Người Đà Nẵng thu gom pin đã qua sử dụng để bảo vệ môi trường

Thứ năm, 20/12/2018 11:56

Mặc dù có kích thước nhỏ gọn nhưng những viên pin đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống con người, tuy nhiên bên trong đó cũng là một “mỏ” hóa chất độc hại. Trong pin thường có các kim loại nặng như chì, thủy ngân, Cadmium và Asen hay còn gọi là thạch tín… đây là những chất cực độc, nguy hiểm cho não, thận, tim mạch và khả năng sinh sản của con người.

Mỗi người hãy thay đổi thói quen sử dụng, phân loại pin để bảo vệ sức khỏe chính mình.

Thông thường, mỗi gia đình thường có rất nhiều vật dụng dùng pin như đồng hồ, điều khiển tivi, điện thoại di động, đồ chơi trẻ em... Sau một thời gian, số lượng pin đã qua sử dụng bị thải ra môi trường là tương đối lớn, nếu không được phân loại, tiêu hủy đúng quy trình sẽ trở thành mối nguy hại cho môi trường và sức khỏe con người. Xuất phát từ tác hại lớn của những viên pin nhỏ, nhiều người dân Đà Nẵng có ý tưởng thành lập những điểm thu gom pin ngay tại nhà mình.

Tuy bận rộn với nghề môi giới bất động sản nhưng một lần tình cờ đọc được tác hại của pin trên mạng internet, anh Nguyễn Tấn Lộc, số 15 Phan Anh, P. Khuê Trung, Q.Cẩm Lệ quyết định chia sẻ lên facebook và lấy nhà mình làm địa điểm để mọi người tập kết pin đã qua sử dụng. Anh cũng khá bất ngờ vì “trạng thái” này nhận được sự phản hồi tích cực, thậm chí, nhiều người ở Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng liên hệ anh để giao pin. Hiện tại, có khá nhiều “đơn đặt hàng”, tuy nhiên khoảng cách xa nên anh cũng chưa thể đi “từng ngõ, gõ từng nhà” để nhận pin được.

Cũng giống như anh Lộc, anh Hồ Viết Bình nhận thấy việc vứt bỏ pin đã qua sử dụng ra môi trường là rất nguy hiểm nên đã liên hệ với chương trình “Việt Nam tái chế” chuyên thu gom và xử lý rác thải điện tử ở Hà Nội để được tư vấn. Sau khi tìm hiểu, anh quyết định chọn quán cà phê BYM của mình ở địa chỉ 45 Hoàng Tích Trí, P.Thuận Phước, Q.Hải Châu làm nơi để thu gom pin. “Ngoài thu gom pin giúp mọi người, anh cũng muốn quán  cà-phê của mình trở thành điểm hẹn của những người vì môi trường. Quán của anh rất hạn chế sử dụng ly, ống hút nhựa mà chỉ dùng ly phân hủy được từ xác cây mía và ống hút tre thân thiện môi trường”, anh Bình chia sẻ thêm.

Với khẩu hiệu “Hãy bỏ pin cũ vào hộp, để tôi giúp bạn mang nó đi hủy”, một hộp nhựa được làm cẩn thận, có các câu khẩu hiệu tuyên truyền được đặt ở vị trí dễ nhìn trước cổng nhà số 53 Phan Kế Bính, P. Thuận Phước, Q.Hải Châu để ai tiện đường đi cũng có thể ghé qua bỏ pin vào hộp. Tuy nhiên, không phải khi nào các hộp hay địa điểm thu gom cũng “no” pin. Rất ít người có ý thức gom pin cũ, khi không còn giá trị sử dụng, nhiều người có thói quen vứt bừa bãi hoặc ném vào thùng rác, thậm chí còn để cho trẻ con lấy làm đồ chơi.

Hộp đựng pin cũ được đặt ở vị trí thuận tiện để mọi người dễ dàng bỏ vào ở địa chỉ 53 Phan Kế Bính.

Qua tìm hiểu, sau khi thu gom được nhiều, anh Lộc và anh Bình sẽ mang số pin này chuyển đến thùng thu gom pin đã qua sử dụng đặt tại tầng 2, siêu thị Big C Đà Nẵng (255-257 Hùng Vương, Q.Thanh Khê). Đại diện siêu thị Big C cho biết, toàn bộ pin thu gom được sẽ tập trung chuyển vào TP Hồ Chí Minh, nơi có nhà máy xử lý chuyên dụng, đảm bảo quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường.

Khi được hỏi, nhiều người dân rất ủng hộ hành động này tuy nhiên quá ít điểm thu gom nên cũng “làm biếng”. Chị Tâm An, đề xuất mỗi khu phố, khu nhà chung cư nên đặt hộp thu gom pin ở nơi dễ nhìn thấy và đông người qua lại như cổng chào, cầu thang bộ…để tiện lợi cho người dân. Tổ trưởng hoặc Nhà trưởng sẽ là người thu vén đưa pin đến nơi xử lý an toàn. Không tốn kém và mất quá nhiều thời gian, lại thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu khu dân cư.

Ngoài việc thu gom pin đã qua sử dụng, anh Lê Văn Phúc đề xuất giảm số lượng pin thải ra môi trường bằng cách mua loại pin 3A sạc, tuy đắt tiền (khoảng 200 ngàn đồng - 400 ngàn đồng) nhưng sạc được khoảng 1000 lần, sẽ tiện lợi trong việc sử dụng rất nhiều lần, không cần phải bỏ đi sau khi pin cạn. Loại pin sạc này chủ yếu dùng cho đồng hồ treo tường và đồ chơi trẻ em.

Mặc dù mới manh nha nhưng hy vọng “phong trào” đặt hộp thu gom pin sẽ được nhiều người ủng hộ, hy vọng sẽ có thêm nhiều địa chỉ, hộp đựng pin được đặt. Đây tuy là hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng. Sự thay đổi ý thức và thói quen sử dụng pin của mỗi người dân thể hiện trách nhiệm chung tay cùng chính quyền xây dựng thành phố môi trường.

MAI VINH

Lượng Thủy ngân (Hg) có trong một viên pin cũng có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1 mét khối đất trong 50 năm. Khi xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống hoặc hít thở, thủy ngân thể gây hại não, thận, hệ thống sinh sản và tim mạch…

Chì (Pb) có trong pin có thể gây rối loạn hoặc ngưng các phản ứng sinh hóa diễn ra bình thường trong cơ thể. Nó gây còi xương, chậm lớn ở trẻ, huyết áp cao đối với người lớn, tổn hại máu và xương, gây chứng mất trí và giảm khả năng suy nghĩ, giảm sinh tinh, thậm chí là vô sinh, giảm chức năng của thận…

Trong thành phần của pin có Cadimi (Cd), hít thở phải bụi có chứa cadimi nhanh chóng dẫn đến các vấn đề đối với hệ hô hấp và thận, có thể dẫn đến tử vong. Nuốt phải một lượng nhỏ cadimi có thể phát sinh ngộ độc tức thì và tổn thương gan, thận. Các hợp chất chứa cadimi cũng là các chất gây ung thư.

Ngoài ra, còn có rất nhiều chất khác có trong pin gây nguy hiểm cho con người.