Ngoại giao không gian kiểu Ấn Độ

Thứ hai, 28/07/2014 07:50

(Cadn.com.vn) - Độ vừa phóng thành công tên lửa PSLV C-23 mang theo 5 vệ tinh, công trình của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ nước này (ISRO). Tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham dự sự kiện trọng đại này, có bài phát biểu nhấn mạnh vai trò công nghệ trong việc hỗ trợ phát triển và nâng cao vai trò địa chính trị quan trọng.

Những suy nghĩ của ông Modi phù hợp với 2 trong 3 chính sách đối ngoại của New Delhi: xây dựng quan hệ với các nước lớn và khu vực yên bình, thịnh vượng. Có lẽ, lĩnh vực không gian đang phát triển có thể là công cụ hữu ích đối với chính sách đối ngoại của New Delhi.

Duy trì quyền tự chủ chiến lược

Sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, những vấn đề chung toàn cầu hiện nay là nền tảng cho hợp tác, phản ánh sự thành công của chính sách hòa giải. Mối quan hệ đối tác bắt đầu với Dự án thử nghiệm Apollo-Soyuz (ASTP) cuối cùng phát triển thành một trong những dự án hợp tác quốc tế lớn nhất, Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Hợp tác với Pháp trong lĩnh vực không gian và xây dựng tàu vũ trụ thể hiện bước cải thiện quan hệ song phương, giúp New Delhi rất nhiều. ISRO mua lại cụm phóng tên lửa của Pháp, nhận hỗ trợ kỹ thuật trong việc xây dựng hệ thống phóng phức tạp, và thực hiện hợp đồng với Arianespace của Pháp. Đây là động lực dẫn tới thỏa thuận về nhiệm vụ không gian chung Ấn-Pháp năm 2008.

Sự phát triển của Megha-Tropiques, được phóng vào năm 2011, và vệ tinh Argos và ALtika (SARAL) vào năm 2013 là kết quả của khuôn khổ đó. Trong khi Arianespace đưa vào quỹ đạo 14 vệ tinh địa tĩnh của Ấn Độ, bắt đầu với APPLE, vệ tinh thông tin đầu tiên, một thỏa thuận thương mại giữa Cty TNHH Antrix  và Astrium SAS cho phép PSLV tung ra vệ tinh SPOT-6, bên cạnh Megha-Tropiques và SARAL.

Mối quan hệ lâu dài này giúp Ấn Độ mở rộng sự hiện diện sang các nước Châu Âu khác, trong đó có Đức, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Áo, và một số nước khác. Ấn Độ có thể duy trì sự độc lập bằng cách cân bằng quan hệ với Nga và giảm phụ thuộc vào Mỹ. Điều này lần lượt giúp New Delhi duy trì quyền tự chủ chiến lược.

Một cơ sở phóng tên lửa của Ấn Độ. Ảnh: Diplomat

Một khu vực hòa bình và thịnh vượng

Kế hoạch mở rộng Hệ thống truyền hình vệ tinh khu vực (IRNSS) của ông Modi cho thấy Ấn Độ có kế hoạch sử dụng lĩnh vực không gian như một động lực cho sự phát triển khu vực.

Như vậy, các chương trình của ISRO chỉ mang mục đích dân sự. Chương trình INSAT phục vụ viễn thông, dự báo bão và lượng mưa, tìm kiếm và cứu hộ là một trong những hệ thống vệ tinh nội địa lớn nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Ngoài ra, hệ thống vệ tinh viễn thám cung cấp các ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên nước, phát triển đô thị, khảo sát khoáng sản, lâm nghiệp, tài nguyên biển trở thành thiết bị viễn thám lớn nhất thế giới. Chương trình EDUSAT kết nối 56.164 trường học tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ và đã có một vệ tinh chuyên dụng GSAT-3 cho mục đích đó. Ấn Độ cũng đã tổ chức Trung tâm Khoa học không gian và Công nghệ Giáo dục ở Châu Á-Thái Bình Dương (CSSTE-AP). 

Tuy nhiên, các tài liệu Nghiên cứu và Phân tích của Ấn Độ cho thấy, sự thờ ơ của New Delhi đối với các nước láng giềng gián tiếp giúp Trung Quốc lợi dụng tình hình. Bắc Kinh cùng với Pakistan, Bangladesh và một số quốc gia khác thiết lập Tổ chức Hợp tác không gian Châu Á-Thái Bình Dương, với các dự án chia sẻ dữ liệu, thiết lập mạng lưới thông tin liên lạc không gian, và theo dõi đối tượng không gian.

Trung Quốc đang giúp thành lập một trạm vệ tinh mặt đất cùng với sự ra mắt của một vệ tinh viễn thông vào năm 2015 cho Cty SAT Pvt. Ltd của Sri Lanka, và ký kết một thỏa thuận với Ủy ban Đầu tư của Sri Lanka cho mục đích này. Bangladesh và Maldives cũng dự kiến sẽ theo đuổi con đường tương tự. Trong khi đó, Pakistan dự kiến sẽ nhận được tín hiệu dẫn đường từ hệ thống Beidou của Trung Quốc.

Những động thái này khiến Ấn Độ phải lo lắng vì New Delhi vẫn chưa ký biên bản ghi nhớ hoặc thỏa thuận với các thành viên khác của SAARC. Hy vọng, với sự hỗ trợ của chính phủ ông Modi, ISRO sẽ đảo ngược xu hướng và chủ động trong lĩnh vực ngoại giao không gian.

An Bình
(Theo Diplomat)