Người lao động mong chờ gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ
Sau khi Chính phủ ban hành gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng nhằm giúp đỡ người lao động gặp khó khăn trong thời gian dịch bệnh, những ngày qua, các xã, phường trên địa bàn TP Đà Nẵng cũng gấp rút triển khai công tác thu thập thông tin, lập danh sách những diện nằm trong gói hỗ trợ. Tuy mỗi nơi có những cách làm khác nhau, nhưng đều cố gắng đảm bảo độ chính xác cao nhất, không để người dân nào chịu thiệt hoặc trục lợi.
Bà Phan Thị Kim Nhung - Tổ trưởng tổ dân phố 29 đến từng nhà người dân để khảo sát và sàng lọc những người được hưởng trợ cấp từ Chính phủ. |
Cả gia đình 5 thành viên nhà chị Phan Thị Hồng (tổ 29, P. Thanh Khê Tây, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) là hộ khó khăn tại địa phương. Trước khi có dịch, gia đình chị trông chờ vào công việc bán bánh canh vào buổi sáng để có tiền trang trải cuộc sống và nuôi 3 con nhỏ ăn học. Trong đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 vừa qua, chị cùng gia đình thực hiện nghiêm lệnh giãn cách xã hội của Chính phủ, đồng nghĩa với việc chị đã tạm đóng cửa quán ăn từ ngày 31-3 đến nay. Chị Hồng chia sẻ: “Từ khi dịch bệnh bùng phát dẫn đến việc buôn bán của gia đình tôi rất khó khăn. Đặc biệt, từ cuối tháng 3 đến nay, gia đình tôi đã tạm nghỉ bán để thực hiện theo đúng chủ trương của Nhà nước. Việc tạm nghỉ bán hàng đã ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập hằng ngày của chúng tôi. Thời gian qua, sau khi nghe thông tin từ Tổ trưởng dân phố về việc sắp nhận gói hỗ trợ của Chính phủ, chúng tôi rất mừng và mong chờ số tiền này sẽ nhanh chóng đến với người dân để trang trải cuộc sống”.
Cũng giống như trường hợp chị Hồng, gia đình ông Trương Quý Long là một trong những hộ thuộc diện khó khăn tại tổ 29, P. Thanh Khê Tây. Ông Long là nhân viên của 1 hãng taxi. Từ tháng 2 đến nay, ông phải tạm nghỉ việc không lương do công ty tạm ngưng hoạt động. Vợ và con của ông cũng tạm nghỉ việc đã hơn 1 tháng nay. Do không có bất kỳ nguồn thu nhập nào kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay nên gia đình ông phải cân nhắc kỹ những khoản chi tiêu hàng ngày. Mới đây, sau khi đọc báo và biết được thông tin về gói hỗ trợ của Chính phủ, gia đình ông rất vui và mong chờ gói hỗ trợ này. “Tôi hy vọng tiền hỗ trợ sẽ được phát công bằng, không bỏ sót ai, và sẽ nhanh chóng đến được với tất cả những người lao động bị mất việc”, ông Long chia sẻ.
Bà Phan Thị Kim Nhung - Tổ trưởng tổ 29 cho biết, những ngày qua, bà đã nhiều lần đi đến từng nhà, hỏi từng người dân để lấy thông tin và lập danh sách những người nằm trong diện được hỗ trợ. Dựa trên lời khai của các hộ gia đình, bà cẩn thận ghi lại thông tin trên 4 tờ khai thuộc 4 nhóm đối tượng khác nhau bị ảnh hưởng việc làm do dịch bệnh. Bà Nhung cho hay, tuy phải đi lại nhiều lần, ghi chép nhiều nhưng như vậy mới đảm bảo được tính chính xác, công khai, minh bạch. Hiện nay, Tổ dân phố 29 đã hoàn thành việc lấy ý kiến khảo sát và nộp lại danh sách cho UBND phường vào ngày 15-4.
Tại P. Nại Hiên Đông (Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) lại có cách làm khác khi chọn phương án đến từng nhà hướng dẫn, phát tờ khai cho người dân tự khai báo. Ông Trần Quang Huệ - Tổ trưởng tổ 24, P.Nại Hiên Đông thông tin, ngay từ khi có chủ trương về gói hỗ trợ tiền cho người lao động, ông đã phụ trách phát tờ khai và hướng dẫn cách khai báo cho người dân trong tổ. Sau khi người dân nộp lại tờ khai thì các khảo sát viên sẽ kiểm tra, rà soát lại rồi đưa danh sách về phường.
Theo bà Phan Thùy Dung - Phó chủ tịch UBND P. Nại Hiên Đông, những ngày qua, UBND phường đã tiến hành triển khai khảo sát tất cả các tổ dân phố và công khai các thông tin trên trang mạng xã hội của phường. Theo bà Dung, trong 4 nhóm đối tượng thì có khó khăn ở nhóm người lao động tự do và cần quy định cụ thể lao động tự do ở nhóm nghề gì được hưởng hỗ trợ. Hiện nay UBND phường đang chờ văn bản hướng dẫn chung của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố để phân loại ngành nghề nào được hỗ trợ và ngành nghề nào không được hỗ trợ.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn An – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng được biết, hiện nay, Sở đang tiến hành khảo sát 4 nhóm đối tượng người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh tại các địa phương. Tuy nhiên, công việc khảo sát gặp một số khó khăn như cần phải xác định cụ thể từng đối tượng lao động đang thuộc nhóm nào? Bên cạnh đó, đây đang là thời gian giãn cách xã hội nên phải hạn chế khảo sát đông người. Đặc biệt, công việc thu thập thông tin cần triển khai nhanh nên có một số địa phương chưa thống nhất cách khảo sát. Có phường cử tổ trưởng đi ghi thông tin, có phường phát phiếu cho người dân tự khai.
“Chủ trương của chúng tôi là không phát phiếu cho người dân tự viết, mà khảo sát viên cần đến từng hộ gia đình và ghi vào danh sách từng đối tượng cụ thể để đảm bảo chính xác. Nếu để người dân tự viết thì phải rà soát lại kỹ lưỡng. Sau đó, danh sách những người được hỗ trợ sẽ được công khai tại địa phương, để bà con cùng nắm rõ, đảm bảo không bỏ sót ai và cũng không ai có thể trục lợi chính sách. Theo kế hoạch, các phường sẽ hoàn thành khảo sát trong ngày 20-4. Nếu không có gì thay đổi thì đầu tháng 5 có thể triển khai hỗ trợ cho người dân”, ông An nói.
NGỌC QUỐC