Người Quảng Nam, Đà Nẵng với thủ đô

Thứ hai, 27/10/2014 10:10

(Cadn.com.vn) - Ngày 19-10, Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng (QN- ĐN) tại Hà Nội kỷ niệm 60 năm ngày thành lập. Có dịp dự buổi họp mặt long trọng, những thước phim tài liệu và những câu chuyện lịch sử xưa cũ... những người con Quảng Nam và Đà Nẵng không khỏi tự hào về đất và người quê hương đã góp phần không nhỏ vào quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển thủ đô yêu dấu, trái tim nước Việt.

Phó Bí thư  Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng
Văn Hữu Chiến thăm hỏi các bậc cao niên tại lễ kỷ niệm.

Sau hiệp định Genève (1954) đất nước tạm thời chia cắt. Bao lớp người con QN- ĐN tập kết ra Bắc, công tác học tập và sinh sống tại Hà Nội. Họ bao gồm nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau, trong đó có lớp cán bộ lão thành cách mạng, một số đồng chí giữ những trọng trách lãnh đạo và quản lý của Đảng, chính quyền đoàn thể; những người con, học sinh QN- ĐN được Đảng, Nhà nước, Bác Hồ cùng nhân dân Hà Nội âu yếm đón chào, tận tình đùm bọc cưu mang, đào tạo giáo dục, bố trí công tác... Trong tình yêu thương ruột thịt, cứ tưởng rằng ra đi chỉ đôi năm lại về, ấy nhưng thời gian lại kéo dài đến... 21 năm, mãi đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Ai xa quê lại không mong ngày về. Nỗi khao khát thông tin, khao khát tình cảm của gia đình, nỗi nhớ bến nước, đình làng... da diết trong mỗi trái tim. Và, để đáp ứng thông tin và nỗi khát vọng đó, những ngày thứ bảy, chủ nhật ven bờ hồ Hoàn Kiếm, những học sinh nhỏ được tiếp xúc cùng các anh, chị, cô, bác lớn tuổi để thỏa niềm mong nhớ, để nghe cái chất giọng Quảng Nam yêu thương Răng- Rứa- Mô- Hè...

Câu lạc bộ Thống Nhất, tiền thân của Hội đồng hương Quảng Nam Đà Nẵng đã ra đời như thế.

Đến năm 1958-1959, trước nguyện vọng chính đáng về tình cảm của những người con QN- ĐN xa quê, ban liên lạc đồng hương QN-ĐN ra đời, tồn tại và phát triển cùng với những tên tuổi những vị trưởng bản nhiệt huyết: Trần Đình Tri (Duy Xuyên), nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội; Lê Văn Hiến (Đà Nẵng), nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính; Huỳnh Đắc Hương (Hội An) nguyên Cục trưởng Cục tổ chức QĐNDVN, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB & XH; Hoàng Minh Thắng (Thăng Bình, Quảng Nam), nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại; Nguyễn Văn Trí (Điện Bàn, Quảng Nam), nguyên Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng Tham mưu, Anh hùng Lực lượng vũ trang...

Cụ bà Lâm Thị Khá mang di ảnh chồng đến dự gặp mặt.

Mỗi một thời kỳ là mỗi một nỗi niềm trăn trở. Những kỷ niệm khó phai mờ trong chặng đường chiến đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,  bảo vệ và xây dựng thủ đô Hà Nội, xây dự thành phố Hòa Bình. Phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh,  Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Đà Nẵng Võ Công Trí; Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị... nêu bật những tình cảm sâu sắc, cùng những đóng góp to lớn của những người con xứ Quảng cho đất nước và  thủ đô Hà Nội. Những cái tên Hoàng Diệu, Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Tụy, Hồ Nghinh, Phan Khôi, Tâm Minh, Lê Đình Thám, Lê Ngoạn, Lê Đình Kỵ, Lê Trí Viễn, Nguyễn Thị Bình, Phạm Đức Nam, Nguyễn Văn Chi, Lê Thế Tiệm, Lê Quốc Khánh, Nguyễn Đức Hạt, Nguyễn Đình An, Phan Huỳnh Điểu, Thuận Yến, Cao Hồng Lãnh, Chu Cẩm Phong, Hoàng Châu Ký, Trương Tường Vi, Lâm Quang Thự, Trần Duy Phương...  trong chặng đường hàng trăm năm, hay sáu mươi năm đều đã để lại trong lòng người Hà Nội và người dân nước Việt những dấu ấn về những trí thức cách mạng, những tấm gương vì hòa bình dân tộc.

Cuộc gặp mặt cũng là nơi để những người con xa quê lạc quan tin yêu về những đổi thay diệu kỳ trên quê hương. Quảng Nam, Đà Nẵng sau ngày phân địa giới hành chánh, tuy hai nhưng vẫn là một. Những hình ảnh, tràn ngập yêu thương gây xúc động như anh Nguyễn Trung, hàng chắt của cụ Phan Châu Trinh dù thương tật vẫn lăn chiếc xe lăn đến dự hội, cụ bà Lâm Thị Khá cầm trong tay di ảnh của chồng là Nguyễn Văn Phòng đến dự hội vì muốn cụ ông chứng kiến những hình ảnh, không khí dạt dào tình cảm, tấm lòng của người mẹ, người vợ QN-ĐN luôn chân chất thủy chung...

Đến dự buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng, xúc động, ông nói: “Từ tháng 10 năm 1954, cùng với cả miền Nam, hàng nghìn cán bộ chiến sĩ, con em học sinh Quảng Nam và Đà Nẵng đã lần lượt chia tay người thân, lên đường tập kết ra Bắc, ra Hà Nội chuẩn bị cho cuộc kháng chiến cứu nước lâu dài theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, của Hồ Chủ tịch... Có thể nói, 60 năm đồng hương Quảng Nam và Đà Nẵng tại thủ đô Hà Nội là dịp, là điều kiện để bà con gặp gỡ, trò chuyện nhìn lại chặng đường sáu thập kỷ qua của đất nước nhằm tiếp tục kế thừa phấn đấu trên nhiều phương diện, một lòng vì Tổ quốc, vì Đảng và Bác Hồ kính yêu”.

Ông đánh giá cao những đóng góp thiết thực của bà con tại thủ đô hướng về xây dựng quê nhà, những hoạt động nghĩa tình xây dựng trong tổng hòa cộng đồng người xa quê và những đóng góp xây dựng Hà Nội- thành phố Hòa Bình. Ông chân thành cảm ơn các cấp chính quyền, các ban, ngành đoàn thể, đồng bào miền Bắc nói chung, Hà Nội nói riêng đã dành những tình cảm đặc biệt, giúp đỡ ân cần đối với đồng hương đất Quảng trong 60 năm qua.

Những làn điệu dân ca ngân nga bởi đội văn nghệ “cây nhà lá vườn” của Hội đồng hương Hội An tại thủ đô như những lời tâm tình thương nhớ quê nhà ngân vang. “Đà Nẵng tình người” được nghệ sỹ ưu tú Minh Chính thể hiện như đưa mọi người ngược về dòng ký ức, về quê hương nặng lắm nghĩa tình...

Lê Quang Minh