Người dân sống khổ trong dự án triển khai ì ạch

Thứ tư, 01/11/2023 06:50
Trong 7 năm, Dự án đường nối từ cầu Bình Dương đến đường bộ ven biển 129 (giai đoạn 1) tại huyện Thăng Bình (Quảng Nam) được gia hạn tiến độ đầu tư 8 lần, nhưng đến đoạn cuối tuyến vẫn dang dở do vướng mặt bằng. Dự án kéo dài khiến cuộc sống của 11 hộ dân còn nằm trong vùng quy hoạch dự án gặp nhiều khó khăn.
Nhà cửa của người dân trong khu vực quy hoạch dự án đã xuống cấp, ảnh hưởng đến cuộc sống.
Đoạn cuối tuyến của dự án còn dang dở do vướng mặt bằng.

7 năm không gỡ nổi mặt bằng

Dự án này do BQL Khu kinh tế mở Chu Lai (cũ) là chủ đầu tư, bắt đầu triển khai dự án từ tháng 2-2016 đến ngày 13-6-2019. Sau đó, dự án được giao cho BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam tiếp nhận làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư gần 79 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Dự án chia làm 2 đoạn, đoạn 1 từ Km 0+00 tại mố cầu phía đông cầu Bình Dương (điểm chợ Lạc Câu) đến đường bộ ven biển 129, dài 2,65km đã hoàn thiện đưa vào sử dụng. Đoạn bổ sung dài 1,7km, điểm đầu tại đường 129 đến km 4+350 còn khoảng 320m cuối tuyến chưa thi công do vướng mặt bằng 11 hộ dân.

Ngày 26-10, phóng viên đến tìm hiểu nguyên nhân vướng mặt bằng và cuộc sống của các hộ dân. Quan sát nhận thấy, những căn nhà nằm trong khu vực quy hoạch dự án đã xuống cấp, xập xệ. Con đường dẫn vào các hộ dân đã lâu không được sửa chữa nên hư hỏng, lầy lội đi lại khó khăn. Ông Nguyễn Thanh Hai (1957, trú thôn Duy Hòa, xã Bình Dương) cho biết, dự án thu hồi của gia đình ông 600m2 đất thổ cư. Tuy nhiên, sau khi đo đạc, kiểm kê tài sản thì gia đình ông chưa nhận được phản hồi của các đơn vị liên quan. Hơn 7 năm qua, nhà cửa xuống cấp gia đình ông không thể xây mới, cũng không thể tách thửa đất cho con làm nhà ở riêng vì đang nằm trong vùng quy hoạch dự án. “Khi dự án được triển khai, người dân ở đây vui mừng vì có con đường lớn lưu thông sẽ thuận lợi hơn. Nhưng dự án thực hiện quá lâu, đến nay những hộ dân chưa được bồ thường, thu hồi đất. Ở trong căn nhà đang xuống cấp, gia đình rất lo lắng. Tôi mong muốn sớm triển khai thực hiện dự án, nếu không làm nữa thì kết thúc dự án, cho phép người dân xây sửa nhà, tách thửa đất cho con cái”, ông Hai nói.

Lo lắng căn nhà đang xuống cấp sẽ đổ sập, ông Lê Thanh Minh (1978) tự ý xây dựng căn nhà mới bên cạnh. Ông Minh chia sẻ: “Dự án thu hồi của gia đình 1.900m2 đất thổ cư, nhưng từ lúc đo đạc đến nay vẫn chưa thấy địa phương thực hiện áp giá bồi thường, bố trí tái định cư (TĐC). Căn nhà này cha tôi xây dựng hơn 30 năm đã xuống cấp nghiêm trọng, sườn nhà mục nát, tường bong tróc ra từng mảng lớn có thể sập bất cứ lúc nào. Cứ đến mùa mưa bão là gia đình thấp thỏm lo lắng, đêm ngủ không yên giấc. Gia đình tôi hiện có 6 người, trong đó mẹ già đã 89 tuổi. Tôi nhiều lần gửi đơn lên UBND xã Bình Dương cho phép xây lại căn nhà nhưng không được chấp thuận. Trong tình cảnh cấp thiết, đầu năm nay, tôi đã tự ý xây dựng căn nhà mới bên cạnh để gia đình ở, đảm bảo an toàn. Không được tách thửa đất để xây nhà, gia đình chị gái tôi phải đi thuê nhà ở, cuộc sống rất khó khăn”.

Tập trung gỡ vướng

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam, nguyên nhân bị vướng mặt bằng đoạn cuối tuyến do chưa có đất TĐC nên chủ đầu tư không thể thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ngày 28-5-2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương cho phép UBND huyện Thăng Bình lập hồ sơ, thủ tục đầu tư xây dựng Khu TĐC tại xã Bình Dương có quy mô khoảng 1,5ha để bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án này. Tuy nhiên, việc thực hiện chậm nên dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”. Mặc dù chính quyền địa phương nhiều lần cam kết bàn giao mặt bằng, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Nhà cửa của người dân trong khu vực quy hoạch dự án đã xuống cấp, ảnh hưởng đến cuộc sống.

Sau khi xem xét đề nghị của chủ đầu tư và Sở Giao thông vận tải tỉnh, ngày 28-8-2023, ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản thống nhất chủ trương dừng thực hiện, kết thúc Dự án đường trục chính nối từ cầu Bình Dương đến đường bộ ven biển 129 (giai đoạn 1 – đoạn bổ sung). Trong công văn nêu rõ, dự án đã được UBND tỉnh gia hạn tiến độ 8 lần, đến nay vẫn chưa hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng 320m cuối tuyến. do đó, UBND tỉnh thống nhất chủ trương dừng thực hiện, kết thúc dự án và bàn giao đoạn cuối tuyến còn lại chưa đầu tư cho UBND huyện Thăng Bình để bố trí nguồn ngân sách huyện tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ dự án.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Quang yêu cầu, chủ đầu tư bàn giao hiện trường và các hồ sơ, tài liệu liên quan cho UBND huyện Thăng Bình để bổ sung, hoàn chỉnh thủ tục, tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành toàn bộ dự án, tổ chức nghiệm thu, quyết toán theo đúng quy định; UBND huyện Thăng Bình tiếp nhận hiện trường, trên cơ sở hồ sơ đã được phê duyệt để hoàn chỉnh thủ tục, tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành dự án, phát huy hiệu quả đầu tư.

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Thăng Bình cho biết, địa phương đang tập trung giải phóng mặt bằng, bố trí đất TĐC cho các hộ dân. Địa phương cũng đang tính toán lại giá cả bồi thường để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Tuy nhiên, hiện tại nguồn lực địa phương hạn chế sẽ gặp nhiều khó khăn để hoàn tất toàn bộ dự án như yêu cầu của UBND tỉnh. Chắc địa phương sẽ lại trình “xin” kinh phí đầu tư từ ngân sách cấp tỉnh để đầu tư tuyến đường.

LÊ VƯƠNG