Người Nga gặp khó dưới áp lực trừng phạt từ phương Tây

Thứ sáu, 04/03/2022 08:51

Khi thị trường mở cửa trong hỗn loạn do chiến sự và các lệnh trừng phạt, nhiều người Nga đã đổ xô đến các điểm ATM và các ngân hàng để rút tiền tiết kiệm trước khi mọi việc trở nên tồi tệ hơn.

Người dân xếp hàng chờ rút tiền tại chi nhánh ngân hàng Sberbank của Nga ở Prague, Cộng hòa Czech. Ảnh: AFP

Đồng rúp của Nga đã giảm đáng kể từ phiên giao dịch hôm 28-2 do thông tin về các biện pháp trừng phạt chưa từng có của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đối với Moscow vì cuộc xâm lược Ukraine. Và đã có những diễn biến kịch tính thể hiện nỗi lo sợ về một cuộc tháo chạy trên các ngân hàng của Nga. Tại các máy ATM, dòng người chờ đợi rút tiền mặt kéo dài trên vỉa hè và xung quanh các tòa nhà ở Moscow và tại các ngân hàng Nga ở châu Âu.  Theo CNBC, hôm 28-2, Ngân hàng trung ương Nga đã tăng hơn gấp đôi lãi suất chính của nước này từ 9,5% lên 20% khi đồng rúp, đạt mức thấp mức thấp nhất mọi thời đại so với đồng USD vì ảnh hưởng bởi một loạt các biện pháp trừng phạt và các lệnh trừng phạt mới do châu Âu áp đặt nhằm vào Moscow.

Khi nhìn thấy đồng rúp giảm mạnh, bà Natalia Proshina đã chạy ngay đến ngân hàng. Giống như nhiều người Nga khác, bà lo sợ khoản tiền tiết kiệm của mình sẽ biến mất chỉ sau một đêm trong cuộc khủng hoảng kinh tế do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Đồng rúp mất giá làm sống lại những ký ức khó chịu về bóng ma bất ổn tài chính của những năm 1990, khi hàng triệu người Nga chứng kiến tiền tiết kiệm của họ bốc hơi dưới tác động của đồng tiền mất giá và lạm phát tăng vọt. “Ngay sau khi tôi nhìn thấy đồng rúp rớt giá, tôi chạy ngay đến ngân hàng”, bà Natalia giải thích.

Ở tuổi 75, đã nghỉ hưu, từng là nhà báo trên đài truyền hình thời Liên Xô, bà Natalia Proshina đã gửi tiền tiết kiệm tại VTB, ngân hàng lớn nhất của Nga sau Sberbank. Bà cho biết đã vội vàng rút tiền mặt “để tránh làm mất toàn bộ tài sản” giống như đã từng gặp phải trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998. Bà than thở: “Lúc đó, chúng tôi đã mất hết tiền, bao gồm tất cả những gì chồng tôi kiếm được ở nước ngoài”.

Bên ngoài ngân hàng VTB ở trung tâm Moscow, Alexander Zuyev, người làm việc trong ngành văn hóa, chờ đến lượt gặp người quản lý tài khoản của mình. "Tôi nghĩ rằng việc rút tiền mặt là khá hợp lý với tình hình hiện tại", người đàn ông 40 tuổi nói. "Tất cả chúng ta phải tự chăm sóc bản thân, vì chúng ta không biết đất nước này sẽ ra sao”. Loay hoay phía sau khi xếp hàng, cựu binh 51 tuổi Edward Sysoyev đang dần mất kiên nhẫn. Ông đang cố gắng rút tiền mặt từ một chi nhánh khác của VTB nhưng không được.

Giữa lúc dự trữ bị đóng băng, Ngân hàng Trung ương tuyên bố sẽ tăng hơn gấp đôi lãi suất chính lên 20%, mức cao nhất trong thế kỷ này và buộc các công ty xuất khẩu lớn, bao gồm các nhà sản xuất năng lượng lớn như Gazprom và Rosneft, phải bán 80% ngoại tệ để nâng cao tỷ giá tiền tệ. Nhưng điều đó chẳng làm dịu được những lo lắng căng thẳng tại Trung tâm mua sắm Metropolis ở Moscow, nơi có những dấu hiệu cho thấy người Nga đang đổ xô chi tiền mua sắm trước khi giá cả tăng vọt.

Tại các trung tâm mua sắm, người tiêu dùng thường lùng mua đồ điện tử như điện thoại iPhone và ti-vi. Tại M.Video, một cửa hàng điện tử nổi tiếng, một nhân viên nói rằng giá đồng rúp để mua iPhone hiện nay “không đổi” nhưng “chúng có thể thay đổi bất cứ lúc nào”. “Tôi muốn mua ngay bây giờ”, anh nói.

Trong khi đó, giới giàu có Nga chuyển sang trang sức và đồng hồ xa xỉ nhằm duy trì tài sản tích lũy. Hãng tin Al Jazeera cho biết giống như vàng, đồng hồ và đồ trang sức cao cấp có thể được lưu trữ và thậm chí tăng giá trị trong bối cảnh xảy ra bất ổn kinh tế. Đồng hồ của các hãng nổi tiếng có thể được bán ở thị trường thứ cấp với giá gấp 3-4 lần mức giá bán lẻ của chúng. Doanh số tại các cửa hàng thuộc hãng sản xuất thời trang, phụ kiện, đồng hồ, đồ trang sức cao cấp Italy Bulgari SPA đã tăng vọt trong những ngày gần đây kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Ông Babin đồng thời nhận định: “Khó có thể đoán định được nó sẽ kéo dài bao lâu bởi với biện pháp trừng phạt SWIFT (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu) được áp đặt, sẽ khó khăn hoặc thậm chí là bất khả thi để xuất khẩu đến Nga”.

Trong khi các thương hiệu hàng tiêu dùng như Apple, Nike… đều đã rút khỏi Nga thì các thương hiệu hàng xa xỉ châu Âu vẫn cố gắng duy trì vận hành tại quốc gia này. Không chỉ có Bulgari, Cartier vẫn kinh doanh trang sức và đồng hồ, bên cạnh đó là những thương hiệu như Omega thuộc tập đoàn Swatch và Rolex.

KHẢ ANH