Người kinh doanh mong mỏi miễn, giảm thuê

Thứ bảy, 02/05/2020 19:10

Khi nào người kinh doanh sẽ được miễn, giảm các loại thuế? Đây là câu hỏi cũng là mong muốn của rất nhiều tiểu thương, hộ kinh doanh tại Đà Nẵng bị ảnh hưởng kinh tế bởi đại dịch Covid-19.

Sau thời gian giãn cách xã hội, tình hình kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu tại chợ Cồn vẫn rơi vào cảnh ế ẩm.   Ảnh: P.T 

Khó xoay xơ

Chị L.T.X, tiểu thương buôn bán hàng điện tử tại Chợ Cồn (Đà Nẵng) cho biết, từ sau Tết đến nay, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên việc buôn bán của chị cũng như chị em tiểu thương kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu khác rất ế ẩm. Trong tháng 2, 3, có tuần chị dọn hàng ra cho có chứ khách đến hỏi mua hàng đếm không quá năm đầu ngón tay. “Có ngày chỉ bán được 50.000 đồng, tiền vốn lẫn lời của một sợi dây điện. Lại có ngày không có người đến mua mở hàng luôn. Buôn bán ế ẩm nên tiền thuế tháng 3 tôi chưa nộp”- chị L.T.X thở dài cho hay.

Cũng trong tâm trạng đó, chị L.T.X – cũng kinh doanh mặt hàng điện tử tại Chợ Cồn- cho biết thêm, thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ về việc giãn, cách ly xã hội để phòng, chống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, từ ngày 1 đến 22- 4, chị và nhiều tiểu thương buôn bán những mặt hàng không thiết yếu nghỉ bán 22 ngày. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế gia đình chị cũng như các tiểu thương khác. Trong khi đó, ngoài thuế môn bài đóng theo năm khoảng 1 triệu đồng, hàng tháng chị phải đóng gần 3 triệu đồng cho các khoản sau: tiền thuê mặt bằng, tiền thuế hàng tháng, tiền điện, tiền vệ sinh và bảo vệ. “Sau thời gian giãn cách xã hội, chúng tôi dọn hàng trở lại nhưng vẫn ế ẩm. Mỗi ngày, mở mắt ra là phải lo làm sao kiếm được 100.000 đồng để trả các khoản tiền trên. Nếu tình trạng ế ẩm này kéo dài, chị em tiểu thương tôi không biết xoay xở đâu ra tiền để nộp thuế, nộp tiền thuê mặt bằng…, nếu như không được Nhà nước quan tâm cho giảm thuế”- chị X. bộc bạch. Cũng theo tiểu thương này cho biết, trước tình hình buôn bán ế ẩm đó, chị em tiểu thương ở chợ này đã viết đơn xin được giảm tiền thuế.

Không riêng gì chợ Cồn, nhiều tiểu thương ở các chợ trên địa bàn TP Đà Nẵng, đặc biệt là tiểu thương kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu cũng than trời vì buôn bán ế ẩm. Đặc biệt là chợ Bắc Mỹ Annơi thời điểm trước dịch rất đông người mua kẻ bán, nhưng giờ trông rất vắng vẻ. Chị Thanh- một khách hàng đi chợ này- nhìn nhận: “Trước Tết, chợ Bắc Mỹ An đông người mua kẻ bán. Từ khi dịch bệnh bất ngờ xảy ra, sức mua ở đây giảm hẳn. Ngoài các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho việc ăn uống hàng ngày, các quầy hàng khác dường như rất vắng vẻ, kể cả sau khi được cho bán trở lại tình hình buôn bán tại chợ này cũng không được như trước”.

