Ngổn ngang trước năm học mới
* Kỳ 1: Nỗi lo chuyện trường, chuyện lớp
(Cadn.com.vn) - Ngày 24-8 tới đây, tất cả HS ở các cấp bậc học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (TPĐN) sẽ chính thức bước vào năm học mới 2015-2016. Sở GD-ĐT TP cho biết, về cơ bản đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, phòng học cần thiết để phục vụ năm học mới; toàn TP không có phòng học ca ba. Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, hiện vẫn còn một số trường học đang trong giai đoạn hoàn thiện việc xây dựng, nâng cấp, sửa chữa. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cũng như việc tựu trường của HS, đặc biệt là HS đầu cấp trong mấy ngày vừa qua.
Sáng 18-8, đường dây nóng Báo Công an TP Đà Nẵng tiếp nhận phản ánh của một số phụ huynh (PH) có con đang theo học tại Trường TH Hoàng Văn Thụ cho biết, họ vừa nhận được thông báo từ nhà trường (trích nguyên văn): "HS không tựu trường được theo lịch đã thông báo (ngày 7-8 - P.V). Bắt đầu học luôn tuần 1 vào ngày 24-8-2015: khối 1-2-3 vào lớp lúc 7 giờ 20; khối 4-5 vào lớp lúc 13 giờ". Trong tâm trạng đầy âu lo, một PH bộc bạch: "Tôi đi ngang qua trường học của con, thấy dãy phòng học chính của trường xây dựng vẫn chưa xong. Sân trường ngổn ngang vật liệu xây dựng, không biết đến cuối tuần này có kịp bàn giao để đầu tuần sau các cháu nhập học được không. Thiệt tình, tôi lo quá!"...
Trường TH Hoàng Văn Thụ ngổn ngang vật liệu xây dựng (ảnh chụp sáng 18-8). |
Nhà trường vất vả công tác chuẩn bị
Có mặt tại Trường TH Hoàng Văn Thụ sáng 18-8, mới thấy được nỗi lo của PH cũng như tâm trạng các thầy, cô giáo là hoàn toàn có cơ sở. Tiếp chúng tôi trong sân trường ngổn ngang vật liệu xây dựng, Hiệu trưởng Cao Hữu Công âu lo cho biết, một tháng nay, nhà trường rất vất vả do không có nơi để họp hội đồng sư phạm nhằm triển khai một số công việc chuẩn bị cho năm học mới. Nhà trường đã phải 2 lần mượn tạm Trường TH Phan Thanh để tổ chức họp hội đồng sư phạm.
Qua Hiệu trưởng Cao Hữu Công, được biết, ngay từ giữa tháng 5-2015, khi năm học 2014-2015 chưa kết thúc, nhà trường đã cố gắng thu xếp việc dạy học để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công xúc tiến việc triển khai xây dựng 12 phòng nhằm phục vụ cho năm học mới, đáp ứng việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày của nhà trường. Theo thiết kế, dãy phòng học nằm ngang gồm 8 phòng học cũ được đập ra để xây dựng thành 12 phòng học mới với 4 tầng, dự kiến đến 15-8 sẽ bàn giao công trình.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công do có một số trục trặc nhất định nên thời gian bàn giao công trình buộc phải lùi lại đến ngày 23-8. Đó chính là lý do khiến việc tựu trường theo kế hoạch đề ra không thực hiện được. Cũng theo Hiệu trưởng Cao Hữu Công, để không "trật" chương trình khung, từ ngày 24-8 đến 5-9, HS của các khối học sẽ học 1 buổi/ngày, sau ngày 5-9 nhà trường mới triển khai việc học 2 buổi/ngày. Hiệu trưởng Cao Hữu Công chia sẻ thêm, với tình hình như hiện nay, công tác chuẩn bị cho năm học mới của nhà trường quả là hết sức vất vả…
Nhiều PH có con theo học tại Trường TH Võ Thị Sáu mới tách ra từ Trường TH Ngô Sĩ Liên bức xúc với cơ sở tạm thuê để dạy-học trong 3 tháng chờ trường mới xây dựng xong. |
Phụ huynh bức xúc
Cũng trong sáng 18-8, rất nhiều phụ huynh có con học tại Trường TH Võ Thị Sáu (vừa được tách ra khỏi Trường TH Ngô Sĩ Liên, Q. Liên Chiểu, do quá tải, không đảm bảo việc học 2 buổi/ngày) vô cùng bức xúc khi chứng kiến cảnh ngôi trường vừa được thành lập theo Quyết định số 1773/QĐ ngày 15-4-2015 của UBND Q. Liên Chiểu lại là 21 phòng học được thuê tạm trong 3 tháng của KTX trường Trung học Bưu Điện để chờ xây trường mới. Trong khi đó, đến 20-8, trường TH mới tọa lạc tại tổ 190 P. Hòa Minh (Liên Chiểu) mới chính thức khởi công xây dựng.
Phó Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu, Nguyễn Thanh Chương cùng Trưởng Phòng GD-ĐT Lê Văn Nghĩa đã đích thân đến gặp gỡ, tiếp xúc nhằm giải tỏa khúc mắc, âu lo cho các PH. Mặc dù Phó Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu Nguyễn Thanh Chương cam kết là sẽ đôn đốc nhà thầu khẩn trương xây dựng Trường TH Võ Thị Sáu, hoàn thành giai đoạn 1 trong 3 tháng tới để đưa HS về trường mới, nhưng rất nhiều PH không an tâm vì cho rằng cơ sở đang thuê tạm tại trường Bưu điện không đảm bảo điều kiện để HS học tập.
