàn. Khu vực Nam Mỹ, Hòa Bắc thường bị chia cắt do ngập lụt, 20 hộ dân ở thôn Trung Sơn, Hòa Liên có nguy cơ ngập lụt, khu nhà ở liền kề ở Hòa Châu có nguy cơ chịu thiệt hại do bão, cần có phương án đảm bảo an toàn cho người dân…

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng lưu ý, tất cả các hồ đập tại Hòa Vang phải được kiểm tra chặt chẽ, có lực lượng ứng trực. Hòa Vang có nhiều dự án, công trình đang xây dựng dở dang, sẽ làm cản đường thoát lũ, cần chú ý lực lượng để ứng phó. Hòa Vang là địa bàn trọng yếu của thành phố, tại các điểm di dời dân đến phải kiểm tra cụ thể, có báo cáo với thành phố sớm nhất. Tại Sơn Trà, cần phải di dời 15.000 người dân, trong đó 13.000 người dân sơ tán tại chỗ, 600 ngư dân ở Thọ Quang, đến 9 giờ ngày 26-9-2022 đã di dời đến nơi an toàn. Quận Sơn Trà đã kiến nghị thành phố và ngành chức năng không cho khách du lịch lên bán đảo Sơn Trà…

Bí thư Nguyễn Văn Quảng yêu cầu, công tác di dời dân phải khẩn trương, đúng ngày, đúng giờ; quận phải cho dỡ tất cả các biển quảng cáo, cắt tỉa, chằng, chống cây xanh các tuyến đường… Tại các quận Cẩm Lệ, Thanh Khê, bên cạnh công tác di dời dân, cần chú ý các điểm sạt lở, ngập úng như ở Hòa Cầm, Khe Cạn… đặc biệt hầm chui Điện Biên Phủ, các công trình đang thi công trên đường Nguyễn Tất Thành... Tại quận Liên Chiểu, đã chuẩn bị 7 vị trí di dời 26.000 người dân, trong đó có 16.000 người di dời tập trung. Các lực lượng đã hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, xử lý ngập úng tại 22 điểm, quận đã làm việc với các chủ đầu tư các dự án để triển khai. Quận cũng kiến nghị cho công nhân khu công nghiệp nghỉ việc sớm đến đảm bảo an toàn khi có bão. Thành phố đã thống nhất từ 12 giờ ngày 27-9-2022, ngừng họp tất cả các chợ trên địa bàn thành phố, cho công nhân, viên chức nghỉ làm việc.

Cưỡng thuyền viên không lên bờ

Bộ Chỉ huy Biên phòng thành phố cho biết, hiện nay toàn thành phố có 1.600 tàu thuyền đã vào nơi neo đậu, yêu cầu về âu thuyền để trú tránh bão an toàn. Có 9 tàu thuyền đang hoạt động trên biển đã về trú ẩn. Việc tàu neo đậu nhiều ở âu thuyền, đã chuẩn bị công tác phòng cháy, chữa cháy, di dời thuyền viên lên bờ, đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ vấn đề này. Bí thư Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo, phải cưỡng chế nếu thuyền viên nào không chấp hành lên bờ tránh bão.

Thiếu tướng Vũ Xuân Viên-Giám đốc Công an thành phố cũng cho biết, Bộ Công an đã chỉ đạo chặt chẽ công tác ứng phó với cơn bão tại các địa phương. Đúng 17 giờ ngày 26-9, toàn lực lượng Công an thành phố trực chiến 100%. Lực lượng Cảnh sát cơ động, phòng cháy sẵn sàng công tác cứu nạn, cứu hộ, phòng chống cháy nổ, phối hợp với các lực lượng Biên phòng, Quân sự tuần tra, kiểm soát các vị trí trọng yếu ứng phó trước và sau bão… Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện, ngành chức năng, cần khảo sát, xem xét kỹ các điểm di dời người dân, đảm bảo về nơi ăn ở, vệ sinh môi trường, lực lượng quân sự sẵn sàng hỗ trợ khi có tình huống xảy ra.

Công an các đơn vị, địa phương ra quân hỗ trợ nhân dân và tuyên truyền phòng chống bão Noru.

