Người dân và doanh nghiệp "dễ thở" hơn khi lãi suất đồng loạt giảm

Thứ hai, 20/03/2023 08:01
Sau hơn 2 năm tăng lãi suất điều hành do ảnh hưởng bởi thị trường tài chính thế giới, ngày 14-3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) đã quyết định giảm 1% các loại lãi suất điều hành, có hiệu lực từ ngày 15-3.

Đồng loạt giảm lãi suất

Ông Võ Minh - Giám đốc NHNNVN Chi nhánh Đà Nẵng, cho biết cụ thể theo Quyết định số 313/QĐ-NHNN ngày 14-3-2023 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNNVN đối với tổ chức tín dụng (TCTD), lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên ở mức 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNNVN đối với TCTD giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm.

Người dân và doanh nghiệp giao dịch tại một ngân hàng thương mại trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Người dân và doanh nghiệp giao dịch tại một ngân hàng thương mại trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng với lĩnh vực ưu tiên như phát triển nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, v.v... giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,5% xuống 6% một năm... Cũng theo ông Võ Minh, việc giảm lãi suất điều hành lần này nhằm định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường kể từ ngày 15-3, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế; đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn.

Sau khi NHNNVN ban hành chủ trương hạ lãi suất điều hành, một vòng khảo sát các TCTD trên địa bàn TP Đà Nẵng vào thời điểm từ ngày 15-3 đến nay, chúng tôi nhận thấy tất cả các TCTD đều thực hiện lãi suất huy động vốn. Đi tiên phong là 4 TCTD có vốn nhà nước chi phối gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank đều áp dụng mức lãi suất huy động thấp nhất thị trường. Đơn cử, đối với lãi suất huy động vốn kỳ hạn 12 tháng, hiện 4 TCTD này áp dụng mức 7,2%/năm, thấp hơn từ 0,2 - 03%/năm so với trước; với nhiều TCTD khác như: VPBank, Techcombank, Sacombank, SeABank, ABBank, v.v…, mức lãi suất huy động được niêm yết phổ biến từ 8,4 - 8,8%/năm, giảm 0,2 - 0,5%/năm so với trước, thậm chí có một số TCTD khác giảm tới 0,7%/năm. Việc giảm lãi suất huy động đầu vào sẽ làm cơ sở cho các TCTD giảm lãi suất cho vay đầu ra.

Khuyến khích vay vốn

Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân và doanh nghiệp trên địa bàn đều bày tỏ "dễ thở" hơn khi lãi suất cho vay giảm xuống, góp phần tạo động lực khuyến khích họ mạnh dạn vay vốn để phục vụ đời sống, làm ăn, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh… Chị Trần Thị Ngọc, ngụ Q.Thanh Khê (TP Đà Nẵng), chia sẻ thêm, năm ngoái, chị cũng có ý định vay vốn ngân hàng để nâng cấp căn nhà mặt tiền nằm trên đường Điện Biên Phủ đặng cho thuê được giá hơn nhưng cũng vì lãi suất cao, tính đi tính lại thấy không hiệu quả nên chị đã bỏ ý định vay vốn ngân hàng đầu tư việc này. "Hôm 18-3, nhân viên ngân hàng tôi hay giao dịch thông báo về việc hạ lãi suất cho vay, tôi sẽ đến ngân hàng tìm hiểu thêm, nếu thấy khả thi, tôi sẽ vay vốn đầu tư liền", chị Ngọc phấn khởi.

Sau một thời gian tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu, cuối năm 2022, Công ty Mỹ Phương Food (H.Hòa Vang) đã ký được đơn hàng xuất khẩu 200.000 hộp bánh với một khách hàng ở Trung Quốc và ngày 15-3 vừa qua, Công ty đã xuất lô hàng xuất khẩu này cho đối tác. Khi được hỏi thị trường Trung Quốc rộng lớn, sao lại xuất khẩu đơn hàng khiêm tốn như vậy, bà Mai Thị Ý Nhi - Giám đốc Kinh doanh Công ty Mỹ Phương Food chia sẻ rằng thời gian qua, tất cả các chi phí từ khâu sản xuất, lưu thông, xuất khẩu, v.v… cho đến phi phí trả lãi vay ngân hàng đều cao nên không khuyến khích các doanh nghiệp nói chung, Công Mỹ Phương Food nói riêng. "Dự báo trong thời gian đến, lạm phát trong nước được kiềm chế, đặc biệt là lãi suất cho vay ngân hàng giảm xuống sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như doanh nghiệp chúng tôi mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư mua sắm thêm máy móc thiết bị, nâng công suất sản xuất để gia tăng sản lượng tiêu thụ sản phẩm cả trong nước và xuất khẩu", bà Nhi nói.

Đại diện lãnh đạo một công ty chuyên kinh doanh các mặt hàng điện tử - hàng gia dụng tại Đà Nẵng, chia sẻ thêm: Vào những năm ngân hàng áp dụng lãi suất cho vay thấp, thường vào đầu năm, doanh nghiệp này vay vốn ngân hàng để nhập hàng về kho dự trữ nhằm chủ động nguồn hàng, nhất là các mặt hàng máy điều hòa, tủ lạnh, màn hình led, quạt gió, v.v… đáp ứng nhu cầu mua sắm cao điểm của người dân trong mùa hè. Nhưng đầu năm nay, do nhiều chi phí đầu vào cao, trong đó, có lãi suất cho vay, trong khi đó, nhu cầu mua sắm được dự báo giảm do tình hình kinh tế khó khăn chung nên doanh nghiệp trên quyết định không vay vốn ngân hàng để mua hàng dự trữ. "Nay lãi suất cho vay đã giảm xuống, chúng tôi sẽ sớm đến ngân hàng đặt vấn đề vay vốn để có tiền mua hàng về nhập kho. Hy vọng, chúng tôi có đủ nguồn hàng kịp phục vụ cho dịp cao điểm hè sắp đến", vị lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết.

Giám đốc NHNNVN Chi nhánh Đà Nẵng Võ Minh cho biết: NHNNVN Chi nhánh Đà Nẵng sẽ tăng cường công tác đôn đốc cũng như kiểm tra, thanh tra các TCTD trên địa bàn TP Đà Nẵng thực hiện chủ trương giảm lãi suất của NHNNVN, nếu phát hiện TCTD nào không chấp hành hoặc cố tình vi phạm chủ trương này, NHNNVN Chi nhánh Đà Nẵng sẽ xử phạt nghiêm minh, kịp thời theo quy định của pháp luật.

PHÚ NAM