Nghĩ về cách sống khi đối diện với cái chết

Thứ tư, 23/05/2018 11:03

Dự án cộng đồng Memento Mori (“Hãy nhớ, mi sẽ chết”) đến với Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng vào ngày 20-5 vừa qua đã đem đến câu chuyện của sự thấu cảm và động lực tinh thần to lớn cho các bệnh nhân ung thư tại đây trên hành trình chống chọi với bệnh tật.

Tác giả (ngồi trước, bên phải) và diễn viên vở diễn Memento Mori.

Điểm đến của cuộc đời

Hàng trăm bệnh nhân có mặt tại hội trường bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng đã nhìn thấy hình ảnh của mình trên sân khấu qua những lát cắt của vở kịch, được chuyển thể từ cuốn sách “Điểm đến của cuộc đời”. Tác giả Đặng Hoàng Giang đã đồng hành với những người cận kề với cái chết bởi căn bệnh ung thư để viết nên cuốn sách này và đi tìm câu trả lời cho câu hỏi thôi thúc ông: ta nên ứng xử thế nào trước cái chết, và sự chết có thể dạy ta điều gì cho cuộc sống? Vở kịch được trình diễn ở sân khấu mà cũng chính là bối cảnh cuộc đời, đã đem lại một không khí đặc biệt. Những bệnh nhân từ giường bệnh, cùng với bông băng, thuốc chuyền; có người tự đi, có người được dìu, có người rụng hết tóc, có người không nói được sau các đợt phẫu thuật, xạ trị… nhưng tất cả đều chăm chú xem, lặng người và khóc. Bởi đó chính là hình ảnh của họ: Vân – người phụ nữ mắc căn bệnh ung thư xương với nỗi day dứt về 2 đứa con gái còn quá nhỏ; Liên–cô gái trẻ mắc căn bệnh ung thư vú đau đớn bởi còn quá nhiều những ước mơ về tình yêu, về tương lai; Hà–một người mẹ tan nát cõi lòng khi phải chứng kiến con trai mình đối diện với cái chết…

Những diễn viên bước lên từ hàng ghế khán giả và đi về hàng ghế khán giả, cùng đồng hành với các bệnh nhân ung thư tại đây. Ranh giới giữa kịch và đời xóa nhòa. Vì số phận của nhân vật và người xem là một. Lặng lẽ đứng dưới hàng ghế của các bệnh nhân, tác giả Đặng Hoàng Giang và đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ có thể thấy được ý nghĩa của công việc mà họ đang làm với dự án này. Tác giả Đặng Hoàng Giang chia sẻ: “Rất nhiều khi, điều mà người bệnh và người nhà của họ cần không phải là những lời khuyên, thậm chí không phải hỗ trợ tài chính, mà là sự thấu cảm, và cảm giác được chia sẻ nỗi đau và sự nhọc nhằn, vất vả. "Điểm đến của cuộc đời", thông qua vở kịch Memento Mori ("Hãy nhớ, mi sẽ chết") đã đem lại điều này cho 500 khán giả ở Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, đa số trong số họ là bệnh nhân ở các giai đoạn khác nhau; người nông thôn, người nghèo…Tôi đã thấy những giây phút đặc biệt và kỳ lạ, khi cái chết xảy ra trên sân khấu, được dõi theo bởi hằng trăm con người đang đứng trước cửa tử. Nhìn những giọt nước mắt của họ, tôi nhớ tới bài thánh ca Johan Sebastian Bach viết cách đây gần 300 năm: “Lạy Chúa lòng lành, hãy rủ lòng thương những giọt nước mắt của con. Hãy nhìn, đứng trước Ngài, trái tim và đôi mắt con khóc nức nở”. 

Thông điệp sống từ cái chết

Sau vở diễn trên sân khấu, cuộc nói chuyện, chia sẻ giữa các bệnh nhân và tác giả Đặng Hoàng Giang đã diễn ra thực sự xúc động. Có lẽ chưa bao giờ một buổi trao đổi về tác giả, tác phẩm lại mang không khí chân thành và gần gũi đến vậy, khi nỗi đau được thấu hiểu tới tận cùng. Đối diện cái chết là sự thật quá khó khăn, quá khắc nghiệt với mỗi người, nhưng sau khi xem vở diễn, một bệnh nhân lớn tuổi đã nói: “Cái gì tới sẽ tới, tôi cố gắng tới khi không được nữa thì thôi”. Thông điệp về sức mạnh của lòng yêu thương đồng hành cùng người bệnh và cách ứng xử với cái chết để ra đi một cách thanh thản, bình tĩnh đã được tác giả Đặng Hoàng Giang chuyển tải đến các bệnh nhân tại đây. Có mặt tại Hội trường bệnh viện Ung bướu, anh Thiện–em trai của nhân vật Liên trong cuốn sách đã nói những lời đồng cảm từ sâu thẳm lòng mình, bởi chị gái anh vừa qua đời cách đây 100 ngày. Chị Liên cũng điều trị tại đây trước khi mất và một số bệnh nhân cũng có thể nhận ra câu chuyện của chị hôm nay. Anh Thiện cho biết, mẹ anh từ Quảng Nam khi biết tới buổi biểu diễn đã ra Đà Nẵng nhưng không đủ can đảm có mặt bởi nỗi đau vẫn chưa nguôi. Nhưng chị gái anh đã đi tới “Điểm cuối của cuộc đời” với sự thanh thản, bởi tình yêu thương của cha mẹ, của em trai. Tác giả Đặng Hoàng Giang chia sẻ thêm: chị Vân, nhân vật trong sách, trước khi mất cũng đã quyết định hiến giác mạc để đem lại ánh sáng cho một cuộc đời khác. Quyết định này không hề dễ dàng bởi những định kiến ở một làng quê nơi chị đang sống. Nhưng chị đã thuyết phục được gia đình đồng ý.

Buổi trò chuyện với tác giả Đặng Hoàng Giang đã nhận được nhiều chia sẻ, nhiều tâm sự với những câu chuyện khác nhau, như để bày tỏ lòng mình và như cách nắm lấy tay nhau, truyền cho nhau sức mạnh mà họ không dễ tìm thấy trong một không gian khác. Một nữ khán giả có người cha đã mất vì căn bệnh ung thư, hiện làm việc tại làng trẻ em Hy vọng chia sẻ: “Sau khi cha tôi qua đời, tôi muốn sống cuộc sống ý nghĩa hơn. Và tôi luôn tâm niệm: cái chết không đáng sợ bằng việc mình đang sống mà như đã chết”.

HẢI QUỲNH