Người “giữ lửa” nghề làm nước mắm truyền thống Tam Thanh
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, chị Tầm làm phiên dịch cho các tập đoàn nước ngoài với mức lương cao, công việc ổn định. Tuy nhiên, chị vẫn đau đáu với nghề làm nước mắm của bà, mẹ và làng nghề nước mắm truyền thống quê hương đang dần mai một. Do đó, chị muốn trở về nâng cấp sản phẩm của gia đình cũng như phát triển thương hiệu nước mắm truyền thống Tam Thanh. Năm 2022 chị hạ quyết tâm bỏ phố về biển gắn bó với nghề của gia đình, nỗ lực nghiên cứu dự án “Nước mắm Ngọc Lan – Nâng tầm thương hiệu sản phẩm làng nghề”.
Để thực hiện được ước mơ, chị Tầm áp dụng những kinh nghiệm học được từ bà nội, cha mẹ và đến học hỏi thêm những cái mới của các cơ sở sản xuất nước mắm có tiếng trên địa bàn. Trong quá trình thực hiện chị gặp rất nhiều khó khăn trong công đoạn nghiên cứu, chế biến nước mắm và thay đổi nhãn mác theo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, cố gắng thực hiện ước mơ, chị Tầm đã vượt qua tất cả khó khăn, nghiên cứu hoàn thiện chất lượng nước mắm đạt chuẩn, nhãn mác đẹp mắt. Năm 2020, sản phẩm nước mắm Ngọc Lan được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP. Ngoài ra, để có thêm kiến thức nhằm phát triển sản phẩm, chị Tầm tham gia nhiều chương trình đào tạo về khởi nghiệp, chuyển đổi số, quản lý doanh nghiệp và học hỏi kinh nghiệp từ các chủ thể dự án khởi nghiệp thành công.
Chị Tầm cho biết, trước kia ở xã Tam Thanh nhà nào cũng làm nước mắm để bán. Những đứa trẻ ở đây lớn lên và trưởng thành nhờ chén mắm biển đậm đà. Hầu hết thế hệ trẻ như chị đi làm ăn xa hoặc chọn ngành nghề khác, do đó nghề làm mắm mặc định dành cho thế hệ trước. Trước những thay đổi của thị trường, sự ra đời của dòng mắm công nghiệp và xu thế mua hàng online thì thị trường nước mắm truyền thống bị hạn chế. Nhiều hộ sản xuất mắm ở Tam Thanh đã bỏ nghề bao đời của gia đình để tìm công việc mới.
“Do chưa chú trọng đầu tư nhãn mác và quảng bá sản phẩm nên sản lượng nước mắm của gia đình bán được ít, phân phối chủ yếu các quán tạp hóa nhỏ và hộ gia đình. Lúc bắt đầu dự án khởi nghiệp, tôi xác định sản phẩm muốn có chỗ đứng trên thị trường đầu tiên phải đảm bảo về chất lượng. Do đó, tôi tập trung nghiên cứu, kiểm tra chất lượng nước mắm đạt các tiêu chuẩn theo quy định quốc gia và tiêu chuẩn OCOP, đồng thời cải tiến nhãn mác bao bì phù hợp hơn với thị hiếu của người tiêu dùng. Sản phẩm được khách hàng đánh giá có hương mắm thơm, vị mắm đậm chất cá. Để quảng bá thương hiệu sản phẩm, tôi tham gia trưng bày ở các hội chợ, ngày hội khởi nghiệp, nhiều sự kiện tại các tỉnh, thành phố và phát triển các kênh bán hàng online. Hiện tại, sản phẩm nước mắm Ngọc Lan được phân phối tại các siêu thị tại các TP Tam Kỳ, Đà Nẵng, được các anh chị ở Hà Nội, Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương đặt online thường xuyên để sử dụng cho gia đình”- chị Tầm tâm sự.
Về quy trình làm ra nước mắm truyền thống, chị Tầm cho hay: “Chúng tôi sử dụng cá cơm than đánh bắt ở vùng biển ngang làm nguyên liệu cho những mẻ mắm. Với cách ủ mắm trong chum hơn 1 năm và lọc mắm bằng phương pháp thủ công của làng nghề, chúng tôi chăm chút cho từng mẻ mắm, để cho ra những giọt mắm chất lượng, màu đẹp và vị ngon. Nước mắm truyền thống trải qua nhiều công đoạn chế biến, làm từ thành phần tự nhiên nên chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, vì vậy giá thành cao hơn so với nước mắm công nghiệp. Hiện nay có rất nhiều người chú trọng đến sức khỏe nên nhu cầu thị trường sử dụng nước mắm truyền thống cũng tăng cao”.
Ngoài ra, chị Tầm phối hợp với các đơn vị du lịch tổ chức hoạt động tham quan quy trình làm nước mắm để quảng bá thương hiệu nước mắm truyền thống, đưa hình ảnh làng nghề nước mắm Tam Thanh đến nhiều người hơn. Rất nhiều du khách nước ngoài thích thú đến tìm hiểu cách chế biến mắm Việt Nam, xem các chum mắm đã ủ 12 tháng, thử vị mắm và học cách pha chén mắm ngon.
Năm 2022, sản phẩm nước mắm Ngọc Lan đoạt giải Ba cuộc thi tìm kiếm dự án khởi nghiệp quốc gia; giải Nhất Chương trình Phụ nữ hợp tác kiến tạo tương lai. Năm 2023, HTX Ngọc Lan Quảng Nam được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, đạt giải C sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Lê Vương