Ngôi làng biệt thự ngang nhiên xây dựng trên đất rừng có chủ

Thứ năm, 29/10/2020 20:00

Từ năm 2017 đến nay, tại tiểu khu 268 thuộc thôn Định An, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, đã và đang hình thành một ngôi làng, với hàng chục căn nhà trái phép. Thậm chí khu vực này còn được mở đường nội bộ, xây dựng hệ thống cấp điện riêng và dựng tấm biển kiên cố rất lớn với cái tên "Làng nghề Bonsai Darahoa". 

Hơn 50 ngôi nhà đã được xây dựng trái phép trong khu vực.

Kinh ngạc hơn khi biết được phần đất của ngôi làng này thuộc địa phận đất lâm nghiệp đã được giao cho doanh nghiệp quản lý, bảo vệ từ 30 năm nay. Doanh nghiệp này đã nhiều lần kêu cứu tới các cấp chính quyền vì bị chiếm đất, phá rừng, nhưng ngôi làng vẫn đang ngang nhiên hối hả xây dựng từng ngày.

Ngôi làng trái phép

Những ngày cuối tháng 10 này, có mặt tại tiểu khu 268, dưới chân núi Voi, bên cạnh Khu Du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm (cách trung tâm thành phố Đà Lạt hơn 10km), phóng viên chứng kiến cảnh rầm rộ thi công nhà cửa, mở đường bằng xe cơ giới như một đại công trường. Theo quan sát, khu vực này có khoảng 50 căn nhà, chủ yếu là nhà bằng gỗ xây dựng kiểu biệt thự, nằm trải dài theo triền đồi, dọc hai bên con đường mới nối từ hồ Tuyền Lâm, thành phố Đà Lạt xuống chân đèo Prenn ở H. Đức Trọng.

Tại một trong những con đường dẫn vào làng, xuất hiện một tấm biển rất lớn và kiên cố bằng thép với nội dung: "Làng nghề bonsai Darahoa" trực thuộc Hội Sinh vật cảnh Lâm Đồng và Hội Lá kim Việt Nam. Tiếng là khu vực dành cho đồng bào dân tộc K'Ho định canh chứ không phải nơi ở cố định, nhưng tại khu vực này, nhiều ngôi nhà xây dựng kiên cố đã mọc lên. Trên các con đường vào làng, hàng chục chiếc xe du lịch đắt tiền, với biển số của nhiều tỉnh thành đậu la liệt. Tiếng máy cưa, máy xẻ thi công nhà cửa, tiếng máy xúc mở đường rộn rã, như thể đây là một công trường xây dựng, chứ không phải diện tích đất lâm nghiệp đã có chủ bị lấn chiếm. Để thuận tiện cho việc chuyên chở vật liệu xây dựng, một số tuyến đường đổ đá cấp phối cũng được hình thành dọc hai bên tuyến đường nhựa hiện hữu. Cùng với đó, một hệ thống điện hạ thế được hình thành để cung cấp điện cho cả khu vực này. Mặc dù nơi đây là đất lâm nghiệp, thuộc đối tượng rừng sản xuất và không cho phép con người được sinh sống tại khu vực này.

Cách đây hơn 1 năm (vào khoảng tháng 5-2019), phóng viên đã từng đến, chứng kiến nơi này chỉ là rừng và những rẫy cà phê, vài căn chòi canh rẫy của đồng bào K'Ho mọc lẩn khuất lác đác trong đó. Vậy mà chỉ sau hơn 1 năm trở lại, toàn bộ khu vực này đã hoàn toàn lột xác, mọc lên hàng chục căn nhà kiểu dáng biệt thự. Nhiều căn vẫn đang hối hả xây dựng. Đáng chú ý là nhiều căn nhà khóa cửa để đó, không biết chủ là ai.

Qua những tài liệu mà phóng viên có được: Tiểu khu 268 là một phần trong tổng số 355,3ha đất rừng được UBND tỉnh Lâm Đồng giao Công ty Cổ phần du lịch sinh thái Phương Nam, thành phố Đà Lạt, quản lý, bảo vệ, trồng khoanh nuôi, làm giàu rừng kết hợp xây dựng khu du lịch dã ngoại Phương Nam từ năm 1992. Đến năm 1998, Công ty lập dự án định canh, định cư cho làng dân tộc Darahoa thuộc xã Hiệp An và được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt theo quyết định 765/QĐ-UB ngày 24-2- 1999 với quy mô 30 hộ/166 khẩu, 85 lao động. Sau khi được phê duyệt, Công ty đã giao đất tại tiểu khu 268 cho các hộ dân để sản xuất nông nghiệp, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, kể từ thời điểm mở đường đấu nối hồ Tuyền Lâm với cao tốc Liên Khương-Prenn đã phát sinh tình trạng người nơi khác đến mua bán, chuyển nhượng đất trong dự án và xây dựng nhà trái phép như hiện nay.

Theo một người dân tộc bản địa có đất sản xuất tại tiểu khu 268, trước đây, hầu hết người dân được phía Công ty giao cho đất sản xuất nông nghiệp. Nhưng hiện nay, nhiều diện tích đất tại khu vực này đã được bán lại, sau đó họ dựng nhà lên rất đẹp nhưng chúng tôi cũng không biết cụ thể là ai.

Biển hiệu kiên cố cũng được các đối tượng lấn chiếm dựng lên.

