Nghịch lý của thị trường lao động
Đại dịch Covid-19 khiến hàng chục ngàn lao động thất nghiệp, đặt ra thách thức lớn cho mục tiêu “có việc làm” của Đà Nẵng. Tuy nhiên, điều nghịch lý là nhiều DN có nhu cầu vẫn rất khó tuyển lao động.
Trung Nam Electronics Manufacturing Services ở Danang IT Park đang có nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng.
Hàng chục ngàn người mất việc
Đà Nẵng hiện có hơn 27.300 doanh nghiệp (DN) hoạt động với hơn 363.000 lao động. Dịch Covid-19 đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng không có việc làm, mất việc làm, đồng thời khiến cho nhiều người trong số họ buộc phải trở thành lao động phi chính thức, việc làm không ổn định. Đến nay TP có hơn 2.220 DN ngừng hoạt động và 538 DN giải thể, phần lớn thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Theo thống kê, tới cuối tháng 10-2021, Đà Nẵng có 13.886 người đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trong khi đó, số lao động tự do mất việc, thất nghiệp, đời sống gặp nhiều khó khăn lớn hơn rất nhiều, khoảng hơn 58.000 người.
Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng cho biết, TP hiện có 8 KCN (tính cả khu CNC) với 503 DN hoạt động, hơn 67.500 lao động. Tỷ lệ lao động có việc làm thời điểm dịch bùng phát tại TP đạt hơn 80% (hiện có 96 DN ở KCN ngừng hoạt động). Do TP đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch hiệu quả tại các DN nên việc làm của người lao động tại các KCN vẫn được duy trì tương đối ổn định. Tuy nhiên, đối với các DN ngoài KCN, nhất là khối du lịch, thương mại, dịch vụ… chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Hiện có 295/530 DN lữ hành, 16 khu điểm du lịch, 931/1.231 cơ sở lưu trú, khách sạn, 330/350 đơn vị xe vận chuyển và 19 đơn vị vận chuyển du lịch đường thủy đang tạm ngưng hoạt động. Đặc biệt, các đơn vị lữ hành hầu như 100% các tour du lịch đều phải hủy… Điều này đã kéo theo hàng chục nghìn lao động mất việc làm, số lao động tạm hoãn hợp đồng lao động là hơn 12.030 người, chấm dứt hợp đồng lao động là hơn 27.600 người.
Vì sao khó tuyển lao động?
Hiện nay, khi dịch bệnh tại TP đã kiểm soát, DN tại các KCN đã có nhu cầu tuyển dụng. Nguyên nhân có nhiều việc làm trong giai đoạn này đến từ việc TP khôi phục hoạt động sản xuất bình thường và quan trọng hơn cả là có rất nhiều đơn hàng từ các KCN ở nhiều địa phương khác trong cả nước dịch chuyển về Đà Nẵng do TP duy trì được sản xuất trong thời điểm dịch bệnh. Theo ông Hoàng, hiện gần 100 DN đăng ký nhu cầu tuyển dụng, như Cty Max Planing Vina, Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Cty Kad Industria SA Việt Nam, Cty CP Trung Nam Electronics Manufacturing Services… với số lượng hơn 5.000 người. Dự báo đến cuối năm khi các DN du lịch, khách sạn, thương mại, dịch vụ… phục hồi hoạt động trở lại, nhu cầu tuyển dụng của DN hơn 140.000 người.
Mặc dù nhu cầu tuyển dụng của DN lớn nhưng số lao động đáp ứng lại không đạt yêu cầu. Nguyên nhân do mức lương các DN đưa ra thấp, công việc không phù hợp, nhiều lao động có trình độ đại học, cao đẳng nhưng không đúng ngành DN đang cần, thậm chí có nhiều sinh viên trường nghề ra trường nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của DN về trình độ, chuyên môn nghề nghiệp, tác phong và ý thức lao động. Nhiều lao động có tâm lý e ngại khi tham gia ứng tuyển bởi phải đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch. Mặt khác, số lao động thất nghiệp trước đó ở Đà Nẵng, thời gian qua tiếp cận được với các gói hỗ trợ của địa phương và Chính phủ, cộng với tâm lý vẫn còn “sợ dịch” nên chưa vội tìm việc mới. Ông Hoàng cho biết, TP hiện có hơn 914 DN FDI hoạt động, đây là số DN dự báo có nhu cầu tuyển dụng lớn, tập trung ở các lĩnh vực lắp ráp linh kiện điện tử, du lịch, khách sạn nhà hàng, dệt may, da giày... hơn 17.200 người.
Nâng chất lượng lao động
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội là giải pháp quan trọng cho mục tiêu “có việc làm”. Tuy nhiên, vì đại dịch bùng phát từ tháng 5 đến nay, nhiều cơ sở giáo dục nghề gặp khó khăn, hiện mới tuyển sinh được hơn 39% (khoảng 16,4 ngàn người). DN cần người, cơ hội việc làm có sẵn, nhưng phải là lao động chất lượng, có trình độ. Ngoài ra, để tạo việc làm, ông Hoàng cho biết sẽ nâng cao chất lượng tư vấn, giới thiệu, kết nối cung cầu, đặc biệt với nhóm đối tượng lao động tự do mất việc bởi đại dịch. Sở LĐTB&XH sẽ sử dụng phần mềm kết nối giả quyết việc làm để phân tích, đánh giá cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động, dự báo nguồn nhân lực cung ứng cho thị trường lao động trước mắt và lâu dài. Sở cũng tổ chức các phiên giao dịch việc làm online, di động và định kỳ tại 3 điểm. Trong đó, sẽ chủ động nắm thông tin tình hình tuyển lao động của các DN quy mô từ 100 lao động trở lên với các yêu cầu cần thiết để kết nối với lao động. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho người lao động được chuyển đổi ngành nghề, tìm việc làm phù hợp, đặc biệt là lĩnh vực du lịch khi nền kinh tế được phục hồi, Sở sẽ mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động được đào tạo, chuyển đổi ngành nghề phù hợp, tìm việc làm ổn định.
Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, để thực hiện chương trình “có việc làm” trong giai đoạn 2021-2025 cần chú trọng tiêu chí đào tạo lại để đưa lao động sớm trở lại thị trường lao động. Phấn đấu năm 2022, đạt tỷ lệ tạo việc làm tăng thêm 4%, tỷ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo đạt 50,6%. Ngoài ra, cần tăng cường định hướng phân luồng nghề nghiệp cho học sinh, phối hợp với DN để hỗ trợ đào tạo lao động phù hợp, triển khai có hiệu quả hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm, tạo việc làm mới.
HẢI QUỲNH