Nghiện game online và những tai hại

Thứ ba, 11/01/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, có nhiều dịch vụ công nghệ truyền thông ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người. Một trong những dịch vụ hàng đầu hiện nay là các phương tiện truyền thông đại chúng và đặc biệt là sự xuất hiện của Internet. Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống mạng Internet đã góp phần đưa Việt Nam tiến nhanh vào con đường hội nhập, ngoài những mặt tích cực của Internet còn mang đến rất nhiều tác động tiêu cực như xâm nhập của các trang Web bẩn, hình ảnh, phim đồi trụy....làm ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng mà đặc biệt là Game online.

Tình trạng nghiện game online trong cộng đồng đặc biệt trong giới trẻ đang trở nên ngày càng nghiêm trọng để lại nhiều hậu quả khôn lường và như một vấn nạn trong xã hội cần được sự quan tâm của toàn xã hội hiện nay. Game online là những trò chơi trực tuyến như : MU, võ lâm truyền kỳ, kiếm thế, đột kích... là những game bạo lực đã và đang bị lên án mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và tình trạng lạm dụng game online đã bị coi là một căn bệnh trong giới trẻ hiện nay.

Người nghiện game online là những người khi chơi game nhiều lần, não bộ họ tiết ra chất edorphine (một loại nội tiết tố mang lại sự hưng phấn). Có 3 nhóm chơi game online chính, trong đó 60% chơi game để giết thời gian, 30% chơi game do bị nghiện, và 10% chơi game để kiếm thêm thu nhập. Đối tượng nghiện game online thường là giới trẻ từ 16–20 tuổi, chiếm 42,1%. Năm 2010, theo số liệu của Bộ GD-ĐT khảo sát tại 5 thành phố lớn, có 2/3 học sinh tiểu học nghiện game online, chơi từ 1–8 lần/tuần, 3/4 học sinh THPT chơi game, trong đó có 77% là game bạo lực, 9% game cờ bạc, 14% game giải trí bóng đá và các loại khác. Ở các thành phố lớn, đặc biệt là TPHCM có 4.500 điểm kinh doanh game (20% gần trường, 50% có kinh doanh thức ăn, nước uống phục vụ chơi game). Trong báo cáo về “Thị trường Game online Việt Nam” tháng 11-2008, Công ty Tư vấn, nghiên cứu về Internet và công nghệ Pearl Research dự báo đến năm 2011 số lượng người chơi game online Việt Nam sẽ vượt qua con số 10 triệu. Điều đó cho thấy thực trạng game online ở nước ta đang ngày càng nóng lên.

 Hậu quả của việc nghiện game.

Người chơi game online hơn 5 giờ đồng hồ/ngày thường không có cảm giác về thời gian, không gian. Hầu như họ không tham gia các hoạt động xã hội và có ít bạn bè, đa số chỉ có bạn trong thế giới ảo, thường xuyên không ngủ trong nhiều giờ và sử dụng ngôn ngữ, hành động trong thế giới game trong những hoạt động bình thường. Một số người nghiện game online có những biểu hiện tương tự như đối với người nghiện ma túy. Họ thường xuyên run rẩy và toát mồ hôi dữ dội khi nhìn thấy chiếc máy vi tính... Những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng nghiện game online thường do những xung đột tâm lý trong tuổi dậy thì ở thanh thiếu niên. Do sự phát triển của tâm sinh lý, các em muốn trở thành người lớn, muốn người lớn phải tôn trọng mình. Tuy nhiên nhiều người trong gia đình không quan tâm đến điều đó, cách giáo dục bằng roi vọt hoặc áp đặt suy nghĩ của mình vào trẻ khiến các em cảm thấy cô đơn, bất mãn và tham gia trò chơi như một cách thể hiện bản thân. Các em nghĩ chỉ có trong game online mình mới được tôn trọng...

Cùng với đó là các loại game thường mang lại tính kích thích rất mạnh vì có thi đấu, cạnh tranh, có thưởng. Trò chơi trực tuyến là trò chơi đóng vai và có thể trò chuyện, biểu đạt hành động của cá nhân một cách tương tác với người khác, chính vì chức năng ứng dụng với sự tương tác cao để làm người chơi cảm thấy hứng thú, có thể chia sẻ thông tin, tình cảm và được tôn trọng. Những phần thưởng trong trò chơi cũng tạo sự hứng thú kỳ lạ, người chơi được thưởng những phần thưởng ảo làm họ cảm thấy say mê vì được nhiều người tôn vinh. Sự tiêm nhiễm của trò chơi tương tự như game từ bé, việc tập nhiễm càng lâu, việc chữa trị càng khó. Các trò chơi trực tuyến đã và đang phát triển nhanh, không chỉ ở các thành phố mà cả ở vùng nông thôn, mang lại nhiều hệ lụy khó lường nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Chứng nghiện game online hay việc ngồi quá lâu trước máy vi tính hằng ngày thường để lại những dị chứng về thể xác, dùng bàn phím lâu dẫn tới những chấn thương các ngón tay, các bệnh về cột sống, tình trạng khô mắt và các phản ứng cơ thể như: mệt mỏi, căng thẳng, kém tập trung chú ý, gây ra những tác động xấu đến sự phát triển hình thể và trí não của trẻ, thậm chí có triệu chứng của rối loạn về giấc ngủ, các bệnh về thần kinh như suy nhược và cả động kinh ở những trường hợp nặng có thể gây ra sự rối loạn tâm lý và tình trạng trầm cảm. Việc nghiện game online về lâu dài sẽ để lại những khó khăn về mặt tâm thần. Nhiều trẻ em có biểu hiện về rối loạn hành vi như ăn cắp, nói dối, bỏ nhà ra đi..., nhiều em rơi vào trạng thái trầm cảm và các bệnh lý tâm can bởi stress do chứng nghiện game online mang lại. Đã có những em có hành vi hủy hoại bản thân như tự tử... Nghiện game online ảnh hưởng rất nhiều đến học tập, sức khỏe,  tinh thần của bản thân.

Chính vì thế, cha mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm con cái, quy định giờ học, giờ chơi, kiểm soát các trò chơi của con liên quan đến máy tính, hướng con đến các hoạt động vui chơi lành mạnh, tâm sự với con cái kịp thời động viên khuyến khích trong rèn luyện, an ủi, chia sẻ khi trẻ gặp khó khăn, không nên đánh đập trách mắng trẻ, khi trẻ không hoàn thành công việc, cha mẹ phải làm gương cho con cái noi theo. Các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra kịp thời xử lý các hành vi vi phạm về quy định quản lý Internet, kiểm soát giờ giấc hoạt động, kiểm soát mức độ trò chơi. Cần có sự liên kết giữa ngành giáo dục, nhà quản lý, chính quyền địa phương để có được sự quan tâm và có được tiếng nói chung trong công tác phòng chống trẻ nghiện game.  Có như thế, vấn đề này mới có thể kiểm soát được một cách hiệu quả.

Bùi Hữu Cường