Người một đằng đất một nẻo
Người dân xóm Bắc Ninh (xã Tây Hiếu) cho hay những "oái oăm" này dù đã được kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Ông Nguyễn Công Luyện (trú xóm Bắc Ninh), chia sẻ: "Gia đình tôi sinh sống trên thửa đất do bố mẹ để lại. Trước đây, khu vực này thuộc Nông trường Tây Hiếu 1, khi thành lập xã Tây Hiếu vào năm 1995, chúng tôi cũng được chuyển hộ khẩu về UBND xã Tây Hiếu quản lý. Đến năm 2012, có đoàn cán bộ về đo vẽ bản đồ và năm 2015 khi cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) thì chúng tôi mới "té ngửa" khi thửa đất của gia đình mình từ xã Tây Hiếu đã chuyển sang xã Nghĩa Tiến quản lý".
Được biết, sau khi các xóm An Ninh, Hưng Bắc, Hiếu Thành, Hưng Phú được đưa vào bản đồ địa giới hành chính của xã Nghĩa Tiến, nhiều vấn đề đã phát sinh. Trước hết, việc người dân ở một đằng, đất đai ở một nẻo đã khiến cả xã Nghĩa Tiến và xã Tây Hiếu đều gặp khó khăn. Xã Nghĩa Tiến khi muốn nắm những thông tin di, biến động về dân cư ở các xóm này thì phải sang hỏi xã Tây Hiếu và ngược lại xã Tây Hiếu khi muốn nắm thông tin về đất đai ở các xóm này lại phải sang hỏi xã Nghĩa Tiến. Có hộ dân muốn dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn ngân hàng thì phải xin xác nhận của 2 xã. Thậm chí khi có tình trạng tranh chấp đất đai xảy ra, cả 2 xã đều phải tham gia xử lý.
Chưa kể, đến thời điểm hiện nay, có những hộ dân khi tiến hành cấp đổi sổ đỏ đã bị nhầm lẫn diện tích đất ở, đất vườn sang thành đất trồng cây lâu năm. Chính vì thế, nếu điều chỉnh, phải xác minh lại nguồn gốc đất từ cả 2 xã nên rất khó khăn. Thậm chí có thời điểm xã Tây Hiếu làm thủ tục phân lô, đấu giá đất đai trên khu vực thuộc phạm vi các xóm này, nhưng về nguyên tắc đất đai đang thuộc xã Nghĩa Tiến quản lý nên sau khi UBND xã Nghĩa Tiến có ý kiến phản đối, việc phân lô, đấu giá cũng buộc phải dừng lại.
Ông Phạm Văn Hùng, xóm trưởng xóm Bắc Ninh cho biết, bất cập nảy sinh khi người dân tiến hành cấp đổi sổ đỏ, khi đó thông tin của thửa đất được ghi thuộc về xã Nghĩa Tiến. Điều đáng nói là thời điểm đó người dân trên địa bàn xóm không nhận được thông tin, chỉ khi nhận lại sổ đỏ mới biết. "Qua tiếp xúc cử tri, người dân đã có ý kiến cho rằng, nên sáp nhập 2 xã thành 1 phường, hoặc chỉ khi địa giới hành chính được điều chỉnh lại thì mới giải quyết được triệt để vấn đề", ông Hùng nói.
Về thực trạng trên, ông Phan Đình Lâm- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Tiến cho biết: Năm 2012, khi có phương án đo vẽ bản đồ hiện trạng của các phường, xã trên địa bàn thị xã Thái Hòa, vì căn cứ theo tờ bản đồ được đo vẽ theo Chỉ thị 364 năm 1991 nên cơ quan chức năng đã cấp sổ đỏ cho người dân theo thông tin cũ. Hiện tại, dù UBND xã Tây Hiếu đang được giao giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai tại các xóm này, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài vẫn phải chờ điều chỉnh địa giới hành chính, bởi vì khi điều chỉnh, đất đai của các xóm Bắc Ninh và Phú Thành sẽ được trả về cho xã Tây Hiếu, nhưng đồng thời có một số diện tích đất thuộc xã Tây Hiếu được giao về cho xã Nghĩa Tiến quản lý để bản đồ địa giới hành chính được liền mạch, liền nét vẽ.
Còn ông Dương Đình Đường- Chủ tịch UBND xã Tây Hiếu cũng xác nhận, hiện nay UBND thị xã Thái Hòa đang giao cho địa phương chịu trách nhiệm giải quyết những vấn đề liên quan đến đất đai cho các xóm nằm trên khu vực bị chồng chéo. Chính quyền địa phương cũng đã thông báo cho người dân có nhu cầu đổi lại sổ đỏ để sửa lại thông tin, tuy nhiên, có những trường hợp người dân đang cầm cố tài sản để vay ngân hàng, có những trường hợp đi làm ăn xa nên cũng chưa thực hiện hết được. Về lâu dài, địa phương cũng mong muốn địa giới hành chính được sửa đổi.
Rõ ràng, Nghĩa Tiến và Tây Hiếu là 2 địa phương độc lập, thời gian thành lập cũng khác nhau nhưng không hiểu sao vẫn xảy ra tình trạng chồng chéo. Điều này rất cần được giải quyết dứt điểm, tránh những vấn đề phát sinh về sau gây ảnh hưởng đến công tác quản lý hành chính, quản lý đất đai, và gây phiền phức cho người dân địa phương.
N.A