Đà Nẵng lập Ban chỉ đạo tiền phương

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo: Công tác ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão phải thực hiện, bám sát theo đúng các chỉ đạo của Trung ương. UBND thành phố lập Ban chỉ đạo tiền phương tại UBND thành phố, gồm các đồng chí Thường vụ, ban cán sự Đảng, UBND thành phố để theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng, chống bão, chú ý các vị trí trọng yếu. Đồng thời, rà soát chi tiết các nội dung, nhiệm vụ, có biện pháp chấn chỉnh kịp thời…

Các biện pháp phòng, chống bão lụt, phải được các cơ quan truyền thông thành phố thông tin kịp thời, đầy đủ, tuyên truyền cho người dân tự phòng chống nhà cửa, không ra khỏi nhà khi có bão. Từ 12 giờ trưa ngày 26-9, cứ 6 giờ 1 lần, Ban chỉ huy phòng chống bão thông tin báo cáo tình hình các địa phương. Lực lượng Công an, Biên phòng, quân sự, cảng vụ ứng trực chặt chẽ, phòng chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ trước và sau bão. Đồng chí Thiếu tướng Vũ Xuân Viên-Giám đốc Công an thành phố trực tiếp làm chỉ huy các lực lượng ứng trực. Các địa phương trên địa bàn thành phố khẩn trương rà soát các hộ dân phải di dời, các điểm ngập úng, tổ chức di dời dân đúng thời gian trước 14 giờ ngày 27-9. Cung ứng tốt lương thực, thực phẩm cho người dân tại các điểm di dời, nhất là các khu vực bị cô lập. Cung ứng điện đảm bảo, kiểm tra đảm bảo an toàn các công trình.

BĐBP Quảng Trị hỗ trợ ngư dân đưa thuyền lên bờ an toàn.

Quảng Trị vừa chống bão vừa chống lũ quét

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, chiều 26-9, chính quyền địa phương cùng với lượng BĐBP và CA tuyến biển nắm chặt tình hình, sắp xếp tàu thuyền vào các nơi neo đậu, tránh trú đảm bảo an toàn. Ghi nhận tại TT Cửa Tùng (H.Vĩnh Linh), TT Cửa Việt (H.Gio Linh) và xã Triệu An (H.Triệu Phong)… các tổ công tác của BĐBP triển khai giúp ngư dân diễn ra khẩn trương trên khắp các địa bàn. Lực lượng CA cũng đến từng hộ dân và cơ sở trường học để hỗ trợ chằng chống nhà cửa. Từ 12 giờ 45 ngày 27-9, toàn bộ học sinh Quảng Trị được nghỉ học đến khi kết thúc hình thế thiên tai nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên. Chạy đua với cơn bão mạnh, thầy cô Quảng Trị cùng với trợ giúp của phụ huynh đang dồn sức di chuyển sách vở, máy móc tại phòng máy tính, thư viện, thiết bị dạy học... đến vị trí an toàn; chặt tỉa, có biện pháp bảo vệ cây xanh để hạn chế thiệt hại. “Năm học ni nhiều trường thiếu phòng học máy tính rồi, nếu bị thiệt hại do bão nữa thì việc dạy và học căng lắm, nên phải chủ động sớm thôi”, anh Nguyễn Văn Thanh (H.Vĩnh Linh) chia sẻ.

Cũng vào chiều 26-9, Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị đã triển khai chương trình hành động sớm trước, ứng phó bão Noru. Tổ chức FAO hỗ trợ cung cấp 300 thùng phuy nhựa loại 220 lít có nắp đậy bằng nhựa, đai khóa bằng sắt và 300 triệu đồng để mua sắm nhu yếu phẩm thiết yếu cho 300 hộ gia đình (100 hộ/xã) nằm ở khu vực thấp trũng, có nguy cơ ngập lụt trong đợt mưa bão sắp tới tại các xã Triệu Độ, Triệu Trạch (H.Triệu Phong) và Hải Phong (H.Hải Lăng).

Căn cứ vào đặc điểm địa hình, diễn biến bão và dự báo hoàn lưu gây mưa lũ áp dụng phương án ứng phó khi bão mạnh đổ bộ (cấp độ 3 và cấp độ 4), địa bàn tỉnh Quảng Trị được chia thành 5 vùng trọng tâm: vùng trực tiếp bão, nước biển dâng thuộc các huyện ven biển Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ; vùng ngập sâu ở trên các lưu vực sông Thạch Hãn, Ô Lâu, Bến Hải, sông Hiếu, Sê Pôn; vùng lũ quét ở Hướng Hóa, Đakrông, gò đồi ở Cam Lộ; Vùng sụt lún, sạt lở đất ở Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa; vùng ngập cục bộ ở Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ. Ở các vùng này tiến hành sơ tán dân tránh trú từ nhà tạm không đảm bảo phòng chống thiên tai đến các nhà kiên cố như: nhà dân cao tầng kiên cố, trường học, trụ sở cơ quan, trụ sở UBND, trạm Y tế, Đồn Biên phòng, nhà cộng đồng.

HỒNG THANH- BẢO HÀ