Nghĩa đồng bào trong cơn hoạn nạn
Cho tới thời điểm hiện tại, một số địa phương của Hà Tĩnh như: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh vẫn đang còn chìm trong biển nước. Lũ đang dần rút, người dân lại phải đối diện với những thiếu thốn đủ bề, đó là cái ăn, cái mặc, cây và con giống... Chính trong những lúc nguy nan như vậy, mới thấy tình cảm đồng bào, nhân dân hướng về nhau thật lớn lao. Rất nhiều tổ chức, cá nhân ở khắp mọi miền Tổ quốc, cũng như hải ngoại, đã đóng góp tiền bạc, vật tư, nhu yếu phẩm... một lòng hướng về "Hà Tĩnh mình thương".
Đoàn xe cứu trợ ngoại tỉnh dừng chân tại Hà Tĩnh để cứu tế người dân vùng lũ. |
Hình ảnh người dân, không phân biệt già trẻ, gái trai, góp gạo nếp, thịt lợn, lá dong thức trắng đêm gói bánh chưng, luộc bánh rồi đưa vào miền Trung cứu trợ bà con vùng lũ đã thực sự lay động đến hàng triệu triệu trái tim. Trong cơn hoạn nạn, người dân cả nước đã chung tay với tất cả tình cảm, tinh thần "tương thân, tương ái", "một nắm khi đói bằng một gói khi no". Họ đến với nhau bằng mệnh lệnh của trái tim thiện nguyện thôi thúc. Lực lượng công an, bộ đội cũng đã chẳng tiếc máu xương, hy sinh thân mình trong cơn lũ dữ để cứu hộ, cứu nạn người dân vùng lũ. Các cấp chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cả nước đã và đang tích cực góp sức đẩy lùi sự khó khăn, mang lại hơi ấm đồng bào cho người dân vùng lũ, cùng người dân vượt qua cơn hoạn nạn.
Trong khó khăn, hoạn nạn, chính người Hà Tĩnh đã đùm bọc lấy nhau. Ngay khi biết được thông tin các điểm bị cô lập, các tổ chức thiện nguyện, các cá nhân, hội đoàn thể đã nhanh chóng quyên góp, tổ chức nấu cơm, cháo, bánh chưng rồi tìm cách mang đến các nhà dân, bệnh viện đang chìm trong biển nước. Từ khi lũ dâng, anh Lê Nam (ở H.Vũ Quang, Hà Tĩnh) cùng nhóm bạn đã cật lực vừa kêu gọi sự giúp đỡ, vừa lao vào vùng "rốn lũ" Cẩm Duệ để chia sẻ những khó khăn cùng bà con nơi đây. "Ở đây ngập sâu 4 ngày nay rồi, mấy ngày đầu mới ngập chúng tôi tự bỏ tiền mua thuyền và thuê xe chở vào đây để cứu dân. Hôm nay thì nhóm nấu cơm, bánh chưng, mì tôm, nước uống chất lên thuyền mang tới từng nhà. Có nhiều đoạn nước còn cao hơn 1m, chảy xiết thuyền không đi được, chúng tôi phải liều mình nhảy xuống nước vừa bơi vừa lôi thuyền đi vào các con ngõ. Chỉ sợ bà con nhịn lâu sẽ đói và rét. Chúng tôi ngâm mình cả ngày dưới nước, cũng đói và rét lắm nhưng nghĩ tới dân nơi đây, 4 ngày sống với lũ chưa có gì để ăn, anh em lại cố gắng để mang được đồ cứu trợ đến với nhiều người hơn" - anh Lê Nam cho biết.
Từ bên kia cầu Bến Thủy, nhân dân Nghệ An cũng nhanh chóng quyên góp, triển khai nấu bánh chưng và mua sắm các thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, tổ chức vượt lũ mang vào Hà Tĩnh hỗ trợ. Anh Cường Bá Thò - một trong những người làm thiện nguyện trong nhóm "Người Quế Phong" ở H.Quế Phong cho biết: "Sau mấy ngày kêu gọi các nhà hảo tâm, sáng 22- 10, đoàn xuất phát vào Hà Tĩnh với một xe tải chất đầy nhu yếu phẩm. Với tâm nguyện, đoàn sẽ trao tận tay người dân vùng lũ, sẻ chia bớt những khó khăn khi họ phải đối diện với lũ lụt trong 5 ngày qua". Trước đó, chị Nguyễn Phương Liên (ở H.Yên Thành, Nghệ An) cùng nhóm bạn đã quyên góp các vật dụng như: áo phao, đèn pin, nước khoáng, pin dự phòng, bánh chưng, dầu gió... gửi vào cho bà con xã Cẩm Duệ, H.Cẩm Xuyên.
Tập kết hàng trên xe xuống để dùng ca nô vận chuyển vào vùng ngập lụt. |
Thấy Hà Tĩnh mênh mông biển nước, chị Thảo - một người con Hải Phòng đã gửi tặng 10 chiếc ca nô để lực lượng chức năng và chính quyền địa phương sử dụng, ứng cứu dân. Tấm lòng thơm thảo của chị Thảo đã được CBCS BCHQS tỉnh Hà Tĩnh và lãnh đạo H.Cẩm Xuyên ghi nhận, đánh giá cao.
Nắng đã lên và lũ cũng đang dần rút. Từ mọi ngả đường đổ về Hà Tĩnh, đâu đâu cũng thấy các đoàn xe gắn băng rôn với các dòng chữ "Vì miền Trung thân yêu", "Xe chở hàng cứu trợ", "Ủng hộ đồng bào lũ lụt"... Nơi đó, nào là thuốc men, nhu yếu phẩm vô cùng thiết thực trong thời điểm này đang chờ được trao tận tay đến bà con vùng lũ.
Dọc tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh, nhiều điểm tiếp nhận hàng cứu trợ được lập nên, các "bến thuyền" hoạt động hết công suất với đầy nhu yếu phẩm vượt lũ đến với người dân. Tại 2 điểm, xã Tân Lâm Hương (H.Thạch Hà) và xã Cẩm Vịnh (H.Cẩm Xuyên), hàng chục đoàn cứu trợ đang khẩn trương liên hệ các xuồng, thuyền để vận chuyển hàng cứu trợ đến đồng bào vùng rốn lũ một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, việc tìm kiếm được một chiếc thuyền để đi đến vùng "rốn lũ" không phải dễ dàng, không ít đoàn phải chờ cả ngày trời mới tới lượt nhưng tất cả không vì thế mà nản lòng. Trong cơn hoạn nạn mới thấy được nghĩa đồng bào lớn lao đến nhường nào.
X.S