Người dân có xu hướng quay lại gửi tiết kiệm

Thứ bảy, 26/11/2022 09:50
Từ đầu năm đến nay, nhìn chung, thị trường chứng khoán giảm mạnh, vàng và ngoại tệ lên xuống không ổn định, bất động sản sụt giảm cả về giá lẫn giao dịch khiến cho các kênh đầu tư này kém hiệu quả. Do vậy, ngày càng có nhiều người dân quay trở lại gửi tiết kiệm, xem đây là kênh đầu tư hiệu quả và an toàn trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng tăng cường cạnh tranh thu hút tiền gửi tiết kiệm bằng nhiều hình thức như: nhận gửi tiết kiệm online, nhận gửi tiết kiệm tại nhà, tặng quà hấp dẫn khi gửi tiết kiệm, v.v…, đặc biệt là tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

Chị Trần Thị Ngọc, ở P.Tân Chính (Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng), chuyên mua bán nhà đất tự do, bộc bạch: "Sau tết Nhâm Dần - 2022, có một đợt giá bất động sản tăng lên, thấy lãi được vài trăm triệu so với lúc mua, tôi liền bán lô đất ở Hòa Xuân hơn 4 tỷ đồng và bỏ vào tài khoản ngân hàng chờ tìm mua lại nhà đất để kinh doanh. Tuy nhiên, sau đó, thị trường bất động sản ngày càng có xu hướng giảm và dự báo tiếp tục tình trạng này sang cả năm 2023 nên tôi quyết định rút tiền từ tài khoản sang gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 năm để kiếm tiền lãi sẽ hiệu quả hơn so với bỏ tiền vào "nằm chết cứng" trong bất động sản giai đoạn này". Chị Ngô Thị Kim, ở P.Hải Châu I (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng), chia sẻ thêm: "Tôi làm kế toán nên cũng tiết kiệm được một khoản tiền. Thường thì tôi vẫn gửi tiết kiệm dài hạn, có khoản gửi 6 tháng, có khoản gửi 1 - 2 năm. Tôi rất sợ đầu tư vào các kênh khác như: chứng khoán hay trái phiếu của các doanh nghiệp vì mình không hiểu nhiều về những lĩnh vực này nên tôi nghĩ gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng là ổn định nhất. Thêm nữa, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng thực hiện một số đợt tăng lãi suất làm tăng lợi ích cho người gửi tiền".

Khảo sát tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP Đà Nẵng cho thấy, hiện nay, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng đã tăng từ 1 - 2% so với thời điểm đầu năm 2022. Tại BacABank, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng - 11 tháng hiện ở mức 8,7%/năm, với số tiền gửi trên 1 tỷ, lãi suất kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng này tăng thêm 0,5%/năm lên 8,9%/năm. Ở VietABank, lãi suất cao nhất lên mức 9,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng và 24 tháng khi khách hàng gửi trực tuyến. Nhiều ngân hàng tư nhân khác cũng nhảy vào cuộc đua tăng lãi suất huy động tiền gửi để cạnh tranh thu hút người gửi tiền. Đơn cử, tại NCB, lãi suất cao nhất lên tới 9,4%/năm dành cho khách hàng gửi tiết kiệm online, kỳ hạn từ 15 tháng trở lên. Tại DongABank cũng áp dụng mức lãi suất cao 9,4%/năm dành cho khách hàng gửi tiết kiệm trên 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng. Với số tiền nhỏ, lãi suất cao nhất là 9,25%/năm, dành cho khách hàng gửi từ 1 tỷ đồng, kỳ hạn 18 tháng trở lên theo hình thức lĩnh lãi cuối kỳ, ngoài ra, lãi suất kỳ hạn ngắn là 6 tháng cũng đã tăng lên mức 8,3 - 8,45%/năm.

Đối với Techcombank, mức lãi suất cao nhất đang được ngân hàng này áp dụng hiện lên tới 9,3%/năm dành cho khách hàng VIP gửi mới với số tiền tối thiểu 3 tỷ đồng và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, với khách hàng thông thường, lãi suất dao động trong khoảng 8,7 - 9,1%/năm tùy theo số tiền gửi. Cá biệt, có ngân hàng như VPB tăng mạnh lãi suất huy động vốn lên mức 11%/năm dụng cho tháng đầu tiên khi khách hàng gửi tiền tiết kiệm "Prime Savings" kỳ hạn 36 tháng, các tháng tiếp theo áp dụng lãi suất là 9,25%/năm. Không kém cạnh các ngân hàng tư nhân, các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối cũng điều chỉnh tăng lãi suất để giữ khách hàng hiện có cũng như thu hút khách hàng mới. Cụ thể, các ngân hàng như: Agribank, VietinBank, BIDV hiện đã tăng lãi suất từ 1 - 1,4%/năm so với mức lãi suất cũ. Mức lãi suất cao nhất của 3 nhà băng này là 7,4%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng trở lên; các kỳ hạn từ 6 - 11 tháng là 6%/năm; kỳ hạn từ 3 - 5 tháng là 5,4%/năm; kỳ hạn từ 1 - 2 tháng tăng lên mức 4,9%/năm; riêng đối với hình thức tiết kiệm trực tuyến, VietinBank và BIDV còn cộng lãi suất tiền gửi thêm 0,5 - 0,6%/năm so với gửi tại quầy.

Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, đến cuối tháng 10-2022, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP đạt 167.000 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cuối năm 2021. Trong đó, tiền gửi bằng Việt Nam đồng đạt 161.800 tỷ đồng, chiếm 96,9% tổng nguồn vốn huy động, tăng 8,2% so với cuối năm 2021; tiền gửi ngoại tệ đạt 5.200 tỷ đồng, chiếm 3,1% tổng nguồn vốn huy động, tăng 15,5% so với cuối năm 2021. Phân theo hình thức huy động thì tiền gửi tiết kiệm của người dân đạt 104.600 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cuối năm 2021; tiền gửi thanh toán đạt 62.400 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cuối năm 2021. Từ nguồn vốn huy động từ tiền gửi tiết kiệm và nguồn vốn cấp từ hội sở chính, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP đã giải ngân cho vay phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP, đặc biệt là phục vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp với tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 10-2022 đạt 208.300 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cuối năm 2021.

PHÚ NAM

Người dân gửi tiền tại một ngân hàng thương mại trên địa bàn TP Đà Nẵng.