Người đầu tiên đưa mô hình trồng cây đinh lăng vào nhà lưới

Thứ tư, 11/01/2023 23:29
Nuôi ý tưởng làm kinh tế từ cây đinh lăng (được ví là cây sâm nhà nghèo) nhưng cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Ngọc Trung(thôn Tiến Thành, xã Chi Khê, H.Con Cuông, Nghệ An) đã thất bại hoàn toàn khi trồng loại cây này theo phương pháp truyền thống. Không nản chí, ông Trung vẫn quyết tâm đưa cây đinh lăng vào trồng nhà lưới và kết quả mang lại thành công ngoài mong đợi.
Cao thảo dược đinh lăng là sản phẩm đã được bán ra thị trường.
CCB Nguyễn Ngọc Trung bên vườn đinh lăng xanh mơn mởn.

Phát triển kinh tế từ cây đinh lăng

Đến thăm trang trại trồng đinh lăng của CCB Nguyễn Ngọc Trung khi những cây “sâm nhà nghèo” đang trong giai đoạn tươi tốt, xanh mơn mởn. Những cây đinh lăng được trồng trong nhà lưới, bên những luống rau sạch đang chuẩn bị được thu hoạch mùa lá để phục vụ cho việc sản xuất làm cao. Ông Trung cho hay, hiện trang trại của ông có 7.000 gốc đinh lăng. Đến mùa thu hoạch lá, giá bán 50.000 đồng/kg nhưng chỉ đủ để làm nguyên liệu sản xuất cao, không có để cung cấp cho thị trường bên ngoài.

Từ chiến trường Campuchia trở về quê hương năm 1981, CCB, thương binh 4/4 Nguyễn Ngọc Trung tích cực tham gia hoạt động ở chính quyền địa phương 10 năm rồi xin nghỉ và tìm hướng phát triển kinh tế. Ông Trung trăn trở làm sao để tận dụng lợi thế của địa phương vào phát triển những mô hình kinh tế. Huyện miền núi Con Cuông được thiên nhiên ưu đãi khi nằm trong khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An, có nhiều loại dược liệu quý như hà thủ ô, cà gai leo, cây thìa canh... Là người có kinh nghiệm nấu cao hà thủ ô từ thời trong quân ngũ, ông Trung bắt tay vào việc thu mua nguyên liệu khô của bà con hái trong rừng để nấu cao, pha nước uống. Lúc đầu, cao chủ yếu để gia đình dùng. Về sau anh em bạn bè, người thân bắt đầu tìm hiểu công dụng của cao hà thủ ô và đặt hàng ông Trung nấu. Từ cao hà thủ ô, ông Trung quyết định mở rộng nấu cao và sản xuất trà từ các loại thảo dược sẵn có khác, trong đó có cây đinh lăng. “Theo đông y, đinh lăng là vị thuốc quý trong dân gian, từ củ, cành, lá đều có thể sử dụng. Đặc biệt, củ đinh lăng có công dụng bồi bổ khí huyết, đả thông kinh mạch, điều hòa nhịp tim, ổn định tim mạch... Cây đinh lăng mọc phổ biến ngoài tự nhiên, cộng với nhiều công dụng trong phòng, chữa bệnh, nâng cao thể trạng, bởi vậy nó còn được ví như "nhân sâm của người nghèo"”– ông Trung chia sẻ.

Theo ông Trung, cây đinh lăng là loài cây mọc tự nhiên trong rừng, hoặc được người dân trồng làm cảnh, làm rau với số lượng ít. Nếu sử dụng nó để nấu cao, chế biến thành trà thì phải cần số lượng lớn. Từ chỗ bị động về nguyên liệu, năm 2018, sau một thời gian tìm hiểu về thổ nhưỡng cũng như đặc điểm sinh trưởng của loài cây này, ông Nguyễn Ngọc Trung quyết định mở trang trại trồng cây đinh lăng để chủ động nguồn nguyên liệu.

