Nghiện Yaba ở Bangladesh: Mặt trái của sự phát triển

Thứ ba, 08/08/2017 10:27

Yaba, loại ma túy hỗn hợp của methamphetamine, caffeine và các chất khác, bắt đầu xuất hiện và được giới trẻ thượng lưu ở Dhaka - thủ đô Bangladesh sử dụng vào khoảng năm 2006. Đến nay, loại chất gây nghiện này lưu hành ở khắp mọi nơi. Số lượng những kẻ buôn lậu bị Bộ đội biên phòng Bangladesh bắt giữ tăng đáng kể trong những năm qua. Số liệu của Cục Kiểm soát Ma túy cho thấy, số thuốc bị thu giữ trong năm ngoái là hơn 29 triệu viên, gấp 35 lần con số của năm 2010.

Một cơ sở cai nghiện ở Cox’s Bazar, Bangladesh.   Ảnh: CNN

Giống như các loại bánh kẹo, Yaba có dạng viên với nhiều hương vị khác nhau và màu sắc tươi sáng. Loại ma túy này tạo ra trạng thái siêu hưng phấn, khiến người dùng cảm thấy tràn trề năng lượng. Người sử dụng thường đun nóng viên thuốc trên giấy bạc và sau đó hít hơi từ thuốc viên nóng chảy. Họ cũng có thể nghiền viên thuốc thành bột và hít trực tiếp vào mũi. Một người nghiện yaba cho biết có thể phải dùng đến 4 viên thuốc mỗi ngày và nó giúp họ tỉnh táo trong thời gian dài.

Báo cáo năm 2015 của Văn phòng LHQ về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) chỉ ra, Myanmar được xem là nguồn cung cấp chủ yếu thuốc viên methamphetamine cho toàn tiểu vùng sông Mê Kông và một số khu vực khác ở Đông và Đông Nam Á. Báo cáo này cũng cho biết thêm, vào năm 2013, 90% số thuốc yaba bị tịch thu ở Trung Quốc có nguồn gốc từ Myanmar.

Số người nghiện tăng chóng mặt

Didarul Alam Rashed điều hành một trung tâm cai nghiện cho 24 khách hàng tại Cox’s Bazar gần biên giới với Myanmar – một dự án thuộc Tổ chức phi chính phủ vì mục tiêu quốc gia (NONGOR).

Rashed chứng kiến sự gia tăng khủng khiếp số người nghiện yaba ở Bangladesh trong những năm qua. “Chúng tôi đã khảo sát không chính thức vào năm 2002 và phát hiện 20.000 người nghiện ma túy trong huyện nhưng không ai trong số họ đã sử dụng yaba. Lúc này, loại ma túy phổ biến nhất là cỏ dại và heroin”, ông cho biết. Một cuộc khảo sát tương tự được nhóm của Rashed thực hiện vào năm 2016 cho thấy số người nghiện ma túy đã lên đến 80.000 người và khoảng 80% đang sử dụng yaba. Rashed khẳng định: “Yaba đang dần hủy hoại những người trẻ tuổi.”

Theo số liệu gần nhất được ghi nhận trong báo cáo năm 2014 của Bộ phận Kiểm soát Ma túy (DNC), ước tính có 88% người sử dụng ma túy dưới 40 tuổi. Một nghiên cứu khác tại thành phố Sylhet công bố trong năm nay cho thấy, 55% người sử dụng ma túy nằm trong độ tuổi  từ 22 -29.

Vào cuối những năm 1990, các băng nhóm ma túy ở nước láng giềng Myanmar bắt đầu chuyển từ sản xuất heroin sang yaba. Yaba tổng hợp không phụ thuộc vào các vụ thu hoạch thuốc phiện. Hơn nữa, nó nhỏ, hấp dẫn và dễ dàng buôn lậu. Các nhà sản xuất thường đóng dấu lên mỗi viên thuốc biểu tượng riêng như thương hiệu của mình. Ở Bangladesh, “R7” là phổ biến nhất. Một viên thuốc R7 có giá tới 900 taka (11 USD). Một loại khác rẻ hơn tên là Pink Champa có giá vào khoảng 300 taka (3,7 USD). Thương hiệu mạnh nhất với tên gọi “Controller” có giá vô cùng đắt đỏ lên tới 2.000 taka (25 USD).

Khi đường biên của Trung Quốc và Thái Lan bị thắt chặt, các băng nhóm cần tìm những tuyến đường mới để vận chuyển ma túy đến những nơi khác và Bangladesh. Chúng tìm đến các cảng biển bận rộn và những vùng biên giới kiểm soát lỏng lẻo. UNODC cho biết: “Mặc cho những nỗ lực ngăn chặn đã được tăng cường dọc biên giới giữa Myanmar với Trung Quốc và Thái Lan, có những dấu hiệu cho thấy những kẻ buôn bán ma túy đã chuyển hướng”.

Phá hoại giới thượng lưu

Báo cáo của DNC cho biết, yaba trở thành “biểu tượng” của sự thông minh, thời trang và quý tộc.

Rất nhiều người nổi tiếng bao gồm người mẫu, diễn viên, ca sĩ, vũ công đã bị cáo buộc lạm dụng yaba. Jeremy Douglas, đại diện khu vực của UNODC, nói rằng đến nay vẫn chưa thể xác định được quy mô chính xác của vấn đề. “Bangladesh đang dần trở thành một thị trường hấp dẫn đối với các loại tội phạm có tổ chức”, ông nhận xét. Một nguồn tin cho hay, các quan chức cấp thấp đang tham gia vào việc buôn lậu và một số bộ đội biên phòng đã nhận tiền để bọn buôn lậu đưa thuốc vào biên giới. Soman Mondal, trợ lý giám đốc cơ quan kiểm soát ma túy ở Cox’s Bazar - thị trấn đánh cá ở Bangladesh, bác bỏ cáo buộc, các nhân viên của họ tham gia vào việc phân phối ma túy. Ông cũng nói thêm rằng, văn phòng của ông đang thiếu nhân sự. Bộ đội biên phòng chỉ được trả 25 USD một tuần, thấp hơn mức thu nhập bình quân là 108 USD một tháng.

Najnin Sarwar Kaberi, thư ký của đảng Liên minh Awami thuộc Cox’s Bazar, ủng hộ một cách tiếp cận không khoan nhượng để dập tắt vấn đề yaba. “Tôi sẽ ủng hộ án tử hình cho người buôn lậu yaba và chính phủ phải tăng số lượng các cơ sở phục hồi chức năng”, bà nhấn mạnh.

AN BÌNH