Chủ rừng bất lực, chính quyền loay hoay

Liên quan đến tình trạng này, ông Nguyễn Đức Phúc - Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch sinh thái Phương Nam cho biết từ năm 2017, sau khi mở tuyến đường đấu nối Khu Du lịch Hồ Tuyền Lâm với đường cao tốc Liên Khương-Đà Lạt, đơn vị đã phát hiện ra việc mua bán trái phép đất lâm nghiệp giữa người dân với một số đối tượng từ bên ngoài vào mua và xây dựng công trình trái phép. Công ty đã nhiều lần vận động, yêu cầu tháo dỡ các công trình vi phạm nhưng các chủ công trình không ra mặt. Công ty đã báo cáo chính quyền địa phương đề nghị hỗ trợ giải tỏa. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tình trạng xây dựng trái phép trên đất dự án ngày càng phức tạp, số lượng công trình trái phép ngày càng nhiều lên. Trong khi đó, việc quản lý, bảo vệ đất trong dự án của nhân viên công ty thường xuyên bị các đối tượng lạ mặt đe dọa hành hung.

Theo ông Nguyễn Đức Phúc: "Tình trạng khu vực này trở thành một ngôi làng là quá sức tưởng tượng đối với doanh nghiệp, chúng tôi chỉ biết có vào đây mua đất làm nhà nhưng cụ thể ở đâu, là ai thì chúng tôi không biết được. Chúng tôi kêu cứu nhiều nơi và cũng tổ chức giải tỏa vài lần nhưng không thành công nên giờ tôi chỉ đề nghị chính quyền vào cuộc điều tra làm rõ...".

Trong khi đó, theo báo cáo ngày 2-10 vừa qua của UBND xã Hiệp An, qua kiểm tra tại khu vực khoảnh 3, khoảnh 6 (tiểu khu 268) đã xảy ra tình trạng tác động, san gạt mặt bằng và xây dựng 15 công trình trái phép trên đất lâm nghiệp. Các đối tượng vi phạm đã tự ý lắp đặt hệ thống điện trung thế dẫn từ hướng thành phố Đà Lạt nhằm phục vụ các công trình vi phạm, ngoài ra hệ thống đường mòn trước đây đã được cải tạo, mở rộng mặt đường trung bình 4m. UBND xã đã lập hồ sơ đề nghị UBND huyện ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được 3 công trình và đề nghị ban hành quyết định cưỡng chế, xử phạt hai trường hợp san gạt mặt bằng chiếm đất.

Do các chủ thể vi phạm đều chưa được xác định, chính quyền xã gặp khó khăn trong việc lập hồ sơ xử lý. Đến ngày 26-10 vừa qua, UBND xã Hiệp An tiếp tục ban hành 9 thông báo tìm chủ thể công trình vi phạm xây dựng trên đất lâm nghiệp tại Tiểu khu 268 để có hướng xử lý. Thông báo này nêu rõ, trong thời gian 15 ngày kể từ ngày ban hành, nếu các tổ chức, cá nhân là chủ thể của các công trình không đến liên hệ giải quyết, chính quyền địa phương sẽ tổ chức giải tỏa trả lại hiện trạng ban đầu. Mọi thiệt hại đối với các công trình trong quá trình giải tỏa, UBND xã Hiệp An sẽ không chịu trách nhiệm.

Trao đổi qua điện thoại, ông Hồ Hữu Hiếu - Chủ tịch UBND xã Hiệp An cho biết trong tháng 11 tới, xã sẽ thực hiện cưỡng chế một số trường hợp vi phạm tại khu vực tiểu khu 268. Đồng thời, đối với hệ thống đường điện, địa phương đã đề xuất ngưng cấp điện cho khu vực này để hạn chế việc xây dựng trái phép tại đây. "Địa phương sẽ xử lý quyết liệt, chứ không để tình trạng này kéo dài bởi hầu hết các công trình xây dựng trong khu vực này đều trái phép", ông Hiếu nhấn mạnh.

Ai là chủ thật sự của "ngôi làng biệt thư " trên đất rừng?

Theo UBND xã Hiệp An, hơn 50 ngôi nhà xây dựng trái phép trên đất rừng, hiện nay thuộc dự án của Công ty Cổ phần du lịch sinh thái Phương Nam (Đà Lạt). Công ty này đã nhiều lần gửi đơn đến chính quyền các cấp kêu cứu vì xảy ra tình trạng lấn chiếm, mua bán đất thuộc dự án để xây dựng nhà trái phép trên diện tích khoảng 45ha.

Một cán bộ thôn Định An cho biết thêm, từ khi tỉnh Lâm Đồng mở đường nối từ chân đèo Prenn vào Khu Du lịch Quốc gia Hồ Tuyền Lâm, hiện tượng mua bán đất và xây dựng trái phép tại tiểu khu 268 đã xảy ra. Trong số 54 ngôi nhà trên đất lâm nghiệp tại tiểu khu 268, chỉ có 5-7 ngôi nhà của đồng bào dân tộc, còn lại của những người từ thành phố Đà Lạt và nơi khác đến mua đất của đồng bào dân tộc rồi xây dựng nhà trái phép.

Tình trạng người từ các tỉnh thành đổ tới mua đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số đã xảy ra từ nhiều năm nay và là tình trạng chung của các tỉnh Tây Nguyên. Một vòng luẩn quẩn cứ xảy ra, khi người từ nơi khác đến mua đất do người bản địa phá rừng mà có, đẩy họ lên phá rừng tiếp... Vậy nhưng cả một ngôi làng được xây dựng ồ ạt trước mắt chính quyền địa phương, thậm chí đưa cả máy móc vào thi công, dựng biểu hiệu cao lớn, kiên cố. Các đối tượng trên còn kéo được cả đường dây trung thế, cung cấp điện cho ngôi làng trái phép. Trong khi đó, đơn vị chủ rừng long đong chạy khắp nơi, kêu cứu các cấp chính quyền để bảo vệ diện tích đất rừng mình được giao bảo vệ mà không nhận được sự hồi đáp.

QUỐC HÙNG-NGUYỄN DŨNG