“Từ khi nảy sinh ý tưởng, tôi bắt đầu mày mò tìm hiểu về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây đinh lăng cũng như các khâu từ đầu tư phân bón, làm đất… Đây là loại cây hợp với thổ nhưỡng nơi đây nên khi trồng sẽ nhanh bén rễ và ra lá xanh tốt. Thời điểm đó là dịp giáp Tết, sắp đến mùa thu hoạch đinh lăng thì gặp sương muối dày đặc, lá đinh lăng "cháy" hết. Hết sương muối thì gặp nắng trái mùa, lá quăn queo. Vụ đầu tiên tôi mất trắng 120 triệu đồng” – ông Trung nhớ lại.

Cao thảo dược đinh lăng là sản phẩm đã được bán ra thị trường.

Người đầu tiên đưa đinh lăng vào nhà lưới

Thất bại từ lần đầu tư đầu tiên không làm ông Trung nản chí. Những nguyên nhân khiến cây đinh lăng bị cháy, hư hỏng đã dần dần được người CCB này mổ xẻ để rút kinh nghiệm.

Thời điểm đó, Hợp tác xã Cây - con xã Chi Khê, H.Con Cuông được đầu tư xây dựng một nhà lưới để sản xuất rau sạch. Tuy nhiên, giá thành sản xuất rau sạch lớn, tìm đầu ra khó, các xã viên không mặn mà trồng rau. Ông Trung mạnh dạn đề xuất sử dụng một phần nhà lưới để thử nghiệm trồng cây đinh lăng.

Từ sự mạnh dạn này, 2.000 gốc đinh lăng được đưa vào, phủ kín 500m2 nhà lưới. Mặc dù nhiệt độ trong nhà lưới cao hơn bên ngoài, nhưng phương án này đã giải quyết triệt để nguy cơ do sương muối và nắng nóng. Bên cạnh đó, nhiệt độ được duy trì ổn định giúp đinh lăng xanh tốt. Sau 6 tháng trồng, ông Trung đã thành công khi thu hoạch lứa lá đầu tiên với 8 tạ lá tươi.

Theo ông Trung, cây đinh lăng phải trồng từ 3 năm trở lên mới thu hoạch củ được. Sau khi đào lấy củ thì phải trồng lại lứa mới, mất nhiều thời gian và giá trị kinh tế không cao bằng thu hoạch lá. Nếu ở môi trường bên ngoài thì chỉ thu hoạch được 3 lứa/năm còn trong môi trường nhà lưới cho thu hoạch 6 lứa/năm, thậm chí nếu chăm sóc tốt thì 1,5 tháng có thể thu hoạch một lứa, sản lượng 6-8 tạ/sào. Sau khi thu hoạch, các gốc đinh lăng sẽ được bón phân NPK, tưới nước, không tốn nhiều công chăm sóc.

Giá lá đinh lăng dao động từ 50.000-60.000 đồng/kg, tính ra mỗi sào đinh lăng cho thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, số lá này chủ yếu ông Trung sử dụng chế biến cao đinh lăng và trà túi lọc đinh lăng để nâng cao giá trị của sản phẩm. Lá không sử dụng hết ông phơi khô sử dụng dần để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất. Hiện sản phẩm trà, cao thảo dược đinh lăng, hà thủ ô của ông đã được đăng ký nhãn hiệu và bán rộng rãi ra thị trường.

Ngoài sản phẩm từ cây đinh lăng, ông Trung đã đăng ký chứng nhận OCOP cho 4 sản phẩm khác cũng từ các loại thảo dược bản địa. Không chỉ giúp gia đình phát triển kinh tế, quy trình trồng - thu hoạch - chế biến - bán sản phẩm của ông Trung tạo việc làm thường xuyên với mức thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Hiện trang trại của ông Trung đã có 7.000 cây đinh lăng được ươm từ cành. Theo kế hoạch, hết năm nay, ông sẽ trồng cây đinh lăng phủ kín 2.000m2 nhà lưới. Ông cũng đang liên hệ các công ty dược để liên kết trồng, cung ứng nguyên liệu lá, củ đinh lăng bào chế thuốc, đồng thời mở rộng các kênh phân phối, quảng bá sản phẩm để tăng doanh thu.

Với những thành quả trong lao động, sản xuất, ông Nguyễn Ngọc Trung 2 lần được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen "Người có công tiêu biểu khắc phục khó khăn vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất"; Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam tặng Bằng khen "có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi"...

Dương Hóa