Ngồi buồn nhớ má!

Thứ tư, 01/03/2023 14:46
Ngày còn học cấp một, những đêm nằm trên bộ ván, bên ngọn đèn dầu tỏa sáng cho má vá áo, tôi thường lẩm bẩm những câu thơ "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương…" của nhà thơ Nguyễn Duy. Những dòng thơ lục bát man mác điệu hồn dân tộc được tôi ngâm nga trong đêm quê yên tĩnh, ngoài sân trăng soi, gió thổi vào khung cửa sổ căn nhà ba gian cất theo kiểu cổ khiến lòng tôi êm ái lạ thường. 

Giờ thì tôi cũng ngồi đọc lại những câu thơ của Nguyễn Duy - bài thơ đã đi vào lòng bao thế hệ học trò, bao người còn sống và bao người đã khuất xa về bên kia thế giới. Nhưng không phải đọc trong không gian của một căn nhà cũ, trong cái không khí cũ, giữa mùi lúa thơm còn vương lãng đãng sân nhà, không gối đầu lên đùi má mà nghe tiếng chỉ luồng qua manh áo cũ. Tôi đọc những dòng thơ "Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác…" giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống, giữa những ước mơ, sự gọi mời của danh vọng hão huyền một thời tôi trưởng thành. Hình bóng má lùi lại ở mảnh vườn, góc sân quê nhà, trong căn nhà ba gian cũ kỹ nơi tôi từng lớn lên và có một tuổi thơ thật yên bình. Căn nhà nằm nghe nắng mưa, nghe thời gian trôi qua từng ngói gạch…

Năm tháng trôi qua, những trải nghiệm văn chương của tôi cũng dày lên chứ không còn là cái xúc cảm ngây thơ, hồn nhiên như những năm xưa ấy. Mỗi lần đọc lại bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa của Nguyễn Duy, lòng tôi lại dấy lên nỗi niềm rất khác. Ngày ấy, tôi không thể hiểu được cảm giác nhớ má khắc khoải, đau đáu đến độ nào, trừ những ngày má để tôi ở nhà với bà và đi đâu đó năm ba hôm rồi về, tay mang rủng rỉnh quà bánh. Ngày lên thành phố học đại học, một đêm buồn ngồi đọc lại bài thơ tôi đã thuộc nằm lòng, tự dưng nước mắt tôi trào ra. Trong căn phòng trọ chật chội, ngột ngạt, hình bóng quê hương và tiếng nói trầm ấm của má trở thành niềm khát khao cháy bỏng trong tôi. Ôi, tôi muốn được trở lại quê xưa, được sống những ngày vui nhất đời, bên bà, bên má, bên cánh đồng tuổi thơ mùa mạ non xanh rờn hay mùa lúa vàng rực rỡ. Má nói: "Con còn có một trời ước mơ. Hãy mạnh mẽ lên, để thực hiện giấc mơ của chính mình!". Tôi lại bước đi trên con đường mà mình đã lựa chọn.

Bây giờ, mỗi chiều ngồi đọc bài thơ năm ấy, tôi không còn khóc òa như cái hôm ngồi co ro trong phòng trọ, khóc rồi tự lau nước mắt cho mình, mong đợi đến kỳ nghỉ để được về nằm trong vòng tay an lành của má. Hình như khi càng lớn lên, nỗi buồn không còn khiến cho người ta phải vỡ òa nức nở nữa. Niềm ước ao khi tôi đã trưởng thành không còn là những chuyến đi xa, khi những chuyến đi ít nhiều khiến đôi chân tôi mỏi, những miền đất lạ dẫu hấp dẫn nhưng không phải là nơi lưu giữ quá nhiều những ký ức đẹp mà tôi sẽ mang theo suốt cả cuộc đời. Giấc mơ lớn nhất trong tôi lúc này, có lẽ là gác lại mọi muộn phiền lắng lo, những hơn thua được mất, ngủ một giấc thật say để rồi khi thức dậy thấy mình nằm trên bộ ván trong căn nhà ba gian đã nhuốm màu rêu phong, nghe gió thổi qua ô cửa nơi ngày nhỏ tôi thường thò đầu ra ngắm hoa thanh long nở mỗi sớm mai thức giấc. Tôi được nằm trên đùi của má, má vá áo cũ, tôi đọc thơ Nguyễn Duy, vẫn là bài thơ năm xưa bao nhiêu tháng năm vẫn khiến tim tôi bồi hồi xúc động.

Và má tôi, người phụ nữ hiền lành, tảo tần ấy vẫn còn giữ trên khuôn mặt những nét trẻ trung, giữ trên mái tóc bới gọn sau gáy màu đen tuyền chứ không phải màu của sương gió, của thời gian như hiện tại.

"Cái cò sung chát đào chua/ Câu ca mẹ hát gió đưa về trời/ Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không quên được những lời mẹ ru…"

Trong một câu chuyện kể nào đó, với một ai đó, hay với chính tâm hồn mình, tôi sẽ bắt đầu bằng một bóng hình thân thương máu thịt: Ở một miền quê xa lắc, bên dòng sông nhỏ, bên cánh đồng bình yên hương lúa, có má tôi mỏi mắt đợi con về…

Hoàng Khánh Duy