Người gìn giữ hồi ức chiến tranh

Thứ sáu, 26/04/2019 11:00

Từng là một cựu tù tại nhà tù Phú Quốc, khi đất nước hòa bình, ông Lâm Văn Bảng (1943, H.Phú Xuyên, Hà Nội) đã dành thời gian sưu tầm hơn 4 nghìn kỷ vật chiến tranh và thành lập "Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày" để tri ân Đảng, tưởng nhớ các anh hùng, đồng đội đã nằm xuống.

Ông Lâm Văn Bảng-Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. 

 "Địa ngục" chiến tranh

Là người trẻ được sống trong thời bình, chưa từng biết đến chiến tranh, bom đạn, tôi thực sự rùng mình khi tận mắt nhìn thấy những hình ảnh, hiện vật lưu giữ tại "Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày". Đập vào mắt tôi là hình ảnh của tù nhân trong chiếc lồng sắt rộng 80cm, dài 1m, cao 70cm chằng chịt dây thép gai. Chiếc lồng sắt có tên gọi là "chuồng cọp" chỉ vừa đúng người ngồi cong lưng, mọi việc từ ăn uống, đại tiểu tiện cũng đều "đóng khung" trong chiếc chuồng cọp ấy. Những đòn tra tấn như thời trung cổ được khắc họa rất rõ nét qua những mô hình bằng thạch cao. Có chiến sĩ bị treo ngược lên, nhận đòn roi đến rỉ máu; có chiến sĩ bị nhốt vào thùng phuy, chúng lấy búa gõ lên nắp tới khi đinh tai nhức óc, trào máu mắt, máu miệng mới thôi.

Đến thăm bảo tàng, tận mắt chứng kiến những mô hình tra tấn man rợ như đục giác, móc mắt, quăng người vào chảo lửa và lắng nghe những câu chuyện hào hùng của các cựu tù nhà lao Côn Đảo, chúng ta mới thấu hiểu được phần nào sự hy sinh, nỗi đau đớn mà họ đã trải qua trong những năm chiến tranh để giành lại cuộc sống hòa bình hôm nay. Ông Bảng là một trong những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt đày ra đảo Phú Quốc năm 1970 và hứng chịu nhiều trận tra tấn thừa sống thiếu chết của địch. Nhưng theo ông, nỗi đau về thể xác không là gì so với nỗi đau tinh thần, khi hàng ngày ông đều phải chứng kiến sự ra đi mãi mãi của đồng đội. Ông bảo không bao giờ quên được những ngày tháng sống trong địa ngục ấy, đến bây giờ, nhiều đêm ông vẫn mơ thấy cảnh mình và đồng đội bị tra tấn".

Mô hình nhà tù Phú Quốc được tái hiện. 

Gìn giữ kỷ vật thiêng liêng

Năm 1973, ông Lâm Văn Bảng sau khi trở về theo Hiệp định Paris. Khi sức khỏe bắt đầu bình phục, ông nghĩ đến việc sẽ thực hiện việc sưu tầm, tái hiện hồi ức những năm tháng sống trong "địa ngục trần gian" của kẻ thù. Ông dùng gần 2.000 m2 đất của gia đình để xây dựng bảo tàng. Đến nay bảo tàng có 10 phòng trưng bày hơn 4.000 hiện vật, kỷ vật chiến tranh. Ông kể, mỗi khi nghe tin ở đâu có kỷ vật chiến tranh là ông cùng đồng đội lại lặn lội đến nơi liên hệ xin cho bằng được. Ông bảo, mỗi kỷ vật là một câu chuyện bi hùng về các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh xương máu và tính mạng để giữ gìn, bảo quản khi mang từ nhà tù của địch ra. Trong nhiều kỷ vật, hiện vật tại bảo tàng, tôi ấn tượng nhất câu chuyện về Lá cờ Đảng được nhuộm từ máu của các chiến sĩ trong nhà tù Côn Đảo, hình búa liềm trên cờ được tạo nên từ những viên thuốc ít ỏi mỗi khi có người bị thương được phát đem mài ra, pha thành màu để vẽ. Lá cờ chỉ nhỏ bằng bao thuốc lá, được những người tù chuyền tay nhau gìn giữ suốt nhiều năm. "Họ thà chết chứ không uống thuốc, để dành màu vẽ cờ Đảng"-ông Bảng chia sẻ.

Ông Bảng cho biết, trước đây nơi này là khu trưng bày với tên gọi giản dị là "Phòng truyền thống cách mạng bị địch bắt tù đày". Sau mấy chục năm tích cóp tiền và được sự ủng hộ của bạn bè, gia đình, năm 2007, khi hệ thống cơ sở vật chất hoàn thành, bảo tàng mới được công nhận với tên hiện gọi như hiện nay: "Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày" được xây dựng trên tinh thần "Tự giác, tự nguyện, tự túc, tự chịu trách nhiệm". Mọi người đến đây với tinh thần tự nguyện, thấy việc thì làm, đóng góp chút ít công sức để tri ân đồng đội đã hy  sinh. Cô Nguyễn Thị Lan (Phú Xuyên, Hà Nội) là người thường xuyên lui tới chăm sóc Bảo tàng, tâm sự: "Tôi cùng các chị em thôn, xóm khi biết được ý nghĩa của bác Bảng về bảo tàng này đều rất cảm động. Không ai bảo ai, mỗi ngày chúng tôi đến hương khói, lau chùi, gìn giữ những kỷ vật một thời đạn bom của các chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc".

Nhiều năm qua, Bảo tàng đã trở thành điểm đến của  khách tham quan, nhiều nhất là HS-SV. Nơi đây không chỉ là nơi lưu giữ những hiện vật, kỷ vật mà còn là nơi tái hiện lại một phần lịch sử dân tộc nhằm giáo dục lớp trẻ về lòng tự hào về những chiến công của các thế hệ cha ông trong đấu tranh giành độc lập dân tộc. Mấy năm gần đây, ông cùng đồng đội tổ chức nhiều cuộc triển lãm lưu động tại các trường tiểu học và các tỉnh lân cận nhằm giới thiệu và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Diệu Huyền