Không chỉ có tiểu thương các chợ, nhiều hộ kinh doanh cá thể cũng đang trông chờ vào việc giảm thuế của Nhà nước. Một chủ quán cà-phê (đề nghị không nêu tên) nằm trên đường Phan Châu Trinh cho hay: “Tháng tư, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, 15 ngày đầu, quán tôi không kinh doanh, không bán hàng online. 7 ngày sau đó, khi Chỉ thị 16 có nới lỏng, cho phép bán hàng mang đi, quán tôi mới bán trở lại nhưng sức mua hàng mang về rất ít. Trong khi đó, mỗi tháng tôi phải đóng 500.000 đồng thuế, thuê mặt bằng hàng tháng là 10 triệu đồng. Rất may và cũng rất biết ơn là chủ cho thuê đã miễn 100% tiền thuê mặt bằng của tháng 4 và trong 3 tháng tiếp theo sẽ giảm 50% nên cũng bớt gánh nặng cho tôi”.

Mong được giảm thuê

Trước những khó khăn chung do đại dịch Covid-19, hầu hết các tiểu thương và người kinh doanh khi được hỏi đều bày tỏ mong muốn Nhà nước quan tâm, sớm ban hành các chính sách miễn, giảm các loại thuế và phí. “Mới đây, BQL chợ có đưa cho chúng tôi một tờ giấy “Thông báo” để kê khai về việc tạm ngừng kinh doanh và tiếp tục kinh doanh sau khi thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 của Chính phủ để gửi cho Chi cục Thuế Q.Hải Châu. Không biết có được giải quyết gì không. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng Nhà nước, các cấp lãnh đạo TP cùng cơ quan chức năng quan tâm, có chính sách hỗ trợ, giảm thuế cho những người kinh doanh như chúng tôi gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra...”- chị X.- tiểu thương chợ Cồn bày tỏ mong muốn.

Cũng với tâm trạng đầy hy vọng và chờ đợi đó, chị P.A- tiểu thương buôn bán hàng quần áo tại chợ Đống Đa- cho hay, từ sau Tết đến nay, chị chưa thấy cán bộ phụ trách đến thu tiền thuế hàng tháng. Thuế môn bài cũng chưa nghe nhắc đến. “Có lẽ nhà thuế chia sẻ khó khăn với tiểu thương bị ảnh hưởng kinh tế vì đại dịch. Tôi hy vọng Nhà nước, chính quyền TP căn cứ vào tình hình dịch bệnh để có chính sách giảm thuế và các loại phí. Nếu được như vậy thì thật đỡ cho tiểu thương, người kinh doanh biết bao nhiêu”- chị P.A bày tỏ hy vọng. Đồng quan điểm này, một chủ kinh doanh quán cà-phê trên đường Phan Châu Trinh cho hay: “Mới đây, cán bộ phụ trách thuế phường có đến hỏi thăm tình hình, rồi làm luôn tờ khai cho tôi. Họ rất có trách nhiệm. Không biết việc làm đó có liên quan gì đến việc miễn, giảm thuế hay không, nhưng tôi cứ hy vọng là sẽ có. Theo tôi, đóng thuế là nghĩa vụ cũng là trách nhiệm, nhưng với tình hình khó khăn chung như hiện nay, mong Nhà nước quan tâm, hỗ trợ cho các hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng kinh tế vì đại dịch Covid-19...”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hữu Trung- Phó trưởng Phòng Tuyên truyền Cục Thuế TP Đà Nẵng, được biết, ngành rất sẻ chia với khó khăn của tiểu thương, của những người kinh doanh bị ảnh hưởng kinh tế vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên việc miễn, giảm thuế vượt thẩm quyền của Cục Thuế Đà Nẵng. Khi nào có chủ trương từ Trung ương, Cục Thuế Đà Nẵng sẽ triển khai ngay xuống cơ sở để thực hiện. Đối với việc giãn thu thuế, ông Trung cho biết, vấn đề này đã được Nhà nước quan tâm, biểu hiện cụ thể ở Nghị định 41 của Chính phủ về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Được biết, kể từ khi đại dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát, Bộ Tài chính đã chủ động có nhiều đề xuất, kiến nghị trình lên các cấp có thẩm quyền về việc miễn, giảm thuế và các loại phí, lệ phí hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. 

KHÁNH YÊN