Người “giữ lửa” nghề rèn Đà thành
(Cadn.com.vn) - Xen lẫn giữa phố thị phồn hoa, vẫn còn đó những con người yêu nghề và sống bằng cái nghề cha truyền con nối - đó chính là nghề rèn. Đối với anh Đức, đời thứ 3 trong gia đình làm nghề rèn ở Đà Nẵng, là một trong những người còn lại ở đất Đà thành giữ được lửa cho nghề truyền thống đến ngày hôm nay.
Một thời hưng thịnh
Buổi sáng mùa đông mưa gió, theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi về gia đình cô Năm, ở P. Hòa Thọ Đông, Q. Cẩm Lệ. Cô Năm thân người gầy, mảnh mai, giọng nói nhỏ nhẹ khác xa với cái nghề suốt ngày nghe tiếng búa chát chúa. Nghề rèn này, cô được truyền thừa từ ông ngoại.
Cô say sưa kể về duyên nợ, sự nổi trôi của nghề: “Có chồng năm 20 tuổi và được ông ngoại dạy cho hai vợ chồng làm nghề rèn, từ đó vợ chồng cô mở lò để làm nghề. Những năm mới giải phóng, nghề rèn thuộc dạng nghề thịnh lúc bấy giờ, lò rèn của gia đình cô có rất nhiều thợ làm công, công việc làm không hết. Lúc đó, không chỉ có gia đình nhà cô mà bà con ở trong làng (nay là tổ dân phố) có 4, 5 gia đình cũng làm nghề rèn. Cô nhớ lại, khi trời chưa hửng sáng, hễ có tiếng bễ lò nhà ai thổi phì phò là các bễ lò khác cũng rực lửa theo. Hai vợ chồng cô bám nghề nuôi 5 người con, hiện nay các con cô đã có công việc ổn định, yên bề gia thất. Thế nhưng, nối nghiệp của cha mẹ chỉ có con trai đầu. Các gia đình khác đã bỏ nghề rèn từ lâu, họ tìm một nghề khác để sinh sống vì nghề rèn ngày nay để kiếm sống rất khó khăn”...
TP Đà Nẵng ngày một phát triển theo xu hướng công nghiệp, dịch vụ, theo đó, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mọc lên ngày một nhiều... diện tích đất nông nghiệp thu hẹp lại, nghề rèn ít khách dần, chủ yếu làm nông cụ sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, kinh tế phát triển kéo theo đời sống nhân dân tăng lên, vật dụng trong gia đình ngày một thay đổi như cô Năm tâm sự: “Hồi trước chủ yếu người dân dùng dao do các lò rèn làm ra được bày bán tại các chợ trên địa bàn, nhưng hiện nay các Cty sản xuất hoặc nhập khẩu rất nhiều những bộ dao mẫu mã đẹp, giá rẻ mà lại tốt, người tiêu dùng đã lựa chọn sản phẩm khác, loại dao mà thợ rèn làm ra vì thế trở nên ế ẩm”. Từ đó, nghề rèn ở Đà thành mai một và hiếm dần.
![]() |
Nghề rèn nay còn rất ít ở Đà Nẵng. |
Nỗi niềm thợ rèn
Nhà cô Năm có 5 người con, duy chỉ có anh Đức là anh hai trong gia đình nối nghiệp cha mẹ. Anh Đức theo cha học nghề năm anh hơn 15 tuổi. Lò rèn của anh Đức rộng khoảng 10m2, nằm sát bên chùa Hòa Thọ, P. Hòa Thọ Tây. Anh rèn rất nhiều thứ, khách hàng yêu cầu làm gì thì anh làm thứ đó, thường vào thời điểm gần Tết, anh chủ yếu rèn dao, rựa, do bà con ở quê như H.Hòa Vang và Đại Lộc (Quảng Nam) xuống xưởng rèn đặt làm; ngoài ra còn có Cty cây xanh đặt kéo cắt cỏ và một số người làm nghề xây dựng đặt những thứ phục vụ cho công trình...
Khi tôi hỏi anh tại sao anh không chọn một nghề khác, anh bảo: tôi cũng từng định bỏ nghề, xin làm thợ hàn tại xưởng cơ khí ở khu công nghiệp nhưng làm việc có như thế nào đi chăng nữa cũng không bằng làm nghề rèn. Bởi anh luôn tâm niệm một điều: “Nghề rèn mà ông cha truyền lại vẫn là nhất, dù nghề này có vất vả, nhem nhuốc nhưng những sản phẩm do chính đôi tay của mình làm ra như đứa con không thể vứt bỏ được!”. Chính tâm niệm đó đã làm cho anh trở lại với nghề và yêu nghề rèn hơn.
Chúng tôi quan sát anh làm việc say sưa, ánh mắt luôn tập trung vào từng nhát búa, đôi mắt tinh quang lấp lánh như đỏ rực lửa, những nhát búa đều đều, có lực đang dần biến khối sắt thành hình – đó là cả quá trình đầy sáng tạo và nghệ thuật. Tôi thầm nghĩ, chính niềm say mê với nghề đã cho anh thêm nghị lực vượt qua khó khăn để giữ nghề. Anh bộc bạch: “Một ngày không làm là nhớ mùi nghề lắm”.
Ngày làm việc của anh bắt đầu từ 7 giờ sáng, công việc luôn bận rộn, không lúc nào anh ngơi tay vì phải làm cho kịp để khách lấy hàng. Hôm chúng tôi có mặt tại lò rèn, có một số người khách đang chờ lấy hàng, qua trò chuyện anh Hoàng Hà chủ một xưởng gỗ ở Hòa Vang, xuống lò rèn để làm những thanh nỉa, anh Hà tâm sự: “Anh Đức nhiệt tình lắm, anh nhận làm rất cẩn thận và có trách nhiệm với nghề của mình, hẹn với khách lấy hàng rất chính xác. Hiện nay, ở Đà Nẵng, nghề rèn hiếm lắm, đi cả TP dễ gì kiếm được một lò rèn, nghề này cần lắm chứ!”.
Anh Đức cười buồn khi tôi hỏi về thu nhập của mình: sang, hèn gì cái nghề này hả cô! Mỗi ngày làm công việc đều đặn thì được gần trăm ngàn, ngày không có hàng thì không có thu nhập. Với số tiền đó, anh cũng đủ để trang trải trong gia đình và nuôi hai đứa con ăn học. Nỗi trăn trở lớn nhất của anh bây giờ là khi anh già không có sức khỏe để tiếp tục nghề, không còn nghe âm thanh tiếng búa rèn nữa.
Anh bùi ngùi nói: “E rằng mai đây không còn người theo đuổi nghề này nữa, vì nghề rèn vất vả, thu nhập lại thấp, mất sức khỏe, chẳng ai chịu làm cái nghề chân than, mặt bụi này nữa đâu cô!”... Nỗi niềm của anh Đức cũng chính là tâm sự chung của những người “giữ lửa” của các ngành nghề truyền thống tại Đà thành trước cơn lốc của thị trường.
Bài, ảnh: Hải Yến