Trong tâm trạng đầy bức xúc, một PH phát biểu ý kiến: "Chúng tôi đồng ý chủ trương tách trường nhưng sao trong thời gian trường mới chưa xây không để cho con em chúng tôi tiếp tục học tạm ở trường cũ (TH Ngô Sỹ Liên). Sĩ số lớp cao một chút nhưng điều kiện trường học an toàn, đúng quy chuẩn, chúng tôi an tâm hơn. Hoặc bố trí nơi học tạm khiến chúng tôi an tâm hơn chỗ thuê tạm hiện nay, xa gần mấy chúng tôi cũng chịu được. Chúng tôi muốn an lòng khi đưa con em đến trường!".
Qua tìm hiểu, được biết, nếu năm học 2015-2016 không tách trường thì Trường TH Ngô Sĩ Liên sẽ quá tải trầm trọng với 1.530 HS, 42 lớp học. Trong khi đó, cơ sở của trường chỉ có 21 phòng học. Nếu không tách trường và để thực hiện việc học 2 buổi/ngày theo chủ trương của TP, sĩ số HS/lớp của năm học này trung bình trên 70HS/lớp.
Chính vì sự quá tải này nên ngành GD-ĐT Q. Liên Chiểu đã lập đề án xin tách trường nhằm đảm bảo sĩ số HS/lớp và thực hiện việc chủ trương học 2 buổi/ngày đối với HS bậc tiểu học. Đây là một nỗ lực lớn của ngành GD-ĐT Q. Liên Chiểu và chính quyền địa phương. Bởi lẽ, từ nhiều năm nay, Liên Chiểu là một trong những địa phương luôn gặp khó khăn trong việc tổ chức học 2 buổi/ngày cho HS bậc TH do thiếu cơ sở vật chất. Sự nỗ lực đó là đáng ghi nhận.
Qua trao đổi với ông Dương Thành Thị- Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu, được biết, theo kế hoạch ban đầu không hề có việc thuê trường. Tuy nhiên, do các thủ tục liên quan đến việc đầu tư, xây dựng bị chậm mất 3 tháng (điều này hoàn toàn phụ thuộc ở các cấp TP) nên buộc quận phải có chủ trương thuê tạm một số phòng học ở trường TH Bưu Điện để tổ chức việc tách trường trong khi chờ Trường TH Võ Thị Sáu xây xong.
Để xảy ra việc một số PH chưa nắm rõ thông tin phải tạm thuê cơ sở để học trong 3 tháng chờ trường mới xây xong là có một phần lỗi trong công tác tuyên truyền đến với PH chưa sâu, nhưng theo ông Thị, PH cũng nên chia sẻ với những khó khăn và thấy được sự nỗ lực mà chính quyền và ngành GD đã làm trong thời gian qua nhằm giảm tải sự quá tải cho Trường TH Ngô Sĩ Liên... Ông Thị cam kết, dù là cơ sở thuê tạm trong vài tháng, nhưng Q. Liên Chiểu sẽ đảm bảo trước 25-8 sẽ chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, điều kiện tốt nhất để phục vụ việc dạy-học tại đây, kể cả về nhân sự, GV cũng sẽ ưu tiên trước…
Tương tự, Trường TH Lý Tự Trọng (Q. Hải Châu) trong ngày đầu tổ chức gặp PH sáng 18-8 cũng gặp phải phản ứng khá gay gắt. Theo Công văn số 1202 của UBND TP ký ngày 11-2-2015, bắt đầu từ năm học 2015-2016, Trường TH Bán công năng khiếu Đà Nẵng được chuyển đổi sang loại hình Trường TH công lập với tên gọi là Trường TH Lý Tự Trọng. Tuy nhiên, do trong năm học này, Trường TH Lý Tự Trọng và Nhà Thiếu nhi vẫn sử dụng chung cơ sở vật chất nên trong quá trình bàn giao đã có sự ì xèo. Điều này dẫn đến việc có nhiều PH đến ngày 18-8 mới biết trường được chuyển đổi loại hình.
Theo phản ánh của đa số PH có con em theo học tại ngôi trường này (trước khi chuyển đổi) thì sự chuyển đổi, thay đổi này quá nhanh, không có lộ trình chuẩn bị chu đáo nên khiến PH bị sốc và bất bình, nhất là khi họ được nghe nhà trường thông báo việc học năng khiếu được thực hiện sau giờ hành chính của buổi thứ 2 (sau 16 giờ chiều). Mặc dù, ai cũng hiểu rằng, khi được chuyển đổi sang loại hình trường công lập PH không phải nộp tiền học phí hằng tháng cho con, sẽ giảm đi được rất nhiều chi phí.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, ngoài Trường TH Võ Thị Sáu (Liên Chiểu) sẽ triển khai xây dựng trong tháng 8 này, Trường TH An Khê (Q. Thanh Khê) được xây dựng mới nhằm góp phần giảm sự quá tải của Trường TH Bế Văn Đàn sẽ chưa tuyển sinh trong năm học mới này do phải đến cuối tháng 10-2015 mới hoàn thành cơ bản việc xây dựng của giai đoạn 1... Một số trường học khác trên địa bàn TP được đầu tư xây dựng mới, sửa chữa hoặc nâng cấp một số phòng học đang trong giai đoạn nước rút để hoàn thành trước ngày khai giảng 5-9.
Vì sao cứ bước vào năm học mới lại rộ lên chuyện trường, chuyện lớp, chuyện cơ sở vật chất không đảm bảo cho điều kiện dạy-học? Ngành GD-ĐT từ cấp quận, huyện đến TP đã phải đương đầu trước dư luận về vấn đề này. Trong khi thực tế, đối với vấn đề cơ sở vật chất, ngành GD-ĐT chỉ là "chìa khóa trao tay", không phải là đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm về vấn đề này?
Phan Thủy
* Kỳ 2: Cần có lộ trình, phân kỳ đầu tư